Sửa đổi Luật Giá: Nâng cao hiệu quả quản lý trong lĩnh vực giá

Bộ trưởng Hồ Đức Phớc cho biết trong dự án Luật Giá (sửa đổi), các biện pháp bình ổn giá cơ bản được kế thừa như Luật Giá hiện hành, tuy nhiên có điều chỉnh theo nội dung chính sách.

Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc phát biểu. (Ảnh: Doãn Tấn/TTXVN)

Tiếp tục chương trình Phiên họp chuyên đề pháp luật tháng 9/2022, chiều 19/9, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về dự án Luật Giá (sửa đổi).

Đề xuất Bộ Giáo dục và Đào tạo định giá sách giáo khoa

Trình bày Tờ trình của Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc nhấn mạnh sự cần thiết sửa đổi Luật Giá nhằm hoàn thiện thể chế pháp luật về giá nhằm đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế-xã hội trong tình hình mới, đồng thời khắc phục những tồn tại, hạn chế sau 9 năm thi hành Luật, nhất là sự chồng chéo, mâu thuẫn giữa Luật Giá với các luật chuyên ngành; hạn chế sự phân tán, thiếu tính đồng bộ, thống nhất trong hệ thống pháp luật về giá. Dự thảo Luật gồm 8 chương, 72 điều.

Bộ trưởng Hồ Đức Phớc cho biết Chính phủ đề xuất đưa ra khỏi danh mục hàng hóa, dịch vụ do Nhà nước định giá 14 hàng hóa, dịch vụ không phù hợp. Đó là một số nội dung của thủ tục cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất; dịch vụ trong lĩnh vực chứng khoán (trừ dịch vụ do nhà nước cung cấp); thuốc lá điếu sản xuất trong nước; dịch vụ quy hoạch; thù lao công chứng; nhà ở xã hội do cá nhân, hộ gia đình đầu tư xây dựng; dịch vụ sử dụng quy hoạch biển…

Cùng với đó, Chính phủ đề nghị bổ sung 2 mặt hàng gồm: sách giáo khoa và hàng hóa, dịch vụ phục vụ nhiệm vụ quốc phòng, an ninh thực hiện đặt hàng, giao nhiệm vụ cho các đơn vị, doanh nghiệp quốc phòng, an ninh sản xuất vào danh mục hàng hóa, dịch vụ do Nhà nước định giá.

Theo Bộ trưởng Tài chính, sách giáo khoa là mặt hàng có thị trường cạnh tranh hạn chế, ảnh hưởng lớn đến đời sống người dân. Mặt hàng này được Bộ Giáo dục và Đào tạo đề nghị bổ sung vào danh mục hàng hóa, dịch vụ do Nhà nước định giá.

Tại Nghị quyết kỳ họp thứ 3 Quốc hội khóa XV đã thống nhất, yêu cầu bổ sung sách giáo khoa vào danh mục hàng hóa, dịch vụ do Nhà nước định giá khi sửa đổi Luật Giá. Việc định giá mặt hàng này sẽ giao cho Bộ Giáo dục và Đào tạo định giá cụ thể.

Quang cảnh phiên họp. (Ảnh: Doãn Tấn/TTXVN)

Các Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội nhất trí với đề xuất sửa đổi Luật nhằm hoàn thiện khuôn khổ pháp lý, góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước trong lĩnh vực giá.

Các đại biểu đề nghị tiếp tục tổng kết, đánh giá kỹ lưỡng Luật hiện hành để kế thừa, phát huy những quy định đã áp dụng hiệu quả trong thực tiễn, đồng thời chỉ rõ bất cập, hạn chế để hoàn thiện dự thảo Luật, đảm bảo việc quản lý giá vừa chặt chẽ, hiệu quả, vừa đảm bảo cơ sở pháp lý trong lĩnh vực giá để vận hành thông suốt nền kinh tế.

Đối với giá sách giáo khoa, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính, Ngân sách của Quốc hội Nguyễn Phú Cường, đại diện cơ quan thẩm tra chỉ rõ: Đây là mặt hàng thiết yếu. Giá sách giáo khoa có phạm vi ảnh hưởng rất rộng, tác động trực tiếp đến người dân, trong đó có người thu nhập thấp. Vì vậy, cần thiết phải kiểm soát, khống chế giá để bảo đảm không tác động tiêu cực đến người tiêu dùng. Tuy nhiên, hiện nay có nhiều đơn vị được phép phát hành sách, thị trường có tính cạnh tranh.

Do vậy, để bảo đảm quyền lợi hợp pháp của người dân, nhất là người nghèo, Thường trực Ủy ban Tài chính, Ngân sách đề nghị Nhà nước quy định giá bán tối đa; không ấn định giá, để các đơn vị phát hành sách quyết định giá bán cụ thể nhằm tạo tính cạnh tranh, góp phần hạ giá bán, bảo đảm và quyền lợi của người dân; đồng thời cần kiểm soát việc tổ chức thực hiện, bảo đảm không để thông đồng giá.

