Tính toán lại chiến lược tăng sức cạnh tranh cho hàng Việt Nam
Để cạnh tranh sòng phẳng, các doanh nghiệp hàng Việt Nam chất lượng cao ngoài việc duy trì chất lượng tốt, cần tính toán lại chiến lược, mô hình kinh doanh; đồng thời cần quan tâm hơn việc tiếp thị.
Bà Vũ Kim Hạnh, Chủ tịch Hội Doanh nghiệp hàng Việt Nam chất lượng cao, cho biết nhờ vào lợi thế xây dựng hàng loạt tổng kho ngoại quan ở sát biên giới Việt Nam, hàng Trung Quốc được vận chuyển đến tay người tiêu dùng khá nhanh và còn có thể miễn phí giao hàng với một số mặt hàng cần được giải phóng tồn kho nhanh.
Điều này tạo nên sức cạnh tranh cho nhiều doanh nghiệp Việt, nhất là các doanh nghiệp nhỏ và vừa vốn đang trong giai đoạn khó khăn và còn nhiều yếu về năng lực sản xuất, kho vận.
Để cạnh tranh sòng phẳng, các doanh nghiệp hàng Việt Nam chất lượng cao ngoài việc duy trì chất lượng tốt, cần tính toán lại chiến lược, mô hình kinh doanh. Đồng thời, doanh nghiệp cần quan tâm hơn việc tiếp thị, bán hàng bằng các công cụ và công nghệ mới khi người tiêu dùng sử dụng các nền tảng mạng xã hội ngày càng nhiều. Đặc biệt, doanh nghiệp cần thay đổi cách tiếp cận trong việc bán hàng sẽ là cơ hội để hàng Việt có thể xuất khẩu sang những thị trường lớn, thị trường tỷ dân như Trung Quốc, bà Vũ Kim Hạnh nhấn mạnh.
Đồng quan điểm này, ông Nguyễn Lâm Viên, Tổng Giám đốc Vinamit, cho rằng các doanh nghiệp không nên hoang mang mà cần tìm giải pháp ứng phó để đứng vững và không mất lợi thế cạnh tranh.
Trước hết các doanh nghiệp Việt phải nghĩ tới các kho ngoại quan tại các tỉnh, thành lân cận và cả chính kho ngoại quan của Trung Quốc để có thể tận dụng, xâm nhập vào thị trường của họ.
Còn theo ông Đặng Phúc Nguyên, Tổng Thư ký Hiệp hội rau quả Việt Nam, để cạnh tranh sòng phẳng với hàng hóa của Trung Quốc, quan trọng nhất là nông dân và các doanh nghiệp Việt phải cải tiến chất lượng giống, nâng cao năng suất để đáp ứng được nhu cầu của thị trường. Cùng với đó là nâng cao chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm để nhận được sự tin tưởng của người tiêu dùng trong nước.
Về phía Nhà nước, có chính sách hỗ trợ thiết thực cho nông dân và doanh nghiệp trong nước xuất khẩu, nhất là thông qua sàn thương mại điện tử; đẩy mạnh phát triển hạ tầng logistics và nâng cao sức cạnh tranh của hệ thống giao vận trong nước.
Theo Báo cáo toàn cảnh thị trường sàn bán lẻ trực tuyến của Metric, đi cùng với sự phục hồi mạnh mẽ của nền kinh tế trong nước, bức tranh về thị trường sàn thương mại điện tử trong quý 1 năm nay cũng hiện lên nhiều gam màu tươi sáng. Tổng doanh số trên 5 sàn thương mại điện tử lớn nhất tại Việt Nam hiện nay (Shopee, Lazada, Tiki, Sendo, Tiktok Shop) đã đạt mức 71.200 tỷ đồng, tăng trưởng tới 78,69% so với cùng kỳ năm ngoái.
Trong 5 sàn thương mại điện tử lớn nhất Việt Nam thì có 4 sàn do Trung Quốc quản lý trực tiếp hoặc có ảnh hưởng chi phối gồm Shopee, Lazada, Tiki, Tiktok shop. Sendo - sàn thương mại điện tử duy nhất còn thuộc sở hữu và quản lý của người Việt thì chiếm doanh số rất nhỏ (3,8% thị phần).
Chị Đào Kim Hoa, một khách hàng quen thuộc của sàn thương mại điện tử Shopee, ở phố Võ Thị Sáu, quận Hai Bà Trưng (Hà Nội), cho biết chị rất hay đặt mua hàng trên sàn thương mại điện tử Shopee do giá rẻ, cước vận chuyển thấp, hàng lại được giao đến nhanh chóng nên thường xuyên đặt hàng quốc tế giao về Việt Nam.
"Các mặt hàng trên sàn thương mại điện tử Shopee rất đa dạng từ quần áo, phụ kiện điện thoại đến đồ gia dụng. Bên cạnh đó, phí cước vận chuyển khi mua hàng của các shop tại Hà Nội hay các tỉnh thường phải từ 20.000-60.000 đồng, nhưng đặt hàng trên sàn chỉ mất khoảng 15.000-20.000 đồng," chị Đào Kim Hoa chia sẻ.
Cũng là tín đồ hay đặt hàng trên sàn thương mại điện tử Shopee, chị Phùng Ngọc Lê ở phố Kim Liên quận Đống Đa (Hà Nội), cho biết đặt mua một cái balo chất liệu tương tự nhau trên sàn thương mại điện tử Shopee so với thương hiệu Việt Nam cùng loại thời gian giao hàng tương tự nhau 4-5 ngày. Tuy nhiên, giá balô thương hiệu Việt 300.000 đồng trong khi giá hàng Trung Quốc 95.000 đồng, chưa kể họ vận chuyển nhanh, có thể miễn phí vận chuyển./.