Thành phố Hà Nội phê duyệt chủ trương đầu tư gần 1.380 tỷ đồng cho 8 dự án
Đối với Nghị quyết về điều chỉnh Kế hoạch đầu tư công năm 2024, Hội đồng Nhân dân thành phố Hà Nội quyết nghị 8 dự án nhóm B với tổng mức đầu tư dự kiến là 1.377 tỷ đồng.
Ngày 15/5, tại Kỳ họp lần thứ 16, Hội đồng Nhân dân thành phố Hà Nội khóa XVI, nhiệm kỳ 2021-2026, cho ý kiến về kế hoạch đầu tư công năm 2024 của thành phố, Chủ tịch Hội đồng Nhân dân thành phố Hà Nội Nguyễn Ngọc Tuấn nhấn mạnh đây là nhiệm vụ quan trọng, thường xuyên của thành phố, vì vậy đề nghị Ủy ban Nhân dân thành phố tiếp tục tập trung chỉ đạo, tăng cường đôn đốc, kiểm tra, giám sát nhằm đẩy nhanh tiến độ đầu tư công; ưu tiên nguồn lực bố trí vốn cho các dự án có tính khả thi cao, dự án trọng điểm, dự án cấp bách, kịp thời giải quyết các vấn đề dân sinh bức xúc của thành phố.
Trước đó, buổi sáng cùng ngày, tại kỳ họp, Hội đồng Nhân dân thành phố Hà Nội đã thông qua Nghị quyết về điều chỉnh Kế hoạch đầu tư công năm 2024; phê duyệt chủ trương đầu tư một số dự án vốn đầu tư công của thành phố.
Đối với Nghị quyết về điều chỉnh Kế hoạch đầu tư công năm 2024, Hội đồng Nhân dân thành phố nhất trí thông qua 18 dự án; trong đó, 1 dự án thực hiện chuyển tiếp; 9 dự án trên địa bàn các xã được thành phố giao nhiệm vụ củng cố, hoàn thành xã nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu năm 2024; 8 dự án thực hiện trên địa bàn các huyện đang làm thủ tục đề xuất công nhận huyện nông thôn mới nâng cao, nhằm tiếp tục củng cố chỉ tiêu đạt được và động viên, khuyến khích sự cố gắng của các huyện.
Về phê duyệt chủ trương đầu tư một số dự án vốn đầu tư công của thành phố, Hội đồng Nhân dân thành phố quyết nghị 8 dự án nhóm B với tổng mức đầu tư dự kiến là 1.377 tỷ đồng; trong đó, 1 dự án nhóm B sử dụng ngân sách cấp thành phố với tổng mức đầu tư dự kiến 191 tỷ đồng thực hiện hoàn thành trong giai đoạn 2021-2025.
Cùng đó, 7 dự án nhóm B với tổng mức đầu tư dự kiến 1.186 tỷ đồng, thực hiện trong 2 giai đoạn 2021-2025 và 2026-2030.
Cụ thể, 6 dự án nhóm B với tổng mức đầu tư dự kiến 1.061 tỷ đồng sử dụng ngân sách thành phố; 1 dự án nhóm B sử dụng ngân sách huyện Hoài Đức với tổng mức đầu tư dự kiến là 125 tỷ đồng.
Cũng tại kỳ họp, trên cơ sở các báo cáo, tờ trình của Ủy ban Nhân dân thành phố, báo cáo thẩm tra của các Ban Hội đồng Nhân dân thành phố, các đại biểu đã tập trung thảo luận và biểu quyết thông qua với tỷ lệ thống nhất cao 8 Nghị quyết để kịp thời quyết định các nội dung, cơ chế, chính sách quan trọng trong phát triển kinh tế xã hội của thành phố.
Điển hình như Nghị quyết về việc phân cấp quản lý, sử dụng tài sản công và thẩm quyền quyết định mua sắm hàng hóa, dịch vụ. Theo ông Nguyễn Ngọc Tuấn, đây là nội dung cần thiết và cấp bách nhằm sửa đổi, bổ sung các nội dung còn chưa phù hợp với thực tiễn, tuân thủ theo các quy định mới của Trung ương.
Do đó, Ủy ban Nhân dân thành phố và các cơ quan liên quan triển khai đảm bảo thực hiện theo đúng quy định pháp luật; tài sản công được đầu tư, trang bị và sử dụng đúng mục đích, tiêu chuẩn, định mức, chế độ, đảm bảo hiệu quả, tiết kiệm, chống lãng phí.
Chủ tịch Hội đồng Nhân dân thành phố Hà Nội Nguyễn Ngọc Tuấn nhấn mạnh, việc quản lý, sử dụng tài sản công phải được thực hiện công khai, minh bạch; mọi hành vi vi phạm chế độ quản lý, sử dụng tài sản công phải được xử lý kịp thời, nghiêm minh theo quy định của pháp luật.
Qua đó, đẩy nhanh tiến độ đầu tư công, đáp ứng yêu cầu trong công tác chỉ đạo, điều hành, phát triển kinh tế-xã hội của thành phố.
Ngoài ra, đối với các cơ chế chính sách liên quan đến lĩnh vực giáo dục đào tạo, tư pháp, xây dựng được Hội đồng Nhân dân thành phố thông qua tại kỳ họp này là cơ sở pháp lý để kịp thời tháo gỡ khó khăn, nâng cao chất lượng công tác quản lý, điều hành, phục vụ nhân dân.
Ngay sau kỳ họp, Chủ tịch Hội đồng Nhân dân thành phố Hà Nội Nguyễn Ngọc Tuấn đề nghị Ủy ban Nhân dân thành phố, các cấp, các ngành, các địa phương, đơn vị theo chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn được giao, tập trung tổ chức triển khai đảm bảo các nghị quyết đi vào cuộc sống và đạt hiệu quả thiết thực./.