Các nước kém phát triển đề xuất áp thuế liên quan đến khí hậu

Theo đề xuất, một quỹ bồi thường có thể được huy động bằng cách áp thuế carbon toàn cầu, áp thuế đối với hoạt động hàng không cũng như nhiên liệu gây ô nhiễm nghiêm trọng và thải ra nhiều khí carbon..

Cảnh ngập lụt tại Sylhet, Bangladesh. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Theo tờ Guardian, một số quốc gia dễ bị tổn thương nhất do tình trạng biến đổi khí hậu trên thế giới đã chuẩn bị tài liệu để đưa ra thảo luận tại Khóa họp 77 của Đại Hội đồng Liên hợp quốc trong tuần này.

Các nước kém phát triển dự kiến đề xuất áp thuế toàn cầu liên quan đến khí hậu để lập quỹ bồi thường cho những tổn thất và thiệt hại mà các nước phát triển gây ra.

Theo đề xuất, quỹ nói trên có thể được huy động bằng cách áp thuế carbon toàn cầu, áp thuế đối với hoạt động hàng không cũng như nhiên liệu gây ô nhiễm nghiêm trọng và thải ra nhiều khí carbon mà các tàu thủy sử dụng, tăng thuế khai thác nhiên liệu hóa thạch...

Văn kiện cũng đưa ra những ưu và nhược điểm của từng vấn đề và các phương án huy động nguồn quỹ từ các nước giàu thông qua các thể chế tài chính đa phương của thế giới như Ngân hàng Thế giới (WB), Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) và khu vực tư nhân.

Nhiều khả năng, các phương án huy động quỹ bù đắp cho những tổn thất và thiệt hại nói trên sẽ khó được các quốc gia giàu có đồng ý vào thời điểm chi phí nhiên liệu hóa thạch tăng cao, giá lương thực tăng và cuộc khủng hoảng chi phí sinh hoạt xảy ra trên toàn thế giới.

[Các nước nghèo thúc đẩy việc bù đắp thiệt hại do biến đổi khí hậu]

Dù tại Hội nghị lần thứ 26, các bên tham gia công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu (COP26) ở Glasgow (Vương quốc Anh) năm 2021, các nước giàu đã nhất trí rằng cần có một cơ chế khắc phục những tổn thất và thiệt hại, nhưng chưa có thỏa thuận nào về cách thức bồi thường hoặc các bên sẽ đóng góp. Dự kiến, vấn đề này sẽ là chủ đề chính được đưa ra thảo luận tại COP27 tại Ai Cập vào tháng 11/2022.

Tại COP26, nhìn chung các cuộc thảo luận diễn ra tốt đẹp và các nước nhất trí cần phải hạn chế tăng nhiệt toàn cầu ở mức 1,5 độ C so với mức thời kỳ tiền công nghiệp. Tuy nhiên, trong bối cảnh có nhiều biến động địa chính trị kể từ khi xung đột Nga-Ukraine xảy ra, các cuộc đàm phán năm nay khả năng sẽ diễn ra căng thẳng hơn.

Thiệt hại đối với các nước kém phát triển có thể gia tăng trong bối cảnh nắng nóng khắc nghiệt trên toàn cầu.

Một báo cáo riêng do Antigua và Barbuda đệ trình lên Liên hợp quốc cảnh báo nhiệt độ và nước biển gia tăng tại vùng Caribe có thể gây ra một siêu bão trong vòng vài năm, gây thiệt hại 7,9 tỷ bảng Anh (gần 9 tỷ USD) chỉ riêng tại Antigua và Barbuda, cao gấp 6 lần Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) hàng năm của nước này./.

Minh Hằng (TTXVN/Vietnam+)