Tháng Năm sau ngày giải phóng qua ống kính của đạo diễn Đặng Nhật Minh
Phim tài liệu "Tháng Năm - những gương mặt" không chỉ khắc họa hai sắc thái của Sài Gòn khi thành phố bước sang trang sử mới, mà còn ghi dấu 'giọng nói' điện ảnh đầy nhân văn của vị đạo diễn kỳ cựu.
Sau thời khắc lịch sử trưa ngày 30/4/1975, các đoàn làm phim ở miền Bắc nhận nhiệm vụ từ Trung ương, lập tức lên đường vào Sài Gòn, ghi lại thời điểm chuyển giao lịch sử này, cũng như hình ảnh thành phố mang tên Bác trong những ngày đầu tiên của trang sử mới. Đạo diễn Đặng Nhật Minh cùng hai người quay phim Hãng phim truyện Việt Nam cũng thuộc số đó.
Cùng những “Sài Gòn tháng 5 năm 1975” của đạo diễn Bùi Đình Hạc, “Thành phố lúc rạng đông” - đạo diễn Hải Ninh... bộ phim tài liệu “Tháng Năm - những gương mặt” của đạo diễn Đặng Nhật Minh cũng đã ra đời từ sự kiện ấy.
Phim ghi dấu vì không chỉ khắc họa một góc nhìn đầy nhân văn cho ngày 30/4 ấy, mà còn định hình ngôn ngữ điện ảnh đậm chất Đặng Nhật Minh, một "giọng nói" không thay đổi trong suốt sự nghiệp điện ảnh đến nay đã gần 60 năm của ông.
“Lúa chín trên cánh đồng giông bão”
Đúng như tên gọi, “Tháng Năm - những gương mặt” (1975) là những cảm xúc hân hoan, nụ cười rạng rỡ thể hiện trên gương mặt của nhiều người dân Sài Gòn và những tàn dư của một chế độ cũ. Cờ hoa, biểu ngữ được người dân dâng cao ngợp trời, mừng ngày non sông về chung một mối.
Để hướng đến ngày kỷ niệm thống nhất đất nước 30/4 và nhân dịp đạo diễn Đặng Nhật Minh mới nhận huân chương hiệp sỹ của Pháp, tọa đàm “Điện ảnh về chiến tranh: Khi lúa chín trên cánh đồng giông bão” do Câu lạc bộ Điện ảnh phối hợp bộ môn Nghệ thuật học, Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn tổ chức đã diễn ra ngày 27/4 vừa qua. Sự kiện cũng tổ chức hai buổi chiếu phim "Tháng Năm - những gương mặt" và "Bao giờ cho đến tháng Mười."
Trong sự kiện, Tiến sỹ Nguyễn Thị Năm Hoàng - Phó trưởng Khoa Văn học của trường nhận xét “Tháng Năm - những gương mặt” mặc dù là bộ phim mang tính tuyên huấn cao nhưng đậm tính nghệ thuật, lay động người xem bằng sự nhân văn.
Tiến sỹ so sánh bộ phim như lúa chín trên cánh đồng giông bão - một phép liên tưởng bắt nguồn những câu thơ đầy sức gợi trong “Bao giờ cho đến tháng Mười” (1984) của vị đạo diễn.
“Có những mùa lúa chín trên cánh đồng phì nhiêu màu mỡ, ở những nơi không có chiến tranh. Nhưng cũng có những cánh đồng giông bão, bom đạn, nhiều đau thương lịch sử nhưng lúa vẫn chín. Bộ phim này có lẽ cũng chính là bông lúa chín trên cánh đồng giông bão như vậy,” Tiến sỹ Năm Hoàng nói thêm.
Theo bà, bộ phim vừa đẹp và chân thực, vừa mang chủ nghĩa anh hùng nhưng cũng vừa khắc phục cái nhìn sử thi bởi những người lính không còn là những hình tượng được so sánh ngang với núi, với đồi. Trong phim cũng không còn là những con người chỉ biết đến chiến thắng, đến lý trí, chỉ có các anh đứng cùng quần chúng một cách đầy bình dị và gần gũi.
[Đạo diễn Đặng Nhật Minh và ký ức những ngày 30/4 không bao giờ quên]
“Đạo diễn không mang đến góc nhìn phe phái giữa hai bên chiến tuyến, giữa chiến thắng và thất bại, mà là những gương mặt người. Họ là những con người của đất nước này, giống như nạn nhân của một giai đoạn khốc liệt trong lịch sử hơn là chủ thể của chiến tranh,” Tiến sỹ Nguyễn Thị Năm Hoàng nói.
Quả thật vậy, có những em nhỏ không may đã mất, được đặt nằm cạnh nhau, giống như những chứng tích của chiến tranh, nhưng cũng có những em bé cất tiếng khóc chào đời trong khoảnh khắc pháo hoa được bắn lên trời để ăn mừng trong đêm 1/5. Hôm sau khi bình minh lên, những nhà máy điện bắt đầu với nhịp sống, một chương sử mới khi người Việt là những người làm chủ.
Giọng nói nghệ thuật không đổi
“Tháng Năm - những gương mặt” kết thúc bằng hình ảnh một người lính đặt một em bé ngồi lên chiếc máy bay đồ chơi trong công viên rồi ngước lên bầu trời, tạo liên tưởng về tương lai tươi sáng hơn. Hình ảnh gợi nhiều cho khán giả về Nhâm, người thanh niên trẻ - nhân vật chính trong “Thương nhớ đồng quê” (1995, chuyển thể từ truyện ngắn cùng tên của cố nhà văn Nguyễn Huy Thiệp).
Trong phim, cậu cũng có một cảnh nhìn lên bầu trời, khi ấy có những chiếc máy bay vụt qua và ở cuối phim, cậu cũng đi lính.
“Đây chắc hẳn là chi tiết mà đạo diễn tâm huyết lắm,” Phó giáo sư, Tiến sỹ Phạm Xuân Thạch - Trưởng khoa Văn học, Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn nhận xét khi nhận ra điểm tương đồng trên. “Trong âm hưởng chung của thời đại, xem phim của đạo diễn Đặng Nhật Minh vẫn là một giọng nói riêng, ý tưởng riêng về một cái nhìn rất nhân văn của đất nước, của dân tộc.”
“Đến giờ khi xem lại, tôi nhận ra 'giọng điệu' mình sau bao năm vẫn vậy,” đạo diễn Đặng Nhật Minh ngạc nhiên thốt lên khi có dịp xem “Tháng Năm - những gương mặt” sau nhiều năm, cùng các sinh viên của Câu lạc bộ Điện ảnh (Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn) hôm 27/4.
Sau hàng chục năm, ngôn ngữ và quan điểm làm phim của ông vẫn giữ tinh thần nhân văn một cách nhất quán như vậy với ngày đầu.
Qua những gương mặt tháng Năm ấy, Tiến sỹ Hoàng Cẩm Giang - Trưởng bộ môn Nghệ thuật học, Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn cũng nhận xét bộ phim có một thế giới điện ảnh rất riêng, làm mềm hóa những ý niệm về xung khắc quyền lực hay ý thức hệ.
“Lâu nay chúng ta nhìn về con người trong chiến tranh là những hội, đoàn quân không có khuôn mặt cá nhân. Nhưng khi là người ngoài nhìn vào thành phố này, chúng ta thấy khuôn mặt riêng, những khoảnh khắc rất riêng trong khoảnh khắc máy quay hướng vào họ mà có lẽ ta không bao giờ có thể gặp lại,” Tiến sỹ Hoàng Cẩm Giang nhận xét.