Tăng pháp lý về tranh chấp thương mại để thích ứng với hội nhập

Dự thảo Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng (sửa đổi), Luật Giao dịch điện tử (sửa đổi) bổ sung quy định pháp lý về một số dịch vụ đảm bảo tin cậy cho giao dịch thương mại, giao dịch điện tử...

Quế Văn Yên là một trong những mặt hàng của Việt Nam được EU bảo hộ khi thực thi Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam- EU (EVFTA). (Ảnh: Tiến Khánh/TTXVN)

Trước bối cảnh thương mại tự do, nhất là hậu dịch COVID-19, không chỉ thói quen người tiêu dùng thay đổi mà sự chuyển đổi của một số nền kinh tế lớn trên thị trường toàn cầu đã đặt ra những yêu cầu cấp thiết, đòi hỏi mỗi quốc gia phải không ngừng thích ứng với thị trường hội nhập.

Trong hoạt động thương mại, cả giao dịch trực tiếp (offline) lẫn trực tuyến (online) cần có hành lang pháp lý chặt chẽ và phù hợp với xu hướng phát triển thị trường, nên xây dựng và hoàn thiện Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng (sửa đổi); Luật Giao dịch điện tử (sửa đổi) và đồng bộ với những luật đang hiện hành có vai trò quan trọng đối với nền kinh tế hội nhập thị trường thương mại tự do như Việt Nam.

Bài cuối: Tăng pháp lý về tranh chấp thương mại

Theo thống kê, đến nay, các hiệp định thương mại tự do mà Việt Nam tham gia đã và đang có hiệu lực nên vấn đề tranh chấp thương mại không chỉ diễn ra ở thị trường nội địa mà cả toàn cầu. Vì vậy, xây dựng và hoàn thiện Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng (sửa đổi), Luật Giao dịch điện tử (sửa đổi) phải tăng cường pháp lý về tranh chấp thương mại để tạo môi trường giao thương thông thoáng, tiện lợi nhưng đảm bảo quyền lợi của các bên tham gia và lợi ích quốc gia.

Rào chắn "cạm bẫy" thương mại

Nền kinh tế số của Việt Nam đang phát triển mạnh mẽ với tốc độ tăng trưởng cao trong khu vực, dự báo quy mô có thể lên đến 200 tỷ USD vào năm 2023. Cùng với sự phát triển này, giao dịch thương mại điện tử ngày càng trở nên phổ biến với chỉ vài thao tác trên điện thoại thông minh đã có thể hoàn thành hợp đồng đặt hàng, thanh toán, đầu tư, thương mại...

Thống kê năm 2022, Việt Nam đạt trung bình 1.500 tỷ đồng hàng hóa, dịch vụ được thực hiện trên môi trường thương mại điện tử mỗi ngày. Bên cạnh đó, cộng đồng doanh nghiệp luôn nỗ lực không ngừng trong ứng dụng công nghệ mang lại trải nghiệm tốt nhất cho khách hàng.

Ngoài những điểm sáng của hoạt động thương mại thì vẫn tồn tại một số vấn đề thực tế khá phổ biến hiện nay đã làm thiệt hại quyền lợi người tiêu dùng trên cả thị trường trực tiếp (offline) lẫn trực tuyến (online) như khuyến mãi, giảm giá, ưu đãi, xúc tiến thương mại... rất cần có quy định chặt chẽ nhằm rào chắn "cạm bẫy" thương mại.

Điển hình, hình thức lừa đảo qua điện thoại bán hàng với giá cao vẫn có rất nhiều người tiêu dùng vì tham lợi đã bị rơi vào bẫy bỏ tiền mua hàng nhưng trong trường hợp này nếu bắt được người lừa đảo cũng không thể kết tội vì đây là sự thuận mua vừa bán, hàng giao tận nhà, trả tiền mặt...

Hay bán hàng dưới hình thức đa cấp, ngoài chia hoa hồng cao để người tham gia bán hàng mua hàng, còn khuyến mãi lớn cho việc giới thiệu người tham gia. Hiện nay, nhiều tổ chức kinh doanh dạng này vẫn hoạt động nhưng cơ quan nhà nước chưa có biện pháp giải quyết đủ tính răn đe, trong khi số người trở thành nạn nhân vẫn còn tiếp tục tăng...

