Tăng trưởng tín dụng sáu tháng cuối năm: Nhiều tín hiệu tích cực
Các chuyên gia dự báo tăng trưởng tín dụng sẽ khả quan hơn trong 6 tháng cuối năm. Nhưng để đạt được mục tiêu tăng trưởng tín dụng cả năm 15% sẽ còn một số khó khăn.
Hoạt động sản xuất, kinh doanh của nhiều lĩnh vực khởi sắc, thị trường bất động sản ấm lên là những lực đẩy chủ đạo giúp tăng trưởng tín dụng ghi nhận bước tiến đột phá, góp phần tạo nên tăng trưởng GDP trong nửa đầu năm 2024.
Dòng tiền đã được lưu thông
Số liệu từ Ngân hàng Nhà nước cho biết tăng trưởng tín dụng đến nay đạt hơn 6% so với cuối năm 2023. Chỉ riêng trong tháng Sáu, tổng nguồn vốn tín dụng vào nền kinh tế ước tính ở mức trên 480.000 tỷ đồng, cao hơn con số của cả 5 tháng đầu năm.
Cần phải lưu ý, trong 2 tháng đầu năm 2024, tín dụng tăng trưởng âm. Đến 31/1, dư nợ toàn nền kinh tế gần 13.479 triệu tỷ đồng, giảm 0,6% so với đầu năm. Đến 29/02, dư nợ toàn nền kinh tế là 13.472 triệu tỷ đồng, giảm 0,72%. Phải đến 31/3, tín dụng mới tăng trưởng trở lại với mức tăng 1,34%. Như vậy, có thể thấy tín dụng đã tăng trưởng mạnh trong tháng Sáu.
Theo đại diện Ngân hàng Nhà nước, đây là hiện tượng bình thường, tín dụng có xu hướng tăng cao vào nửa cuối năm và sụt giảm trong những tháng đầu năm. Nếu tốc độ tăng trưởng tín dụng này được duy trì, khả năng tín dụng cả năm đạt 15% không phải là mục tiêu bất khả thi.
Lãnh đạo nhiều ngân hàng giải thích sở dĩ tín dụng có sự tăng trưởng bất ngờ trong tháng Sáu và dự kiến tăng mạnh trong nửa cuối năm là bởi nửa đầu năm, doanh nghiệp tập trung đàm phán, hợp đồng chủ yếu ký kết từ giữa năm, phần lớn các hợp đồng tín dụng lớn cũng được giải ngân trong nửa cuối năm.
Theo các chuyên gia, nhu cầu vay vốn trong nửa cuối năm sẽ tăng tốc nhờ kinh tế vĩ mô hồi phục. Lĩnh vực sản xuất có những tín hiệu phục hồi khi chỉ số sản xuất công nghiệp 6 tháng qua ước tăng 7,54% so với cùng kỳ năm 2023, riêng ngành chế biến - chế tạo tăng 8,67%.
Về xuất nhập khẩu, trong nửa đầu năm, trị giá xuất khẩu đạt 190,73 tỷ USD, tăng 14,9% (tương ứng tăng 24,74 tỷ USD), trị giá nhập khẩu đạt 178,88 tỷ USD, tăng 17,3% (tương ứng tăng 26,34 tỷ USD).
“Những số liệu trên cho thấy dấu hiệu phục hồi của các ngành sản xuất, đồng thời mở ra tín hiệu tích cực đối với khả năng hấp thụ vốn của doanh nghiệp,” chuyên gia Nguyễn Trí Hiếu nhận xét.
Nhận định về việc tín dụng được đẩy mạnh ra trong cuối quý 2, Phó Giáo sư, Tiến sỹ Nguyễn Hữu Huân - Giảng viên Đại học Kinh tế Thành phố Hồ Chí Minh cũng đánh giá vì sự phục hồi của kinh tế cũng như các chỉ số như chỉ số nhà quản trị mua hàng, chỉ số nợ khu công nghiệp phục hồi mạnh mẽ trong thời gian qua, cho thấy đã phát sinh nhu cầu vay vốn để sản xuất kinh doanh. Nhập khẩu tăng cũng cho thấy khu vực sản xuất công nghiệp đang có dấu hiệu hồi phục tốt. Nhờ vậy, dòng vốn được thu hút tốt trong thời gian qua. Thêm vào đó, nguồn vốn chảy vào bất động sản cũng tăng. Tất cả những điều trên khiến nhu cầu tín dụng gia tăng.
Một điều đáng lưu ý, tín dụng tăng đột biến sau khi Ngân hàng Nhà nước tuyên bố sẽ "mạnh tay" với những ngân hàng tăng trưởng thấp. Cụ thể, Ngân hàng Nhà nước cho biết sẽ rà soát lại khả năng tăng trưởng tín dụng của từng ngân hàng và điều hòa trong toàn hệ thống.
