Tài liệu lưu trữ quốc gia: Sống lại thời khắc lịch sử Ngày Giải phóng Thủ đô
Các tài liệu lưu trữ là hiện vật gốc, tạo điều kiện cho công chúng được tiếp cận nguồn sử liệu quan trọng, sát thực, đáng tin cậy về sự kiện tiếp quản Thủ đô vào ngày 10/10/1954.
Đại tá Dương Niết (sinh năm 1934), run run lật giở những trang tư liệu lưu trữ liên quan đến công tác tiếp quản Thủ đô ngày 10/10/1954. Trong cuộc đời quân ngũ, ông tham gia cả hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ nhưng với ông, khoảnh khắc đáng nhớ nhất chính là ngày cùng các đồng đội trong Tiểu đoàn Bình Ca trở về tiếp quản Hà Nội tháng 10/1954.
Đó là lý do ông vô cùng xúc động khi Trung tâm Lưu trữ quốc gia III (Cục Văn thư và Lưu trữ nhà nước) công bố, giới thiệu các tài liệu lưu trữ quốc gia về công tác tiếp quản Thủ đô.
Khi tư liệu 'cất tiếng'
Ngày 24/9, hướng tới kỷ niệm 70 năm Ngày Giải phóng Thủ đô (10/10/1954-10/10/2024), Trung tâm Lưu trữ quốc gia III tổ chức giới thiệu hàng loạt hình ảnh, tài liệu lưu trữ gốc, tái hiện những thời khắc lịch sử hào hùng của dân tộc và Thủ đô từ khi Hiệp định Geneva năm 1954 được ký kết.
Số tài liệu được chọn lựa từ Phông Quốc hội, Phủ Thủ tướng, Bộ Giáo dục, Bộ Nội vụ, Bộ Ngoại giao, Bộ Tài chính, Bộ Y tế, Bộ Nông Lâm, Bộ Giao thông Công chính, Bộ Canh nông, cùng các phông cá nhân của nghệ sỹ nhiếp ảnh Nguyễn Bá Khoản, nhà sưu tầm ảnh Đặng Tích, Giáo sư Hoàng Minh Giám, nhạc sỹ Văn Cao, nhạc sỹ Nguyễn Đức Toàn, nhạc sỹ Huy Du… trong đó có nhiều tài liệu mới được giải mật, chú thích.
Về quá trình chuẩn bị tiếp quản, từ ngày 1/2/1951, Ủy ban kháng chiến hành chính Hà Nội đã xây dựng Đề án tiếp quản Thủ đô trình Bộ Nội vụ để xin ý kiến. Nội dung Đề án nhận định: Thành phố Hà Nội chiếm vị trí quan trọng bậc nhất trong cả nước về mọi mặt chính trị, quân sự, kinh tế, văn hoá và xã hội. Khi chuyển sang “Tổng phản công” và “Tổng động viên,” Hà Nội sẽ là địa bàn phòng ngự quyết liệt nhất của địch.
Từ đó, Uỷ ban kháng chiến hành chính Hà Nội đánh giá tình hình và nghiên cứu tỉ mỉ về chiến lược và sách lược, đề ra kế hoạch, nhiệm vụ tổng thể chung và của từng ngành nhằm biến Hà Nội thành chiến trường, với khẩu hiệu “Giải phóng Thủ đô.”
Ngay sau khi Hiệp định Geneva được ký kết, tháng 8-9/1954, Chính phủ đã có nhiều phiên họp về thực thi Hiệp định, trong đó có nội dung tiếp quản Thủ đô. Ngày 12/9/1954, Hội đồng Chính phủ đã quyết nghị về vấn đề tổ chức tiếp quản Thủ đô, 8 chính sách và 10 điều kỷ luật đối với bộ đội, cán bộ và nhân viên khi vào thành phố tiếp quản; thành lập Uỷ ban Hành chính Hà Nội bên cạnh Ủy ban Quân chính thành phố Hà Nội...
Ở nội dung này, có một số tài liệu sẽ được công bố trước công chúng như: Chương trình, kế hoạch và nhân sự cho việc tiếp quản Thủ đô Hà Nội như tài liệu về việc thành lập Ủy ban Hành chính Hà Nội; Công văn số 236-TTg ngày 27/7/1954 của Phủ Thủ tướng về việc kế hoạch hướng dẫn, chỉ đạo phục hồi các thị xã và thành phố cũ (trước đây đã tiêu thổ kháng chiến), Công văn số 1678 ZYO/3 ngày 20/8/1954 của Bộ Y tế về việc cử Thanh niên xung phong đi tiếp quản; Kế hoạch của Bộ Tài chính về tiếp quản Thành phố Hà Nội năm 1954.