Đánh giá kỹ hiệu quả Quỹ bình ổn xăng dầu

Theo Tờ trình của Chính phủ, về chính sách bình ổn giá, dự thảo Luật chỉ quy định nguyên tắc xác định danh mục hàng hóa, dịch vụ bình ổn giá và giao Chính phủ quy định chi tiết để bảo đảm tính linh hoạt trong thực hiện.

Đồng thời, dự thảo Luật đã cụ thể hóa dấu hiệu để nhận diện các trường hợp áp dụng bình ổn giá; quy định cơ chế để xử lý tình huống hàng hóa, dịch vụ cần bình ổn, nhưng chưa có trong danh mục để áp dụng trong trường hợp công bố tình trạng khẩn cấp, công bố dịch, thiệt hại do thiên tai.

Bộ trưởng Hồ Đức Phớc cho biết các biện pháp bình ổn giá cơ bản được kế thừa như Luật Giá hiện hành, tuy nhiên có điều chỉnh theo nội dung chính sách, trong đó điều chỉnh đưa biện pháp kiểm tra yếu tố hình thành giá để quy định một điều riêng, trở thành một khâu trong quy trình bình ổn giá; đưa biện pháp lập Quỹ bình ổn giá trong nhóm biện pháp bình ổn giá có thời hạn để quy định một điều riêng.

Một mặt là để bảo đảm tính khả thi vì theo quy định hiện hành, khi có phát sinh trường hợp hàng hóa, dịch vụ thuộc danh mục cần bình ổn giá mới triển khai lập quỹ, không đáp ứng được tinh kịp thời; một mặt là tạo cơ sở pháp lý cho việc tiếp tục áp dụng công cụ Quỹ bình ổn giá xăng dầu đang được quy định tại Nghị định 83/2014/NĐ-CP, được sửa đổi, bổ sung tại Nghị định 95/2021/NĐ-CP.

[Tiếp tục chủ động điều hành giá đồng bộ, hiệu quả, linh hoạt]

Chính phủ giải thích Quỹ bình ổn giá xăng dầu có cơ chế đặc thù; việc trích lập, sử dụng được thực hiện gắn với các kỳ điều hành giá nhằm tạo bước đệm, hạn chế mức tăng, giảm giá đột biến, ảnh hưởng đến kinh tế, xã hội.

Về vấn đề cần thiết duy trì Quỹ bình ổn xăng dầu, ông Nguyễn Phú Cường cho biết Thường trực Ủy ban Tài chính, Ngân sách có 2 loại ý kiến. Đa số ý kiến tán thành với đề xuất của Chính phủ về việc cần thiết phải duy trì Quỹ bình ổn xăng dầu vì cho rằng: Quỹ bình ổn là một trong những công cụ điều tiết giá xăng dầu trong nước, là biện pháp kinh tế, không phải là can thiệp hành chính. Bên cạnh đó, trong bối cảnh hiện nay, khi thị trường xăng dầu của Việt Nam vẫn chưa hoàn toàn vận hành theo quy luật thị trường, còn có sự điều hành của Nhà nước, khi quản lý điều hành giá bán lẻ xăng dầu trong nước vẫn thông qua giá cơ sở thì việc bỏ Quỹ hiện tại là chưa phù hợp. Trong khi đó, một số ý kiến trong Thường trực Ủy ban đề nghị không tiếp tục duy trì Quỹ này.

Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh cho rằng, Chính phủ cần đánh giá lại hiệu quả việc sử dụng Quỹ bình ổn giá xăng dầu vừa qua. Nhiều doanh nghiệp phản ánh việc điều hành chưa linh hoạt, làm giá trong nước chưa bám sát thị trường.

Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội Lê Thị Nga cũng đề nghị tổng kết kỹ tác dụng của Quỹ này trong các đợt tăng giá xăng dầu thời gian qua, tổng kết về tổ chức, hoạt động trước khi quyết định tiếp tục duy trì hay không duy trì Quỹ.

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cho rằng dự án Luật vẫn giữ Quỹ này trong khi chưa có đánh giá, tổng kết, cách xử lý của Chính phủ thế nào.

"Cần đánh giá, bỏ thì thế nào, giữ thì thế nào. Mặt hàng bình ổn nếu bỏ đi thì bình ổn bằng cách gì. Thuế, phí không thể làm linh hoạt và làm mãi được, chỉ trong giai đoạn ngắn thôi," Chủ tịch Quốc hội chỉ rõ./.

Phan Phương (TTXVN/Vietnam+)