Từ đó chuyển room tín dụng từ ngân hàng không có nhu cầu sang các ngân hàng có khả năng tăng trưởng để chủ động tạo điều kiện cho những ngân hàng có khả năng phát triển tín dụng trong thời gian tới.
Ngoài ra, Ngân hàng Nhà nước cũng "dọa" rằng nếu ngân hàng nào cố tình "ôm" room tín dụng nhưng không thể tăng trưởng, sẽ bị xem xét khi cấp room tín dụng năm 2025.
Tín dụng sẽ đạt mục tiêu tăng trưởng 15%?
Báo cáo của FiinRatings cho rằng tăng trưởng tín dụng cho lĩnh vực kinh doanh bất động sản, bao gồm đầu tư trái phiếu doanh nghiệp bất động sản của các ngân hàng thương mại, có triển vọng hồi phục khi các vướng mắc về pháp lý dần được tháo gỡ. Các bộ luật mới cũng được kỳ vọng tạo điều kiện thuận lợi hơn.
Còn Tiến sỹ Cấn văn Lực cũng đánh giá dù lãi suất tiền gửi tăng 0,5%-1% từ đầu năm đến nay nhưng lãi suất cho vay cơ bản vẫn ổn định. Trong khi đó nhờ đà phục hồi của hoạt động đầu tư, tiêu dùng, thị trường bất động sản nên tín dụng dự báo cả năm tăng 13%-14%, phù hợp với diễn biến vĩ mô, nhu cầu và khả năng hấp thụ vốn của nền kinh tế.
Ông Trịnh Bằng Vũ - Trưởng khối khách hàng cá nhân Ngân hàng Shinhan Việt Nam nhận định trong 6 tháng cuối năm nhu cầu vay vốn được kỳ vọng tăng, đặc biệt từ giữa quý 3 đến hết quý 4, chủ yếu bởi tình hình kinh tế vĩ mô và năng lực vay vốn của người dân sẽ tích cực hơn.
Tuy vậy, ông Bằng cũng lưu ý một số yếu tố vĩ mô quan trọng có ảnh hưởng đến ngành ngân hàng như các chỉ số lạm phát, tỷ giá, tăng trưởng GDP… của nền kinh tế vẫn còn nhiều biến động khó lường làm cho việc duy trì mức lãi suất thấp như hiện nay hoặc tiếp tục giảm trong thời gian tới sẽ rất khó khăn.
Tại báo cáo ngành ngân hàng mới công bố, Chứng khoán Vietcombank (VCBS) kỳ vọng nhu cầu tín dụng sẽ tăng tốc trong nửa cuối năm 2024 khi mặt bằng lãi suất duy trì ở mức thấp giúp thúc đẩy nhu cầu cho vay và nền kinh tế phục hồi. Theo đó, tốc độ tăng trưởng tín dụng cả năm dự báo ở mức 12%-13%.
VCBS cho rằng những động lực cho tăng trưởng tín dụng là hoạt động sản xuất, xuất khẩu tích cực, thúc đẩy giải ngân đầu tư công, đặc biệt là các dự án trọng điểm và có tính lan tỏa cao như dự án đầu tư cơ sở hạ tầng và thị trường bất động sản hồi phục rõ nét hơn từ nửa cuối 2024. Từ đó kéo theo tăng trưởng tín dụng các phân khúc cho vay doanh nghiệp bất động sản, xây dựng, cho vay mua nhà.
Các chuyên gia cũng dự báo, tăng trưởng tín dụng sẽ khả quan hơn trong 6 tháng cuối năm, chắc chắn sẽ cao hơn nửa đầu năm. Nhưng để đạt được mục tiêu tăng trưởng tín dụng cả năm 15% sẽ còn nhiều khó khăn.
Đây cũng là những lo ngại tại cuộc điều tra vừa được công bố của Vụ Dự báo Thống Kê Ngân hàng Nhà nước, đó là các yếu tố có thể ảnh hưởng tiêu cực đến nhu cầu tín dụng trong thời gian tới được các tổ chức tín dụng chỉ ra như diễn biến bất lợi trên thị trường bất động sản, khả năng sử dụng nguồn tài chính thay thế của khách hàng và sự sụt giảm niềm tin của người tiêu dùng.
Nhằm để tín dụng tăng trưởng hài hòa, ông Phạm Chí Quang, Vụ trưởng Vụ Chính sách tiền tệ, Ngân hàng Nhà nước yêu cầu các ngân hàng thương mại rà soát và báo cáo lại khả năng tăng trưởng tín dụng 6 tháng cuối năm để cơ quan này phân bổ phù hợp, nếu ngân hàng nào cố tình “ôm” room tín dụng nhưng không thể tăng trưởng thì sẽ bị xem xét khi cấp room tín dụng năm tới.
Mặc khác, Ngân hàng Nhà nước cũng nhắc nhở các ngân hàng về tín dụng tăng vọt bất ngờ và yêu cầu các ngân hàng không tăng trưởng tín dụng bằng mọi giá, mà phải chú trọng chất lượng./.