TP HCM: Nhiều vướng mắc về ngân sách khi thực hiện chính quyền đô thị
Sau một năm thực hiện chính quyền đô thị tại Thành phố Hồ Chí Minh, UBND 16 quận từ cấp ngân sách thành đơn vị dự toán ngân sách, dẫn đến một số khó khăn, vướng mắc trong quá trình hoạt động.
Sau một năm thực hiện chính quyền đô thị tại Thành phố Hồ Chí Minh, Ủy ban Nhân dân 16 quận từ cấp ngân sách thành đơn vị dự toán ngân sách, dẫn đến một số khó khăn, vướng mắc trong quá trình hoạt động.
Nội dung này được nêu ra tại phiên họp về tình hình kinh tế-xã hội 6 tháng đầu năm của Ủy ban Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh ngày 29/6.
Theo đó, do không tổ chức Hội đồng Nhân dân tại 16 quận theo Nghị quyết số 131/2020/QH14 ngày 16/11/2020 của Quốc hội về tổ chức chính quyền đô thị tại Thành phố Hồ Chí Minh Ủy ban Nhân dân các quận của Thành phố Hồ Chí Minh từ cấp ngân sách thành đơn vị dự toán ngân sách, gây lúng túng trong điều hành ngân sách ở các cấp.
Ông Lê Đức Thanh, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân Quận 1 cho biết, quận đang gặp khó khi triển khai các dự án từ nguồn kết dư ngân sách. Hiện nay, nguồn này đã chuyển về cho thành phố quản lý, muốn thực hiện các công trình, dù nhỏ cũng phải chờ thành phố rót vốn. Ngay cả những công trình rất nhỏ như sửa chữa vỉa hè vẫn phải chờ thành phố, quận không chủ động được.
Trao đổi vấn đề này, Giám đốc Sở Tài chính Thành phố Hồ Chí Minh Phạm Thị Hồng Hà chia sẻ, khi thực hiện chính quyền đô thị tại Thành phố Hồ Chí Minh, 16 quận không còn là cấp chính quyền địa phương nên không còn là cấp ngân sách nữa mà quay trở về là đơn vị dự toán ngân sách. Điều này dẫn đến những khó khăn, vướng mắc.
Cụ thể, ngân sách quận không còn dự phòng, kết dư, tăng thu và các khoản chi khác nên không chủ động khi thực hiện điều hành ngân sách đối với các khoản chi chưa được dự toán từ đầu năm.
Quy định cơ quan tài chính cùng cấp trước đây là Phòng Tài chính - Kế hoạch tham mưu điều hành ngân sách, đến nay chuyển về Sở Tài chính, điều này khiến Sở Tài chính phát sinh thêm khối lượng công việc rất lớn.
Theo bà Phạm Thị Hồng Hà, khi xây dựng dự toán, Sở Tài chính phải rà soát khoản chi chi tiết của 16 quận và hơn 960 đơn vị sự nghiệp; bổ sung điều chỉnh ngân sách đối với 1.400 đơn vị của 16 quận.
Trong 6 tháng đầu năm, Sở Tài chính nhận nhiều phản ánh của các quận về thiếu nguồn vốn sửa chữa đường hẻm, không chủ động sử dụng kết dư ngân sách để làm các dự án trong nghị quyết Đảng bộ quận đầu nhiệm kỳ.
Bà Phạm Thị Hồng Hà cho biết, trước mắt thành phố đã bố trí gói điều hành chung về ngân sách khoảng 749 tỷ đồng để bổ sung cho khoản chi đột xuất phát sinh.
[Thành phố Hồ Chí Minh tiếp tục đẩy mạnh cải cách hành chính]
Ngành tài chính cũng hướng dẫn các quận rà soát, xác định nguồn kết dư còn lại, đồng thời rà soát danh mục dự án đầu tư công cần thiết, đảm bảo điều kiện giải ngân để bố trí kinh phí, trước hết là nguồn kết dư còn giữ lại và sau đó là nguồn bổ sung từ ngân sách thành phố.
Về lâu dài, Thành phố đã báo cáo Bộ Tài chính hướng dẫn cơ chế tài chính ngân sách đảm bảo chủ động của các quận theo 2 hướng: đề xuất cơ chế đặc thù cho Thành phố Hồ Chí Minh, đối với ngân sách của 16 quận cho phép dự phòng ngân sách cấp quận; nghiên cứu, đề xuất Chính phủ, Quốc hội điều chỉnh, bổ sung Luật Tổ chức Chính quyền địa phương.
Trong báo cáo sơ kết 1 năm thực hiện Nghị quyết số 131/2020/QH14, Ủy ban Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh cho biết, đến nay thành phố chưa nhận được văn bản hướng dẫn của bộ, ngành liên quan đến lĩnh vực tài chính-ngân sách khi chuyển đổi Ủy ban Nhân dân các quận từ cấp ngân sách thành đơn vị dự toán ngân sách trực thuộc Ủy ban Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh. Từ đó, Thành phố Hồ Chí Minh còn gặp nhiều lúng túng trong quản lý, điều hành ngân sách.
Để thuận lợi trong quản lý, điều hành kinh tế-xã hội trên địa bàn quận, Ủy ban Nhân dân Thành phố đã có văn bản kiến nghị Chính phủ giao Bộ Tài chính hướng dẫn phương thức bố trí kinh phí thực hiện các nhiệm vụ cấp bách, đột xuất phát sinh trong năm của chính quyền quận theo định mức khoán phù hợp với tình hình thực tế của quận dựa trên khả năng cân đối ngân sách Thành phố./.