Quy định chi tiết về tổ chức chính quyền đô thị tại thành phố Đà Nẵng

Nghị định số 170/2024/NĐ-CP quy định chi tiết về tổ chức chính quyền đô thị tại thành phố Đà Nẵng vừa được Chính phủ ban hành, có hiệu lực từ ngày 1/1/2025.

Chính phủ vừa ký ban hành Nghị định số 170/2024/NĐ-CP quy định chi tiết về tổ chức chính quyền đô thị tại thành phố Đà Nẵng.

Nghị định này quy định cụ thể về tổ chức hoạt động của Ủy ban Nhân dân quận và chế độ trách nhiệm của Chủ tịch Ủy ban Nhân dân quận; tổ chức hoạt động của Ủy ban Nhân dân phường và chế độ trách nhiệm của Chủ tịch Ủy ban Nhân dân phường; bầu cử, tuyển dụng, quản lý, sử dụng công chức làm việc tại Ủy ban Nhân dân quận và cán bộ, công chức làm việc tại phường, xã; lập dự toán, chấp hành và quyết toán ngân sách quận, phường trên địa bàn thành phố Đà Nẵng (thành phố).

Theo Nghị định, cơ cấu tổ chức của Ủy ban Nhân dân quận được thực hiện theo quy định tại khoản 1 Điều 7 Nghị quyết số 136/2024/QH15 của Quốc hội về tổ chức chính quyền đô thị và thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển thành phố Đà Nẵng.

Theo quy định tại khoản 1 Điều 7 Nghị quyết số 136/2024/QH15: Cơ cấu tổ chức của Ủy ban nhân dân quận gồm có Chủ tịch Ủy ban nhân dân quận; Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân quận; Chỉ huy trưởng Ban Chỉ huy quân sự quận; Trưởng Công an quận; các cơ quan chuyên môn thuộc Ủy ban nhân dân quận; các cơ quan hành chính khác và đơn vị sự nghiệp công lập thuộc Ủy ban nhân dân quận, Ủy ban nhân dân quận loại I có không quá 3 Phó Chủ tịch, quận loại II có không quá 2 Phó Chủ tịch.

Chủ tịch Ủy ban nhân dân quận, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân quận là công chức giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý của Ủy ban nhân dân quận.

Về nguyên tắc hoạt động, Ủy ban Nhân dân quận làm việc theo chế độ thủ trưởng; bảo đảm nguyên tắc tập trung dân chủ. Chủ tịch Ủy ban Nhân dân quận quyết định những nội dung thuộc nhiệm vụ, quyền hạn của Ủy ban Nhân dân quận, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân quận và chịu trách nhiệm về quyết định của mình.

Nhiệm vụ, quyền hạn của Ủy ban Nhân dân quận quy định tại các điểm b, c, đ, e, g, l, m khoản 3 Điều 7 Nghị quyết số 136/2024/QH15 (trừ nhiệm vụ đình chỉ việc thi hành, bãi bỏ một phần hoặc toàn bộ văn bản trái pháp luật của cơ quan chuyên môn thuộc Ủy ban Nhân dân quận và văn bản trái pháp luật của Ủy ban Nhân dân phường) phải được thảo luận tập thể trước khi Chủ tịch Ủy ban Nhân dân quận quyết định.

Công chức của quận làm việc theo Quy chế làm việc của Ủy ban Nhân dân quận, bảo đảm tuân thủ các quy định của pháp luật.

Hoạt động của Ủy ban Nhân dân quận phải đáp ứng sự hài lòng của người dân, tuân thủ trình tự, thủ tục, đúng thẩm quyền được giao, theo đúng quy định của pháp luật và Quy chế làm việc của Ủy ban Nhân dân quận.

Đẩy mạnh cải cách hành chính, ứng dụng dịch vụ công trực tuyến vào giải quyết thủ tục hành chính cho cá nhân, tổ chức tại quận và theo quy định của pháp luật, bảo đảm các hoạt động của Ủy ban Nhân dân quận dân chủ, công khai, minh bạch, thống nhất, thông suốt, hiệu năng, hiệu lực, hiệu quả...

Cơ cấu tổ chức của Ủy ban Nhân dân phường được thực hiện theo quy định tại khoản 1 Điều 8 Nghị quyết số 136/2024/QH15.

Các công chức khác của Ủy ban Nhân dân phường gồm: Văn phòng-thống kê; địa chính-xây dựng-đô thị và môi trường; tài chính-kế toán; tư pháp-hộ tịch; văn hóa-xã hội.