[Làm thế nào để bảo vệ người tiêu dùng trên không gian mạng?]

Ông Phạm Tấn Công - Chủ tịch Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), cho biết từ góc độ cộng đồng doanh nghiệp, xây dựng và hoàn thiện dự thảo Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng (sửa đổi); dự thảo Luật Giao dịch điện tử (sửa đổi)... phải đảm bảo hỗ trợ và tạo điều kiện thuận lợi tối đa cho việc áp dụng rộng rãi trong mọi giao dịch của đời sống, từ giao dịch dân sự, kinh tế... cho đến giao dịch hành chính với cơ quan nhà nước. Các luật này khi ban hành và thực thi cần phù hợp và đáp ứng nhu cầu đa dạng của xã hội, nhất là tiếp cận công nghệ số của doanh nghiệp và người dân.

Kết quả khảo sát của Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho thấy doanh nghiệp Việt trước bối cảnh cạnh tranh trong và ngoài nước ngày càng gây gắt đã ngày càng chú trọng nhiều hơn đến chất lượng hàng hóa, dịch vụ... Thậm chí, có không ít doanh nghiệp đặt ra những tiêu chuẩn vượt lên trên yêu cầu của quy định pháp luật để hội nhập thị trường thương mại tự do hiệu quả hơn.

Với mục tiêu thúc đẩy văn hóa kinh doanh của doanh nghiệp, xây dựng văn hóa kinh doanh quốc gia, VCCI đã công bố Bộ 6 quy định đạo đức doanh nhân. Những quy tắc kinh doanh liêm chính, minh bạch, công bằng, tuân thủ pháp luật... chính là hướng đến bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, đồng thời là cơ sở nền tảng định hướng cộng đồng doanh nghiệp hướng đến phát triển bền vững và tuân thủ pháp luật.

Các sản phẩm hàng Việt Nam chất lượng cao được giới thiệu tới khách hàng. (Ảnh: Mỹ Phương/TTXVN.)

Bà Vũ Kim Hạnh - Chủ tịch Hội Doanh nghiệp hàng Việt Nam chất lượng cao, cũng cho hay ngoài chứng nhận hàng Việt Nam chất lượng cao đã được thực hiện đến năm thứ 27, trong những năm trở lại đây đã và đang triển khai Bộ tiêu chí hàng Việt Nam chất lượng cao-Chuẩn hội nhập. Qua đó, cộng đồng doanh nghiệp hàng Việt Nam chất lượng cao không chỉ dừng lại ở sản phẩm chất lượng, tiện lợi, đa năng... mà còn hướng đến tiêu chuẩn về môi trường, tăng trưởng xanh... để tăng năng lực thích ứng thị trường hộp nhập.

Hơn thế nữa, cộng đồng doanh nghiệp tham gia xây dựng và hoàn thiện dự thảo Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng (sửa đổi); dự thảo Luật Giao dịch điện tử (sửa đổi)... là một minh chứng rõ nét về sự quan tâm đến văn hóa doanh nghiệp và rào chắn "cặm bẫy" thương mại trên cả thị trường offline lẫn online.

Nghị quyết số 52-NQ/TW của Bộ Chính trị về một số chủ trương, chính sách chủ động tham gia cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư đã xác định phát triển kinh tế số là trụ cột... nên cũng đặt ra yêu cầu cần hoàn thiện thể chế, pháp luật tạo thuận lợ cho quá trình chuyển đổi số quốc gia.

Tạo nền tảng cho mọi giao dịch

Theo sát quá trình xây dựng, hoàn thiện các dự thảo Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng (sửa đổi), Luật Giao dịch điện tử (sửa đổi), ông Lê Quang Huy - Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường, đánh giá dự thảo các luật rất chú trọng những nội dung trọng tâm như xác định phạm vi điều chỉnh đối tượng áp dụng các luật này, cũng như bổ sung hệ thống quy định pháp luật trong đa dạng giao dịch đặc thù; trách nhiệm tổ chức, cá nhân liên quan đến người tiêu dùng; tranh chấp tại tòa giữa người tiêu dùng với các bên...

