Bắc Ninh: Đưa dòng vốn tín dụng đến với người nghèo
Vốn chính sách đã trở thành điểm tựa giúp người dân Bắc Ninh tạo sinh kế, góp phần đưa nền kinh tế sớm vượt qua khó khăn, đang làm thay đổi cuộc sống cho các hộ nghèo và gia đình chính sách.
Các chương trình tín dụng chính sách tại Bắc Ninh đã và đang làm thay đổi cuộc sống cho các hộ nghèo và gia đình chính sách.
Vốn chính sách cũng đã trở thành điểm tựa giúp người dân tạo sinh kế, góp phần đưa nền kinh tế sớm vượt qua khó khăn, không lỡ nhịp trong tiến trình phục hồi.
Công cụ đắc lực
Nhiều năm về trước, gia đình anh Nguyễn Văn Chương ở xã Quỳnh Phú, huyện Gia Bình luôn thuộc diện hộ nghèo. Gia đình chỉ trông mong vào mấy sào ruộng, bản thân anh Trường lại bị bệnh tật, sức khỏe yếu, bởi vậy cái nghèo cứ đeo bám. Anh Chương cho hay trong lúc đang trăn trở tìm giải pháp thoát nghèo, gia đình anh đã được tiếp cận với nguồn vốn từ Ngân hàng Chính sách xã hội. Từ số vốn 50 triệu đồng được vay, anh Chương đã đầu tư mua cây, con giống phát triển mô hình VAC. Đến nay cuộc sống của gia đình anh đã khấm khá hơn từ mô hình này.
Giống như anh Chương, gia đình chị Nguyễn Thị Hoan, thôn Trần Xá, xã Yên Trung, huyện Yên Phong, được Phòng giao dịch Ngân hàng Chính sách xã hội huyện Yên Phong cho vay 50 triệu đồng theo chương trình hỗ trợ tạo việc làm. Chị Hoan đã sử dụng số tiền này để mở rộng kinh doanh tạp hóa tổng hợp. Đến nay, việc kinh doanh khá thuận lợi, là đại lý cấp 1 phân phối cho gần 20 cửa hàng kinh doanh tạp hóa trong và ngoài địa phương, doanh thu đạt 500 triệu đồng/tháng, trừ chi phí cho thu lãi khoảng 30-35 triệu đồng/tháng, tạo đà cho gia đình vươn lên khá giả.
Xưởng sản xuất đồ gỗ mỹ nghệ của chị Lê Thị Minh ở thành phố Từ Sơn có quy mô ngày càng lớn nhờ tận dụng hiệu quả nguồn vốn cho vay giải quyết việc làm từ Ngân hàng Chính sách xã hội. Chị Minh chia sẻ chị được tiếp cận vốn chính sách từ những ngày đầu khởi nghiệp với 4 triệu đồng.
Được vay vốn với lãi suất ưu đãi, chị Minh đã từng bước đầu tư mở rộng và phát triển mô hình sản xuất kinh doanh, đầu tư máy móc, thiết bị để nâng cao hiệu quả sản xuất. Những năm gần đây dù chịu ảnh hưởng lớn của dịch bệnh và những biến động bất ổn trên thị trường nhưng xưởng đồ gỗ của gia đình chị Minh vẫn vẫn duy trì sản xuất ổn định và luôn tạo việc làm thu nhập cho 20 lao động.
Câu chuyện của chị Minh, anh Chương, chị Hoan là minh chứng khẳng định vai trò đắc lực trong giảm nghèo, bảo đảm an sinh xã hội của nguồn vốn chính sách.
Ông Trương Thế Cương, Chủ tịch Hội Cựu chiến binh phường Hương Mạc, thành phố Từ Sơn, nhìn nhận các chương trình vay của Ngân hàng Chính sách Xã hội rất phù hợp, như những chiếc "phao cứu sinh" cho nhiều hộ gia đình, giúp người dân vươn lên thoát nghèo bền vững, tạo dựng cuộc sống ngày càng hạnh phúc hơn.
Theo thống kê, giai đoạn 2020-2023, nguồn vốn ưu đãi của Ngân hàng Chính sách Xã hội tỉnh Bắc Ninh đã góp phần giúp hơn 20.000 lượt hộ vượt qua ngưỡng nghèo; hơn 2.800 học sinh sinh viên có hoàn cảnh khó khăn được vay vốn học tập; thu hút, tạo việc làm cho hơn 34.000 lao động từ vốn giải quyết việc làm; xây dựng hơn 100.000 công trình nước sạch và vệ sinh môi trường. Nhờ đó, tỷ lệ hộ nghèo trên địa bàn tỉnh giảm từ 1,2% năm 2020 xuống còn 0,75% năm 2023 và là một trong các tỉnh, thành có tỷ lệ hộ nghèo thấp nhất toàn quốc.
