Sức sống của nghệ thuật hát Then-đàn Tính trên quê hương cách mạng

Tại huyện Sơn Dương hiện có 4 Câu lạc bộ hát Then, đàn Tính với gần 90 thành viên, trong đó có cả các em nhỏ mới chỉ 9-10 tuổi nhưng chơi đàn thuần thục và hát hay khiến du khách rất yêu thích.

Câu lạc bộ hát Then, đàn Tính xã Tân Trào biểu diễn hát Then, đàn Tính bên hồ Nà Nưa, Sơn Dương, Tuyên Quang. (Ảnh: Hoàng Hải - TTXVN)

"Then là nguồn cội văn hóa, tài sản vô giá, linh hồn của người Tày. Là người trẻ sinh ra trong nếp nhà sàn của người Tày và lớn lên cùng những câu hát “Ới la” mình càng phải tìm hiểu, lưu giữ hồn cốt của dân tộc," đó là những tâm sự, trải lòng của các thành viên Câu lạc bộ hát Then, đàn Tính xã Tân Trào (huyện Sơn Dương, tỉnh Tuyên Quang) trong hành trình lưu giữ làn điệu Then.

Trở về từ buổi biểu diễn hát Then và giao lưu với đoàn du khách đến từ Hà Tĩnh tham quan Khu di tích Quốc gia đặc biệt Tân Trào, chị Triệu Thị Lam Hạnh, Chủ nhiệm Câu lạc bộ hát Then, đàn Tính xã Tân Trào đón chúng tôi tại cổng làng văn hóa thôn Tân Lập, xã Tân Trào.

Chị nói, với mong muốn lưu giữ, bảo tồn, phát huy và sáng tạo những làn điệu Then - làn điệu văn hóa truyền thống đặc sắc của người Tày ở Tân Trào, đầu năm 2022, chị vận động phụ nữ trong bản tập luyện và thành lập Câu lạc bộ hát Then, đàn Tính xã Tân Trào.

Ban đầu, Câu lạc bộ có 17 thành viên đều là những người trẻ tuổi, người nhiều tuổi nhất là 44, người ít tuổi nhất mới lên 9.

Em Bế Hoài Thương, thôn Tân Lập, xã Tân Trào, năm nay 11 tuổi, là thành viên nhỏ tuổi nhưng đã tham gia Câu lạc bộ hát Then, đàn Tính xã Tân Trào từ những ngày đầu tiên thành lập.

Bế Hoài Thương chia sẻ em lớn lên cùng những câu hát Then, tiếng đàn Tính của bà, của mẹ, vì vậy, những âm thanh dân tộc cứ ngấm dần vào tâm trí em từ khi còn rất nhỏ. Khi Câu lạc bộ hát Then, đàn Tính xã Tân Trào thành lập, được gia đình động viên, em mạnh dạn xin tham gia.

Em Bế Hoài Phương, thành viên nhỏ tuổi nhất Câu lạc bộ hát Then, đàn Tính xã Tân Trào hướng dẫn du khách đánh đàn Tính. (Ảnh: Hoàng Hải/TXVN)

Mới ngày nào, cô bé dân tộc Tày 9 tuổi còn bỡ ngỡ tập hát, đánh đàn Tính, đánh chùm xóc nhạc theo các cô, chị, giờ đây, Thương trở thành thành viên nòng cốt, tự tin biểu diễn, sẵn sàng hướng dẫn du khách trải nghiệm gảy đàn Tính hay sử dụng chùm xóc nhạc.

Còn tại cửa hàng bán đồ lưu niệm và đặc sản địa phương của chị Trương Thị Ngát, thành viên Câu lạc bộ, lúc nào cũng có sẵn một cây đàn Tính. Những lúc vắng khách, chị lại làm bạn với cây đàn Tính và những làn điệu hát Then.

Chị còn tự quay những video hát Then đăng tải lên Facebook cá nhân như một cách quảng bá, giới thiệu nét đẹp văn hóa dân tộc mình đến bạn bè muôn nơi.