Các luật được sửa đổi bổ sung quy định pháp lý về một số dịch vụ đảm bảo tin cậy cho giao dịch thương mại, giao dịch điện tử... có độ phủ rộng và tính khả thi khi áp dụng đồng bộ với những luật khác. Đặc biệt, các luật cũng được điều chỉnh theo nguyên tắc "thực sao thì số vậy" nhằm không gây cản trở đố với bất cứ thành phần kinh tế-xã hội nào là mục tiêu vô cùng thách thức nhưng đây là yêu cầu tất yếu đáp ứng nhu cầu thích ứng thị trường hội nhập.

Cụ thể, Luật Giao dịch điện tử tạo ra các thành tố cơ bản, tạo cơ sở pháp lý cho việc chuyển đổi từ môi trường thực lên môi trường số, giúp các bộ, ngành, địa phương thực hiện việc chuyển đổi giao dịch trong thế giới thực đã được luật pháp quy định trong lĩnh vực của mình lên môi trường số. Đặc biệt, Bộ Thông tin và Truyền thông sẽ không làm thay công việc chuyển đổi này mà là sở, ngành và chính quyền địa phương sẽ phải thực hiện đựa trên hành lang pháp lý đã ban hành, thực thi có hiệu lực.

Sửa đổi Luật Giao dịch điện tử là điều kiện cần để tiếp theo bộ, ngành và chính quyền địa phương sẽ quy định chi tiết về thực hiện các giao dịch điện tử trong từng ngành, lĩnh vực cụ thể. Luật Giao dịch điện tử (sửa đổi) lần này đặt mục tiêu là phục vụ cho chuyển đổi sang môi trường số một cách toàn diện và toàn dân, ít nhất cũng là tạo ra cơ sở pháp lý cho sự chuyển đổi toàn dân, toàn diện.

Một vấn đề khác, hoàn thiện hàng lang pháp lý bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng trên giao dịch số cũng vô cùng quan trọng. Trong dự thảo Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng (sửa đổi) đã tăng thêm một số quy định phòng chống rủi ro giao dịch thương mại, giao địch điện tử như bổ sung chủ thể bồi thường thiệt hại do sản phẩm, hàng hóa có khuyết tật gây ra bao gồm tổ chức, cá nhân trung gian thương mại.

Nhân viên đóng gói, xuất đơn hàng trong một công ty thương mại điện tử tại thành phố Thủ Đức, Thành phố Hồ Chí Minh. (Ảnh: Hồng Đạt/TTXVN)

Cùng với đó là các quy định về trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức trong việc bảo vệ người tiêu dùng là người yếu thế; bảo vệ người tiêu dùng thông qua bên thứ ba; bảo vệ thông tin của người tiêu dùng; bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng trên môi trường trực tuyến... Những điều này thể hiện dự thảo Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng (sửa đổi) đã có sự cập nhật xu hướng thị trường và hệ thống pháp luật trên thị trường toàn cầu liên quan đến những vấn đề bảo vệ người tiêu dùng phù hợp với thông lệ quốc tế.

Theo điện diện một số sở ngành tại Thành phố Hồ Chí Minh và khu vực phía Nam, hoạt động giao dịch thương mại đều hướng đến mục đích là đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng và tạo đầu ra cho hoạt động sản xuất. Trong điều kiện lý tưởng, quyền, lợi ích của các bên liên quan hoạt động giao dịch thương mại như doanh nghiệp, nhà bán lẻ, người tiêu dùng... sẽ cùng được bảo vệ và cân bằng, nhưng khách quan thì người tiêu dùng vẫn được xác định là bên yếu thế.

Thực tiễn cho thấy muốn tồn tại và phát triển cần phải lấy nền tảng phục vụ tốt người tiêu dùng làm cốt lõi, đảm bảo quyền, lợi ích của các bên. Đây cũng là lý do pháp luật về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng cần sửa đổi và hoàn thiện không ngừng, nhất là trong bối cảnh phương thức kinh doanh phi truyền thống ngày càng đa dạng, mối quan hệ giữa các bên trong giao dịch thương mại ngày càng phát sinh nhiều khía cạnh mới./.

Bài 1: Bảo về quyền lợi người tiêu dùng

Bài 2: Giao dịch điện tử an toàn

Mỹ Phương (TTXVN/Vietnam+)