Thành phố Hồ Chí Minh: Kết thúc hoạt động của 11 đảng đoàn và 3 ban cán sự đảng

Sau khi sắp xếp, số lượng các cơ quan chuyên trách tham mưu giúp việc Thành ủy TP Hồ Chí Minh giảm từ 6 cơ quan xuống 5 cơ quan; số lượng các đảng bộ trực thuộc Thành ủy từ 61 đảng bộ còn 27 đảng bộ.

Sáng 28/12, Ban Chấp hành Đảng bộ Thành phố Hồ Chí Minh khóa XI, nhiệm kỳ 2020-2025 tổ chức Hội nghị lần thứ 35. Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh Nguyễn Văn Nên chủ trì hội nghị.

Tại hội nghị các đại biểu thảo luận, cho ý kiến về dự thảo Báo cáo chính trị, các Báo cáo chuyên đề trình Đại hội đại biểu Đảng bộ Thành phố lần thứ XII, nhiệm kỳ 2025-2030; dự thảo Đề án sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị Thành phố.

Xây dựng chính quyền đô thị gắn với nâng cao khả năng tự lực, tự cường

Theo Thành ủy Thành phố, để chuẩn bị xây dựng dự thảo Báo cáo chính trị, Tiểu ban Văn kiện Đại hội, Ban Thường vụ Thành ủy đã phân công Thường trực Thành ủy phụ trách chỉ đạo chung đối với 19 báo cáo chuyên đề, trong đó có 7 báo cáo chuyên đề liên quan đến các lĩnh vực về kinh tế-xã hội, 12 báo cáo chuyên đề liên quan đến công tác xây dựng Đảng.

Hội nghị đã thảo luận thống nhất cần tiếp tục cập nhật, dự báo thật chuẩn xác bối cảnh quốc tế, trong nước, thời cơ, thuận lợi và khó khăn, thách thức của Thành phố trong giai đoạn tới, nhất là các quan điểm, tư tưởng chỉ đạo của Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư và Tổng Bí thư Tô Lâm để xác định đường lối, chủ trương, các nhiệm vụ trọng tâm và giải pháp đột phá sát, đúng.

Quán triệt, cụ thể hóa 7 nhiệm vụ, giải pháp của Nghị quyết 57 Bộ Chính trị về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia sát với tình hình Thành phố để đưa vào văn kiện, trở thành một trong những nội dung trọng tâm đột phá chiến lược về phát triển hạ tầng, cải cách thể chế, thực hiện cuộc cách mạng về sắp xếp tinh gọn bộ máy và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực.

Tập trung làm rõ nội hàm xây dựng chính quyền đô thị gắn với nâng cao khả năng tự lực, tự cường, chủ động, sáng tạo và trách nhiệm quản trị của Thành phố trong giai đoạn mới, giai đoạn đất nước bước vào kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc.

Việc xây dựng văn kiện Đại hội, trong đó Báo cáo chính trị là trung tâm, phải bảo đảm sự đồng bộ, thống nhất về nội dung; nhất quán về quan điểm, chủ trương, nhiệm vụ, giải pháp; với tinh thần văn kiện phải bám sát hơi thở cuộc sống “ý Đảng lòng dân”, ngắn gọn, súc tích, dễ nhớ, dễ thực hiện, nhất là đối với các nhiệm vụ, giải pháp.

Sau Hội nghị, Ban Thường vụ Thành ủy sẽ chỉ đạo sớm tiếp thu hoàn thiện dự thảo văn kiện, chủ động tổ chức lấy ý kiến đại hội Đảng bộ các cấp, các cơ quan Trung ương, cán bộ cao cấp nghỉ hưu tại địa phương, các nhân sỹ, trí thức, nhà khoa học và các tầng lớp nhân dân góp ý dự thảo Báo cáo chính trị.

Kiên quyết tinh gọn cơ cấu tổ chức bộ máy

Đối với dự thảo Đề án sắp xếp tinh gọn tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị Thành phố, Hội nghị đã thảo luận, cho ý kiến để hoàn chỉnh trình cấp có thẩm quyền phê duyệt, triển khai thực hiện.

