Thành phố Hồ Chí Minh: Chỉ số giá tiêu dùng tăng 0,91%
Cục Thống kê thành phố cho biết: Nhóm hàng ăn và dịch vụ ăn uống tăng 1,05%, trong đó nhóm lương thực tăng 0,28%, giá gạo tăng 0,57% do nguồn cung giảm khi vụ thu hoạch Đông Xuân gần kết thúc.
Chiều 29/6, Cục Thống kê Thành phố Hồ Chí Minh đã công bố chỉ số giá tiêu dùng (CPI) của thành phố tháng 6 tăng 0,91%, trong đó có 2/11 nhóm hàng hóa và dịch vụ giảm là dịch vụ bưu chính viễn thông và dịch vụ văn hóa, giải trí và du lịch; có 9/11 nhóm tăng so với tháng trước, tăng cao nhất là nhóm giao thông (3,89%).
Phân tích diễn biến chỉ số giá một số nhóm ngành hàng tháng 6 so với tháng trước, Cục Thống kê thành phố cho biết: Nhóm hàng ăn và dịch vụ ăn uống tăng 1,05%, trong đó nhóm lương thực tăng 0,28%, giá gạo tăng 0,57% do nguồn cung giảm khi vụ thu hoạch Đông Xuân gần kết thúc.
Nhóm thực phẩm tăng 1,27%, trong đó thịt gia súc tăng 0,41%; đặc biệt trứng các loại tăng 2,59%; thịt gia cầm tăng 1,58%; giá dầu thực vật tăng 1,29%; rau tươi, khô và chế biến tăng 4,47%; quả tươi, chế biến tăng 1,54%, bánh mứt kẹo tăng 1,65%,…
Do hầu hết các mặt hàng lương thực, thực phẩm đều tăng, chi phí vận chuyển tăng nên dịch vụ ăn uống ngoài gia đình cũng tăng khá với mức 0,87%.
[Chỉ số giá tiêu dùng bình quân sáu tháng năm 2022 tăng 2,44%]
Cùng chiều hướng tăng có nhóm may mặc, mũ nón, giày dép với chỉ số giá tăng 0,05%; nhóm nhà ở, điện nước, chất đốt, vật liệu xây dựng có chỉ số giá tăng 0,92%, chủ yếu tập trung giá nhà ở thuê tăng 1,63%, vật liệu bảo dưỡng nhà tăng 0,13%, nước sinh hoạt tăng 0,23%.
Nhóm giao thông cũng có chỉ số giá tăng 3,89%, chủ yếu là do nhóm nhiên liệu tăng 7,18% và trong tháng 6/2022 có 3 lần điều chỉnh giá bán xăng, dầu (ngày 1/6/2022, ngày 13/6/2022 và ngày 21/6/2022).
Ở chiều ngược lại, chỉ số giá nhóm gas và các loại chất đốt giảm 6,09%, trong đó, giá gas điều chỉnh giảm 37.000 đồng/bình; dầu hỏa tăng 10,28% do việc điều chỉnh giá bán chung.
Trong tháng 6/2022, chỉ số giá vàng giảm 1,10%; chỉ số giá USD giảm 0,25% so với tháng trước./.