Về tình hình tiếp quản Hà Nội, sáng 10/10/1954, các đơn vị Quân đội do Ủy ban Quân chính thành phố và Đại đoàn 308 do Thiếu tướng Vương Thừa Vũ - Chỉ huy trưởng của Mặt trận Hà Nội đã chia làm nhiều cánh lớn, mở cuộc hành quân tiến vào giải phóng Thủ đô.
Trung tâm Lưu trữ Quốc gia III hiện đang bảo quản Báo cáo về cuộc đón tiếp bộ đội, chính quyền ta vào ngày 10/10/1954, ảnh lính Pháp rút ở các tuyến đường ở Thủ đô, bộ đội về tiếp quản Cột cờ Hà Nội, phụ nữ Thủ đô rạng ngời đón quân giải phóng, hay Lễ Chào cờ thiêng liêng vào chiều ngày 10/10/1954, báo cáo tình hình tiếp quản sau một ngày, một tháng và báo cáo của các ngành, tình hình đổi tiền Đông Dương và tiền liên bang trong tháng 10/1954…
Báo cáo ngày 24/10/1954 về tình hình của Đoàn cán bộ tiếp quản Thủ đô nêu: Tổng số cán bộ và nhân viên tiếp quản vào Thủ đô chia làm 3 đợt từ 02/10 đến ngày 24/10 là 4.803 người; từ ngày 02/10 đến ngày 08/10 là thời gian đấu tranh với đối phương để bàn giao các cơ sở; từ ngày 09/10 đến ngày 24/10 trở đi, bộ mặt của Hà Nội đã khác, cán bộ và nhân dân đón mừng bộ đội kháng chiến vào giải phóng Thủ đô.
Nguồn sử liệu quan trọng
Theo Đại tá Dương Niết, những tài liệu lưu trữ được giới thiệu chứa đựng những thông tin tin cậy về quá trình quân dân ta giải phóng, tiếp quản Thủ đô, khẳng định sự chỉ đạo sâu sát, bám sát nhân dân, dựa vào nhân dân để hoạt động và tinh thần kiên cường, bất khuất của quân dân Hà Nội.
“Nhờ chủ trương, chính sách của Đảng mà công tác tiếp quản Thủ đô đã diễn ra trong hòa bình và phấn khởi, trở thành kỷ niệm mãi không phai đối với tất cả những ai được chứng kiến, tham gia,” ông nói.
Theo Phó Cục trưởng Cục Văn thư và Lưu trữ nhà nước Nguyễn Thị Nga, công tác sưu tầm, bảo quản và giới thiệu tư liệu là việc hết sức ý nghĩa, thể hiện trách nhiệm, vai trò của cơ quan lưu trữ trong nhiệm vụ công bố, phát huy giá trị tài liệu lưu trữ để tạo điều kiện cho đông đảo công chúng được tiếp cận nguồn sử liệu quan trọng, sát thực, đáng tin cậy về một sự kiện rất quan trọng của Thủ đô.
“Các tài liệu lưu trữ cho thấy tầm nhìn và sự chuẩn bị từ rất sớm của Đảng và Chính phủ cho ngày tiếp quản Thủ đô. Trung ương đã có những quyết sách đúng đắn, tỉ mỉ, chi tiết cho từng bộ ngành để công tác tiếp quản diễn ra thuận lợi, tạo sự ổn định về chính trị, xã hội và đời sống nhân dân,” bà Nga cho biết.
Cũng nhân dịp này, nhiều nhân chứng lịch sử như Đại tá Dương Niết; nhà báo-nhiếp ảnh gia Trịnh Hải (hội viên sáng lập Hội Nghệ sỹ Nhiếp ảnh Việt Nam) trao tặng thêm một số tư liệu, hình ảnh. Bà Nga khẳng định Trung tâm Lưu trữ Quốc gia III sẽ ghi chép thông tin tư liệu, để bổ sung vào kho lưu trữ của trung tâm, phục vụ công tác lưu trữ, trưng bày, từ đó phát huy giá trị của nguồn sử liệu này.
Các tài liệu, hình ảnh này sẽ được giới thiệu rộng rãi với công chúng tại triển lãm “Hà Nội - Ký ức những ngày tiếp quản,” dự kiến khai mạc ngày 2/10 tại Nhà Triển lãm 61 Tràng Tiền, Hà Nội do Trung tâm Lưu trữ quốc gia III phối hợp với Trung tâm Thông tin, Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội tổ chức./.