Tiếp tục lan tỏa
Năm 2024, Ngân hàng Chính sách Xã hội tỉnh Bắc Ninh đặt mục tiêu tăng trưởng huy động và dư nợ 10%; trong đó nguồn vốn nhận ủy thác từ ngân sách địa phương tăng 95 tỉ đồng.
Để hoàn thành mục tiêu đó, Ngân hàng Chính sách Xã hội tỉnh Bắc Ninh tiếp tục tham mưu cấp bổ sung nguồn vốn nhận ủy thác từ ngân sách ngay từ những ngày đầu năm để kịp thời giải ngân nguồn vốn đến các đối tượng thụ hưởng và bố trí nguồn vốn đối ứng từ Trung ương.
Đồng thời, tập trung thu hồi nợ đến hạn, đẩy mạnh huy động tiền gửi từ các tổ chức, cá nhân và nhận tiền gửi của thành viên tổ tiết kiệm và vay vốn; giải ngân kịp thời, đáp ứng nhu cầu vốn vay của các đối tượng thụ hưởng, góp phần giảm nhanh và bền vững hộ nghèo, hộ cận nghèo, tạo việc làm, nâng cao thu nhập và chất lượng sống cho người dân.
Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Bắc Ninh Ngô Tân Phượng yêu cầu Ngân hàng Chính sách Xã hội tỉnh tiếp tục tham mưu cho cấp ủy, chính quyền địa phương các cấp thực hiện tốt Chỉ thị số 40-CT/TW ngày 22/11/2014 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về tăng cường sự lãnh đạo của đảng đối với các chương trình tín dụng chính sách.
Đồng thời, đẩy mạnh cho vay các chương trình tín dụng chính sách, phấn đấu hoàn thành sớm chỉ tiêu kế hoạch được giao. Đặc biệt luôn duy trì, giữ vững vị trí thứ 15/63 tỉnh, thành cả nước về nguồn vốn ngân sách địa phương ủy thác để cho vay hộ nghèo và đối tượng chính sách; chủ động phối hợp với các đơn vị liên quan, chính quyền địa phương, tổ chức chính trị-xã hội nhận ủy thác tiếp tục rà soát nhận diện đúng đối tượng thụ hưởng để thực hiện giải ngân kịp thời, hiệu quả các chương trình tín dụng chính sách.
Giám đốc Ngân hàng Chính sách Xã hội tỉnh Bắc Ninh Đàm Lê Văn cho biết năm 2023, Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh Bắc Ninh đã hoàn thành vượt mức chỉ tiêu kế hoạch nguồn vốn nhận ủy thác từ ngân sách địa phương.
Cụ thể, Ủy ban Nhân dân tỉnh và 8 huyện, thị xã, thành phố chuyển bổ sung nguồn vốn ngân sách địa phương ủy thác qua Ngân hàng Chính sách xã hội với số tiền 103 tỷ đồng, hoàn thành 128,37% kế hoạch được giao. Tổng dư nợ các chương trình tín dụng chính sách tại Bắc Ninh đạt trên 3.900 tỷ đồng, tăng trưởng 17,1%, hoàn thành 100% kế hoạch tăng trưởng được giao với 78.545 nghìn hộ nghèo, hộ cận nghèo và các đối tượng chính sách khác còn dư nợ.
Đây là năm Bắc Ninh có doanh số tăng trưởng tín dụng chính sách lớn nhất qua các thời kỳ, điển hình như chương trình cho vay hỗ trợ tạo việc làm 513 tỷ đồng, chương trình cho vay nhà ở xã hội 181 tỷ đồng, chương trình cho vay khởi nghiệp 31 tỷ đồng. Kết cấu dư nợ các chương trình tín dụng được dịch chuyển theo hướng ổn định, bền vững; nợ quá hạn chỉ chiếm 0,27% tổng dư nợ.
Nguồn vốn chính sách đã giúp hơn 22.750 khách hàng tại Bắc Ninh được tiếp cận nguồn vốn trong năm 2023. Đặc biệt, sau 2 năm triển khai thực hiện Nghị quyết số 11/NQ-CP của Chính phủ, tổng nguồn vốn Ngân hàng Chính sách Xã hội tỉnh được giao để thực hiện các chương trình tín dụng là 762 tỷ đồng; giải ngân hoàn thành 100% kế hoạch được giao với 10.302 lượt khách hàng được vay vốn.
Chi nhánh thực hiện hỗ trợ lãi suất với tổng số tiền gần 30 tỷ đồng cho gần 38.000 khách hàng theo Nghị định số 36/2022/NĐ-CP của Chính phủ; trong đó, số tiền đã hỗ trợ lãi suất năm 2022 là trên 8 tỷ đồng cho trên 14.700 khách hàng; số tiền hỗ trợ lãi suất năm 2023 hơn 21,5 tỷ đồng cho hơn 23.200 khách hàng; bảo đảm 100% khách hàng đủ điều kiện được hỗ trợ kịp thời, khách quan, minh bạch không bị lợi dụng, trục lợi chính sách./.