Về nguyên tắc làm việc, Ủy ban Nhân dân phường làm việc theo chế độ thủ trưởng, bảo đảm nguyên tắc tập trung dân chủ.

Chủ tịch Ủy ban Nhân dân phường quyết định những nội dung thuộc nhiệm vụ, quyền hạn của Ủy ban Nhân dân phường, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân phường và chịu trách nhiệm về quyết định của mình.

Nhiệm vụ, quyền hạn cụ thể của Ủy ban Nhân dân phường quy định tại các điểm b, c và g khoản 3 Điều 8 Nghị quyết số 136/2024/QH15 phải được thảo luận tập thể trước khi Chủ tịch Ủy ban Nhân dân phường quyết định và chịu trách nhiệm về quyết định của mình.

Hoạt động của Ủy ban Nhân dân phường phải đáp ứng sự hài lòng của người dân, tuân thủ trình tự, thủ tục, đúng thẩm quyền được giao, theo đúng quy định của pháp luật và Quy chế làm việc của Ủy ban Nhân dân phường.

Đẩy mạnh cải cách hành chính, ứng dụng dịch vụ công trực tuyến vào giải quyết thủ tục hành chính cho cá nhân, tổ chức tại phường theo quy định của pháp luật, bảo đảm các hoạt động của Ủy ban Nhân dân phường dân chủ, công khai, minh bạch, thống nhất, thông suốt, hiệu năng, hiệu lực, hiệu quả.

Trưởng Công an phường tham mưu, chịu sự chỉ đạo điều hành của Chủ tịch Ủy ban Nhân dân phường trong việc thực hiện nhiệm vụ về an ninh, biện pháp bảo đảm trật tự, an toàn xã hội, đấu tranh phòng, chống tội phạm và các hành vi vi phạm pháp luật khác trên địa bàn theo quy định của pháp luật.

Nghị định quy định cán bộ, công chức làm việc tại phường, xã thuộc biên chế cán bộ, công chức quận, huyện thuộc thành phố; do Ủy ban Nhân dân quận, huyện quản lý, sử dụng.

Số lượng cán bộ, công chức làm việc tại phường, xã thực hiện theo quy định của Chính phủ về số lượng cán bộ, công chức cấp xã.

Quang cảnh Kỳ họp thứ 20 Hội đồng Nhân dân thành phố Đà Nẵng. (Ảnh: Quốc Dũng/TTXVN)

Hàng năm, Ủy ban Nhân dân thành phố trình Hội đồng Nhân dân thành phố quyết định số lượng cán bộ, công chức làm việc tại phường, xã đối với từng quận, huyện thuộc thành phố trong tổng số lượng cán bộ, công chức giao cho Ủy ban Nhân dân quận, huyện nhưng phải bảo đảm tổng số lượng cán bộ, công chức làm việc tại phường, xã thuộc các quận, huyện không vượt quá tổng số lượng cán bộ, công chức làm việc tại phường, xã tính cho cả thành phố theo quy định pháp luật.

Căn cứ vào số lượng cán bộ, công chức làm việc tại phường, xã đối với từng quận, huyện do Hội đồng Nhân dân thành phố quyết định theo quy định trên Ủy ban Nhân dân quận, huyện quyết định số lượng cụ thể cán bộ, công chức làm việc tại từng phường, xã và bố trí số lượng công chức của từng chức danh công chức làm việc tại phường, xã thuộc phạm vi quản lý cho phù hợp với yêu cầu, nhiệm vụ của từng phường, xã.

Số lượng cán bộ, công chức ở từng phường, xã có thể thấp hơn mức của phường, xã loại III hoặc có thể cao hơn mức của phường, xã loại I theo quy định của pháp luật, nhưng phải bảo đảm không vượt quá tổng số lượng cán bộ, công chức làm việc tại phường, xã của cả quận, huyện được HĐND thành phố giao.

Nghị định quy định việc bầu cử, sử dụng, quản lý, bãi nhiệm, miễn nhiệm, cho thôi giữ chức vụ đối với cán bộ làm việc tại phường, xã của thành phố thực hiện theo quy định của Luật Cán bộ, công chức, Luật Tổ chức chính quyền địa phương, Luật Bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng Nhân dân và quy định khác của pháp luật có liên quan, điều lệ, quy định của Đảng và của tổ chức chính trị-xã hội ở Trung ương.

Nghị định này có hiệu lực từ ngày 1/1/2025./.