Sotheby's nhận định thị trường đấu giá tác phẩm nghệ thuật "hụt hơi"
Thị trường đấu giá tác phẩm nghệ thuật đã chững lại vào năm 2023, một phần do doanh số bán hàng ở Trung Quốc giảm, lạm phát và lãi suất tăng cao, cùng với ảnh hưởng của xung đột Nga-Ukraine.
Ngày 29/1, nhà đấu giá nổi tiếng Sotheby's cho biết năm ngoái doanh thu bán hàng đã giảm xuống 7,9 tỷ USD, giảm 100 triệu USD so với mức kỷ lục của năm 2022 khi nhu cầu tăng vọt sau đại dịch.
Doanh thu 7,9 tỷ USD của năm 2023 đến từ việc đấu giá nhiều mặt hàng từ các tác phẩm nghệ thuật đến bán xe cổ.
Con số này giảm 0,8% so với năm trước, nhưng vẫn tăng 40% so với năm 2019, năm cuối cùng trước khi đại dịch bùng phát.
Thuộc sở hữu của tỷ phú Patrick Drahi, Sotheby's cho hay trong bối cảnh thị trường nhiều thách thức hơn, Sotheby's đã duy trì được động lực của mình thông qua việc bán thành công các kiệt tác mới tiếp cận thị trường và các sản phẩm có giá trị cao trong mảng kinh doanh bán đấu giá và bán hàng tư nhân.
Theo ông Charles Stewart, Giám đốc Điều hành của Sotheby, hoạt động kinh doanh vẫn tăng trưởng tích cực, nhờ sự gia tăng chuyển giao tài sản qua các thế hệ và mảng bán đấu giá.
Sau một năm đầy sóng gió vào năm 2022, thị trường đấu giá tác phẩm nghệ thuật đã chững lại vào năm 2023, một phần do doanh số bán hàng ở Trung Quốc giảm, lạm phát và lãi suất tăng cao, cùng với ảnh hưởng của xung đột Nga-Ukraine.
Sotheby's đã chịu trách nhiệm bán các tác phẩm có giá trị nhất trong năm 2023 với tác phẩm "Femme a la montre" của danh họa Pablo Picasso thu về 139 triệu USD và "Lady with Fan" của Gustav Klimt được bán với giá 108 triệu USD.
Nhà đấu giá đối thủ Christie's, thuộc sở hữu của Công ty Cổ phần Artemis của tỷ phú Pháp Francois Pinault, cũng dự kiến doanh thu giảm xuống 6,2 tỷ USD trong năm 2023, giảm 25% so với mức kỷ lục 8,4 tỷ USD vào năm 2022.
Christie's cũng cho rằng tình hình kinh tế toàn cầu khó khăn và sự thu hẹp của thị trường nghệ thuật là những nguyên nhân dẫn đến sự sụt giảm./.