Hiện, Câu lạc bộ hát Then, đàn Tính xã Tân Trào có 22 thành viên. Theo chị Triệu Thị Lam Hạnh, Chủ nhiệm Câu lạc bộ, trước đây, vào tối thứ Sáu, thứ Bảy hằng tuần, các thành viên tập trung tại Nhà văn hóa thôn Tân Lập, xã Tân Trào để luyện hát, đàn và tập múa. Sau này, khi thuần thục hơn, Câu lạc bộ duy trì tập luyện 2 lần/tháng.

Khoảng hơn một năm nay, ngoài phục vụ hoạt động văn hóa, văn nghệ của địa phương, Câu lạc bộ tham gia giao lưu, biểu diễn tại nhiều sự kiện văn hóa của tỉnh Tuyên Quang và biểu diễn hát Then phục vụ du khách khi đến tham quan Khu di tích Quốc gia đặc biệt Tân Trào. Qua đó, giúp bảo tồn, lưu giữ những làn điệu Then, góp phần tích cực quảng bá hình ảnh con người, mảnh đất quê hương cách mạng giàu bản sắc văn hóa.

Chị Trần Thị Hiền, phường Hà Huy Tập, khách du lịch đến từ thành phố Hà Tĩnh hồ hởi chia sẻ, trước đây, chị chỉ biết đến hát Then, đàn Tính qua tivi, sách, báo. Đây là lần đầu tiên chị trực tiếp xem biểu diễn hát Then. Chị đặc biệt ấn tượng với các em nhỏ, dù mới chỉ 9-10 tuổi nhưng chơi đàn rất thuần thục, hát rất hay.

Bên cạnh đó, chị Hiền được các thành viên Câu lạc bộ hát Then, đàn Tính xã Tân Trào dạy chơi đàn. Những trải nghiệm thú vị này giúp chị thêm yêu văn hóa dân tộc.

Ông Hoàng Đức Soài, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân xã Tân Trào cho biết xã có 12 dân tộc anh em cùng sinh sống; trong đó chủ yếu là đồng bào Tày, Nùng, Dao, Cao Lan, Sán Chay... Thời gian qua, để các dân tộc thiểu số giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc, xã phối hợp Phòng Văn hóa và Thông tin huyện Sơn Dương bố trí lớp dạy tiếng. Cùng với đó là khuyến khích sử dụng tiếng nói, trang phục truyền thống của các dân tộc trong dịp lễ, Tết và sự kiện địa phương tổ chức.

Một buổi sinh hoạt của các thành viên Câu lạc bộ hát Then, đàn Tính xã Tân Trào, Sơn Dương, Tuyên Quang. (Ảnh: Hoàng Hải/TTXVN)

Xã dành sự quan tâm đối với các câu lạc bộ, đội văn nghệ dân gian nhằm động viên, khích lệ người dân tham gia giữ gìn văn hóa dân tộc.

Tại huyện Sơn Dương hiện có 4 Câu lạc bộ hát Then, đàn Tính với gần 90 thành viên. Theo bà Hà Thị Hồng Liên, Trưởng phòng Văn hóa và Thông tin huyện Sơn Dương, thời gian tới, huyện tiếp tục phối hợp các phòng, ban chuyên môn đẩy mạnh tuyên truyền gìn giữ, bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa các dân tộc; trong đó có hát Then của đồng bào Tày, Nùng, Thái.

Bên cạnh đó, huyện thường xuyên tổ chức tập huấn, giao lưu, trao đổi chuyên môn và hoạt động trong lĩnh vực văn hóa nghệ thuật giữa các xã, thôn, bản và câu lạc bộ, đội văn nghệ dân gian. Đặc biệt, tiếp tục phát hiện và bồi dưỡng hạt nhân năng khiếu văn hóa, văn nghệ, góp phần bảo tồn và phát huy giá trị bản sắc văn hóa của dân tộc./.