Ông Nguyễn Văn Nên, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh. (Ảnh: Xuân Khu/TTXVN)

Theo Đề án, sau khi sắp xếp, cấp Thành phố: số lượng các cơ quan chuyên trách tham mưu giúp việc Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh từ 6 cơ quan giảm còn 5 cơ quan; số lượng các đảng bộ trực thuộc Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh từ 61 đảng bộ giảm còn 27 đảng bộ (22 đảng bộ quận, huyện, thành phố Thủ Đức và 5 đảng bộ cấp trên cơ sở). Kết thúc hoạt động của 11 đảng đoàn và 3 ban cán sự đảng.

Các cơ quan chuyên môn, cơ quan hành chính, đơn vị sự nghiệp công lập thuộc Ủy ban nhân dân Thành phố: từ 21 cơ quan chuyên môn giảm còn 15 cơ quan chuyên môn; đồng thời có đề xuất cho phép Thành phố Hồ Chí Minh tiếp tục thực hiện Đề án thí điểm thành lập Sở An toàn thực phẩm theo Nghị quyết số 98/2023/QH15 của Quốc hội, không nằm trong diện sắp xếp lần này; 8 cơ quan hành chính giảm còn 2 cơ quan hành chính; 35 đơn vị sự nghiệp giảm còn 32 đơn vị.

Cấp huyện và tương đương, sau khi sắp xếp giảm 1 cơ quan chuyên trách tham mưu, giúp việc cấp ủy cấp huyện. Ủy ban nhân dân Thành phố Thủ Đức từ 16 phòng chuyên môn, giảm còn 14 phòng chuyên môn.

Cơ quan, đơn vị trực thuộc Ủy ban nhân dân quận, huyện từ 12 phòng chuyên môn, giảm còn 10 phòng chuyên môn.

Đồng thời, từng cơ quan, đơn vị trong hệ thống chính trị Thành phố chủ động rà soát, xây dựng phương án sắp xếp tinh gọn tổ chức bộ máy cơ quan, đơn vị; phấn đấu giảm 15% đầu mối và có lộ trình giảm biên chế theo quy định.

Việc sắp xếp các cơ quan báo chí Thành phố theo mô hình phù hợp, bám sát Quyết định số 362 QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt quy hoạch phát triển và quản lý báo chí đến năm 2025 và quan điểm chỉ đạo của Ban Chỉ đạo Trung ương, Ban Tuyên giáo Trung ương với hệ thống báo chí.

Qua thảo luận, việc sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị Thành phố, Hội nghị nhất trí cao với quan điểm, mục tiêu và giải pháp, bám sát chỉ đạo và định hướng, gợi ý của Trung ương, có nghiên cứu đề xuất các vấn đề có tính đặc thù của Thành phố; xem đây là thời cơ thuận lợi để triển khai thực hiện việc sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực của Thành phố; việc thực hiện với yêu cầu quyết liệt nhất có thể, với tinh thần “cách mạng”, như Tổng Bí thư Tô Lâm chỉ đạo là: “vừa chạy vừa xếp hàng”, “Trung ương không chờ cấp tỉnh, cấp tỉnh không chờ cấp huyện, cấp huyện không chờ cơ sở."

Thực hiện nguyên tắc một cơ quan thực hiện nhiều việc, một việc chỉ giao một cơ quan chủ trì và chịu trách nhiệm chính; kết thúc các tổ chức trung gian có chức năng, nhiệm vụ trùng lắp, chồng chéo; kiên quyết tinh gọn cơ cấu tổ chức bên trong.

Giao trách nhiệm người đứng đầu từng cơ quan, đơn vị trực thuộc chủ động rà soát, xây dựng phương án sắp xếp tinh gọn bên trong theo định hướng chung của Thành phố; các cơ quan, đơn vị sau sắp xếp rà soát, bổ sung quy chế về chức năng, nhiệm vụ, tổ chức bộ máy, mối quan hệ công tác của cơ quan, đơn vị theo quy định, đảm bảo không bỏ sót nhiệm vụ.

Nghiên cứu, đề xuất chế độ, chính sách thỏa đáng, công bằng, thấu tình, đạt lý của Thành phố Hồ Chí Minh đối với cán bộ, công chức, viên chức, người lao động trong diện sắp xếp; chỉ đạo rà soát việc thực hiện quản lý biên chế chặt chẽ trong quá trình sắp xếp tổ chức bộ máy hệ thống chính trị theo định hướng chung: giảm đầu mối, giảm biên chế, cơ cấu lại đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức gắn với đề án vị trí việc làm và đề án chuyển đổi số./.