Thủ tướng: Lấy giải ngân vốn đầu tư công là một tiêu chí đánh giá người đứng đầu
Thủ tướng đề nghị hội nghị nêu các bài học kinh nghiệm, đề ra các nhiệm vụ, giải pháp mang tính đột phá để thúc đẩy giải ngân đầu tư công để đạt mục tiêu giải ngân đầu tư công năm 2024 đạt 95%.
Sáng 16/7, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chủ trì Hội nghị thúc đẩy đầu tư công năm 2024. Hội nghị được tổ chức theo hình thức trực tiếp kết hợp trực tuyến, kết nối từ trụ sở Chính phủ tới 63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.
Tham dự phiên họp có các Phó Thủ tướng: Lê Minh Khái, Trần Hồng Hà, Trần Lưu Quang, Lê Thành Long; các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ; lãnh đạo bộ, ngành, cơ quan Trung ương; Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.
Mở đầu hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cho biết, năm 2024 là một năm có ý nghĩa cực kỳ quan trọng, là năm tăng tốc, bứt phá để thực hiện thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ của Đại hội XIII của Đảng và Kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội năm 2021-2025.
Đảng, Quốc hội, Chính phủ xác định ưu tiên cho tăng trưởng. Do vậy, cần phải ưu tiên cho các động lực tăng trưởng, trong đó có động lực là đầu tư, nhất là đầu tư công để dẫn dắt, kích hoạt mọi nguồn lực của xã hội.
Cùng với đó, thúc đẩy phát triển hạ tầng, với mục tiêu đến năm 2025 hoàn thành 3.000km đường cao tốc, qua đó tăng liên kết, lưu thông, giảm chi phí logistic, nâng cao năng lực cạnh tranh địa phương, vùng và quốc gia, tạo ra không gian phát triển mới, kích hoạt các lĩnh vực khác cùng phát triển.
Chính phủ đã thành lập 5 Tổ công tác và 26 Đoàn công tác xuống địa phương để tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội, trong đó có thúc đẩy đầu tư công và 3 chương trình mục tiêu quốc gia.
Nhiều năm qua, giải ngân đầu tư công luôn được quan tâm, thúc đẩy, song chưa cải thiện được nhiều. Trong 6 tháng đầu năm, mặc dù giải ngân đầu tư công có nhiều nỗ lực, song vẫn chưa đạt tiến độ so với yêu cầu.
Bên cạnh một số bộ, cơ quan, địa phương, dự án giải ngân vốn đầu tư công tốt như dự án đường dây tải điện 500kV mạch 3; đến nay vẫn còn tới 61/107 bộ, cơ quan trung ương và địa phương có mức giải ngân đầu tư công dưới mức trung bình cả nước, trong đó có 33/44 bộ, cơ quan trung ương và 28/63 địa phương.
Đặt câu hỏi, tại sao giải ngân vốn đầu tư công được xác định là nhiệm vụ chính trị trọng tâm, có vai trò đặc biệt quan trọng về cả kinh tế, chính trị, xã hội, quốc phòng, an ninh, song việc thực hiện vẫn chưa như mong muốn, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu đại biểu dự hội nghị phân tích rõ nguyên nhân khách quan, chủ quan dẫn tới việc giải ngân đầu tư công còn chậm, nhất là vướng mắc, khó khăn trong thể chế, quy định pháp luật, công tác lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành, tổ chức thực hiện.
Thủ tướng đề nghị hội nghị nêu các bài học kinh nghiệm, đề ra các nhiệm vụ, giải pháp mang tính đột phá để thúc đẩy giải ngân đầu tư công để đạt mục tiêu giải ngân đầu tư công năm 2024 đạt 95%. Trong số đó, có tính đến việc phải thu hồi, điều chuyển vốn, lấy giải ngân vốn đầu tư công là một tiêu chí đánh giá cán bộ, nhất là người đứng đầu.
Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, ngay từ đầu năm, tại Nghị quyết số 01/NQ-CP ngày 05/01/2024 của Chính phủ, việc triển khai thực hiện kế hoạch đầu tư công năm 2024 đã được Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ xác định là một trong các nhiệm vụ chính trị trọng tâm cần quan tâm, điều hành, chỉ đạo sát sao.
Tại các Phiên họp Chính phủ thường kỳ, nội dung về đầu tư công thường xuyên được Chính phủ thảo luận, phân tích và có các chỉ đạo, giải pháp cụ thể; Thủ tướng Chính phủ đã ban hành 02 Chỉ thị, 04 Công điện và rất nhiều văn bản chỉ đạo để đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công.
Tổng hợp đến ngày 10/7/2024, các bộ, cơ quan trung ương, địa phương đã giao vốn đầu tư công chi tiết cho các nhiệm vụ, dự án là 639,4 nghìn tỷ đồng, đạt 95,5% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao. Ước thanh toán vốn đầu tư công từ đầu năm đến ngày 30/6/2024 là 196,7 nghìn tỷ đồng, đạt 29,39% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao (cùng kỳ năm 2023 đạt 30,49%).
Trong số đó, có 11/44 bộ, cơ quan trung ương và 35/63 địa phương có tỷ lệ giải ngân trên mức trung bình của cả nước, trong đó một số bộ, cơ quan trung ương có tỷ lệ giải ngân cao là: Bộ Giao thông vận tải; Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; Bộ Xây dựng; Đài Truyền hình Việt Nam; Hội văn học nghệ thuật Việt Nam; Hội liên hiệp Phụ nữ Việt Nam; Các địa phương: Nam Định; Thanh Hóa; Lào Cai; Phú Thọ; Bà Rịa- Vũng Tàu; Tiền Giang.
Số lượng bộ, cơ quan trung ương, địa phương giải ngân dưới trung bình cả nước còn cao, với 33 bộ, cơ quan trung ương và 28 địa phương.
Một số địa phương được giao kế hoạch năm 2024 cao hơn năm 2023 nhưng có giá trị giải ngân thấp hơn đáng kể so với cùng kỳ năm 2023 như Thành phố Hồ Chí Minh, Quảng Ngãi, Hải Phòng, Bắc Giang, Đồng Nai./.