Để võng gai của đồng bào dân tộc Thổ ở Nghệ An vươn xa
Hiện nay nghề đan võng gai của người dân tộc Thổ tại Nghệ An vẫn được duy trì, bảo tồn như một giá trị văn hóa đặc sắc, trở thành sản phẩm đặc trưng của địa phương, mang lại thu nhập cho người dân.
Đan võng gai là nghề truyền thống của người dân tộc Thổ tại Nghệ An.
Đến nay, nghề vẫn được duy trì, bảo tồn như một giá trị văn hóa đặc sắc, trở thành sản phẩm đặc trưng của địa phương, mang lại thu nhập cho người dân.
Gìn giữ nghề truyền thống
Với mong muốn duy trì và phát triển nghề truyền thống của dân tộc một cách bài bản, từ năm 2021, Chi hội Phụ nữ xóm Long Thọ, xã Giai Xuân (huyện Tân Kỳ) đã thành lập Tổ hợp tác sản xuất võng gai truyền thống.
Đến nay, Tổ đã thu hút hơn 30 hội viên tham gia.Dẫn chúng tôi đến vườn nguyên liệu cây gai, bà Trương Thị Thống, Tổ trưởng Tổ hợp tác sản xuất võng gai truyền thống cho biết, võng gai Giai Xuân được dệt từ sợi những cây gai do chính người dân địa phương trồng, bảo đảm từ khâu chăm sóc đến thu hoạch, lấy sợi.
Để có chất lượng sợi gai tốt, người dân không thu hoạch khi cây non quá hoặc già quá vì sợi gai sẽ không dai, dễ đứt. Sau đó, sợi cây gai được phơi đủ nắng và bảo quản cẩn thận.
Khi thu hoạch đủ số lượng, Tổ hợp tác bắt đầu công đoạn tết quai võng, chọn loại then, đan võng… Tất cả đều được làm thủ công. Theo bà Thống, võng gai người Thổ có ba loại hoa văn.
Loại phổ biến nhất là đan tính theo sợi 3, sợi 4, sợi 5 có mắt võng thưa hơn để sử dụng hằng ngày và bán ra thị trường. Ngoài ra còn có loại đan bông thang sẽ cầu kỳ, phức tạp hơn, võng có độ rộng, dày và đẹp hơn.
Người dân chỉ đan loại võng này khi có đặt hàng riêng và giá thành cũng cao hơn so với võng gai thông thường.Kỹ thuật phức tạp nhất là chiếc võng cáng quan được đan các mắt dày hơn với những hoa văn cầu kỳ, phức tạp và đẹp hơn.
Loại này đòi hỏi nhiều thời gian, công sức và chỉ những người khéo léo, giỏi nghề mới có thể làm được.
Là người có tay nghề thuần thục nhất của Tổ hợp tác, bà Nguyễn Thị Giang (85 tuổi) cho biết đan võng là công việc đòi hỏi nhiều kỹ năng.
Các sợi gai không quá dài, khi đan võng, người dân phải khéo léo tiếp thêm sợi để vừa giấu đi nếp nối mới bảo đảm thẩm mỹ, vừa để từng sợi đều nhau. Như vậy võng mới bền. Khi đan, bà phải dùng lực rất mạnh của cả hai bàn tay để xoắn sợi gai cho săn chắc.
Công đoạn khó nhất trong việc đan võng là khi kết đai đầu võng. Việc này phải có từ 2-3 người cùng làm. Nếu làm không khéo, để đầu và đuôi võng bị lệch nhau là phải tháo ra làm lại. Mỗi chiếc võng gai hoàn chỉnh có chiều dài khoảng 2-2,5m, rộng 1,5-1,6m.
Võng dày mắt thì nằm sẽ êm và bền hơn. Hai đầu võng kết rất chắc chắn để khi mắc võng, người dùng có thể ngồi thoải mái mà không sợ bị đứt. Thông thường, người dân phải mất từ 15 ngày đến 1 tháng thì mới làm ra được một chiếc võng gai hoàn chỉnh. Nếu nhiều người cùng tham gia có thể đẩy nhanh tiến độ.
Võng gai bền tới cả chục năm. Người dân tộc Thổ khuyên người dùng không nên bỏ võng gai trong túi nylon buộc kín, võng sẽ bị bở và nhanh hỏng.
Một chiếc võng gai hiện nay có giá từ 1,5 - 2 triệu đồng. Những loại đặc biệt được làm theo đơn đặt hàng riêng giá thành có thể dao động từ 2,5-5 triệu đồng/chiếc.
Để sản phẩm vươn xa
Từ đôi bàn tay thuần thục của đồng bào, võng gai của Tổ hợp tác sản xuất võng gai Giai Xuân đã trở thành sản phẩm OCOP 3 sao của Nghệ An, được khách hàng ưa chuộng và có mặt ở nhiều tỉnh, thành phố.
So với các loại võng dù, võng gai không phong phú về mẫu mã, màu sắc nhưng vẫn được rất nhiều người ưa chuộng vì êm mát, thân thiện với môi trường, sử dụng được bền lâu, thậm chí đến hàng chục năm không bị hỏng.
