Sberbank: Kinh tế Nga có thể cần một thập niên để quay về mức của 2021

Theo Giám đốc điều hành Sberbank - ngân hàng hàng đầu nước Nga, các nước áp đặt trừng phạt đối với Nga chiếm khoảng 56% kim ngạch xuất khẩu và 51% kim ngạch nhập khẩu của Nga.

Người dân mua hàng tại một siêu thị ở thủ đô Moskva, Nga. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Nền kinh tế Nga có thể phải cần tới một thập niên để quay trở về mức của năm 2021 - thời điểm các nước phương Tây chưa áp đặt các lệnh trừng phạt Moskva liên quan đến việc nước này triển khai chiến dịch quân sự đặc biệt tại Ukraine.

Đây là nhận định được ông German Gref, Giám đốc điều hành Sberbank - ngân hàng hàng đầu nước Nga, đưa ra ngày 17/6, trong bối cảnh các hạn chế kinh tế khiến thương mại của nước này giảm tới 50%.

Phát biểu tại Diễn đàn Kinh tế quốc tế Saint Petersburg 2022 đang diễn ra tại thành phố cùng tên, ông Gref ước tính các nước áp đặt trừng phạt đối với Nga chiếm khoảng 56% kim ngạch xuất khẩu và 51% kim ngạch nhập khẩu của Nga.

Theo ông, đây là mối đe dọa đối với 15% Tổng sản phẩm quốc nội của Nga. Nếu không có biện pháp gì, Nga có thể cần khoảng một thập niên mới có thể đưa kinh tế trở về mức của năm 2021. Do đó, Giám đốc điều hành Sberbank đã kêu gọi tái cơ cấu nền kinh tế Nga.

[Nước Nga sẽ định hướng lại nền kinh tế trong thời kỳ mới]

The ông Gref, các chuyến hàng đã giảm 6 lần, trong khi vận chuyển bằng đường biển và đường hàng không cũng bị cản trở do các biện pháp trừng phạt, không cho các hãng hàng không Nga bay theo hướng Tây và các tàu treo cờ Nga không được cập cảng Liên minh châu Âu (EU).

Dù thừa nhận kinh tế Nga đối mặt với những trở ngại lớn, song giới chức nước này vẫn khẳng định nền kinh tế đang vận hành tốt hơn dự kiến ban đầu, một phần do giá năng lượng cao hơn giúp đảm bảo nguồn thu. Khi EU chuẩn bị loại bỏ nhiên liệu hóa thạch của Nga vào năm 2027, Nga đã chuyển hơn 50% lượng dầu sang châu Á.

Theo ông Dmitry Pankov, Giám đốc điều hành Tập đoàn Delo vận hành công ty vận chuyển hàng hóa đường sắt hàng đầu của Nga là Transcontainer và Global Ports và nhiều cảng biển, việc vận chuyển hàng vẫn tiếp tục, các khách hàng châu Á bắt đầu tăng lên./.

Ngọc Hà (TTXVN/Vietnam+)