Theo bà Trương Thị Thống, Tổ trưởng Tổ hợp tác sản xuất võng gai truyền thống, từ ngày có Tổ hợp tác và tham gia chương trình OCOP, đồng thời thông qua các kênh quảng bá sản phẩm trên các sàn thương mại điện tử, Facebook, Zalo…, nhiều người đã biết đến võng gai truyền thống của người dân dân tộc Thổ.
Thông qua kết nối của huyện Tân Kỳ, sản phẩm võng gai Giai Xuân đã có mặt trong Khu Di tích Kim Liên, điểm du lịch các khách sạn, resort, homestay trong cả nước và một số nước ở châu Âu.
Tuy nhiên, số lượng khách đặt hàng chưa nhiều và chưa ổn định, khó mở rộng sản xuất, thiếu nguồn nhân lực trẻ. Đây là trăn trở của Tổ hợp tác võng gai tại Giai Xuân.
Để phát triển bền vững, Tổ hợp tác đang đa dạng hóa sản phẩm. Bên cạnh sản phẩm võng gai, Tổ còn sáng tạo ra các sản phẩm thông dụng và trang trí khác như túi đựng, mền, mũ đội, thảm… đáp ứng nhu cầu, thị hiếu của khách hàng.
Đồng thời, Tổ còn tích cực truyền nghề, kinh nghiệm thực tế cho thế hệ trẻ”, bà Trương Thị Thống chia sẻ.
Ông Trần Khắc Hải, Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân xã Giai Xuân cho biết chính quyền địa phương xác định, việc phát triển nghề đan võng gai có ý nghĩa quan trọng. Việc này vừa giúp khôi phục nghề truyền thống, gìn giữ bản sắc văn hóa đặc trưng của đồng bào dân tộc Thổ vừa phát huy hiệu quả tiềm năng đất đai.
Hoạt động này giúp giải quyết việc làm cho lao động tại chỗ, nhất là phụ nữ, người già và tăng thu nhập cho người dân. Qua đó, góp phần giảm nghèo và phát triển kinh tế bền vững.
Về vùng nguyên liệu, trước đây, cây gai mọc hoang trong rừng nhiều, người dân chỉ việc vào rừng chặt khúc mang về. Tuy nhiên, cây gai tự nhiên ngày càng hiếm hoi.
Do đó, chính quyền xã đã vận động người dân dần chuyển sang trồng gai ở ruộng, trong vườn nhà để chủ động nguồn nguyên liệu. Xã đã dành cho người dân một khoảnh đất làm ruộng trồng gai, tạo nguồn nguyên liệu đan võng.
Phát triển sản phẩm OCOP, Nghệ An đã có chế độ hỗ trợ lên tới 50% giá trị máy móc cho các chủ thể OCOP. Tuy nhiên hiện nay, toàn bộ các công đoạn sản xuất võng đều làm bằng tay.
Do đó, Tổ hợp tác sản xuất võng gai tại Giai Xuân vẫn chưa thể nhận thêm các ưu đãi khác từ chính sách hỗ trợ về máy móc, thiết bị của tỉnh.
Xã Giai Xuân đã cử cán bộ đi học tập kinh nghiệm sử dụng máy tuốt vỏ gai, nghiên cứu lắp khung đỡ võng để sản phẩm tiện dụng hơn. Nếu năng suất đan võng của người dân tăng lên, chính quyền các cấp sẽ sẵn sàng hỗ trợ.
Để sản phẩm võng gai Giai Xuân vươn xa, huyện Tân Kỳ đã kết nối, giới thiệu quảng bá sản phẩm với các điểm đến du lịch trong nước và nước ngoài.
“Trước mắt, đã có doanh nghiệp tìm đến Tổ hợp tác và có đơn đặt hàng các sản phẩm từ chất liệu cây gai. Huyện Tân Kỳ đã tính đến phương án mở rộng diện tích trồng cây gai và đào tạo tay nghề cho chị em trong Tổ hợp tác để đáp ứng đơn hàng cho đối tác,” ông Hoàng Xuân Hạnh, Trưởng phòng Văn hóa-Thông tin huyện Tân Kỳ cho biết.
Với lợi thế về cảnh quan, văn hóa đặc sắc của đồng bào dân tộc Thổ nơi đây, huyện Tân Kỳ đang xây dựng xã Giai Xuân trở thành điểm du lịch làng nghề truyền thống gắn với phát triển du lịch cộng đồng.
Du khách sẽ được chiêm ngưỡng cây Sanh di sản hơn 1.000 năm tuổi, học đan võng gai, đắm mình trong những điệu múa, lời ca, tiếng cồng, tiếng chiêng giản dị, thiết tha của đồng bào dân tộc Thổ.
“Thời gian tới, huyện Tân Kỳ sẽ ban hành các nghị quyết tạo cơ chế, chính sách để hoàn thiện cơ sở vật chất tại các điểm du lịch của địa phương; duy trì và phát huy hiệu quả các câu lạc bộ văn hóa dân tộc Thái, Thổ, các ngành nghề truyền thống như dệt thổ cẩm, đan võng gai… Việc này nhằm bảo tồn, gìn giữ và phát huy bản sắc văn hóa của đồng bào dân tộc thiểu số gắn với phát triển du lịch mang nét đặc trưng riêng có của Tân Kỳ,” ông Nguyễn Văn Thực, Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân huyện Tân Kỳ khẳng định./.