Hoàn thiện cơ sở pháp lý phát triển kinh tế đô thị xanh và bền vững
Việc phân loại, nâng cấp đô thị thời gian qua nhìn chung chỉ đạt mục tiêu tăng quy mô đất đai, dân số đô thị và chưa coi trọng tới việc đổi mới, nâng cao chất lượng đô thị.
Quá trình đô thị hóa và phát triển đô thị đã tạo điều kiện thuận lợi cho phát triển kinh tế-xã hội, tuy nhiên phân loại việc nâng cấp đô thị thời gian qua mới đạt mục tiêu tăng quy mô đất đai, dân số và chưa coi trọng tới việc đổi mới, nâng cao chất lượng đô thị.
Đây cũng là nội dung chính được đề cập trong Hội thảo chuyên đề “Phát triển các mô hình mới và thúc đẩy chuyển dịch kinh tế khu vực đô thị theo hướng tăng trưởng xanh và bền vững,” thuộc khuôn khổ Diễn đàn phát triển bền vững đô thị Việt Nam, do Ban Kinh tế Trung ương phối hợp với Bộ Xây dựng và các cơ quan liên quan tổ chức, ngày 17/6.
Mở rộng không gian kinh tế
Tại Hội thảo, Phó Thủ tướng Lê Văn Thành trao đổi sau hơn 35 năm thực hiện đường lối đổi mới của Đảng cùng với những thành tựu chung về kinh tế-xã hội, hệ thống đô thị Việt Nam đã từng bước phát triển mạnh mẽ, vượt bậc về số lượng và chất lượng.
Tới nay, cả nước đã có 869 đô thị các loại và phân bố với tỷ lệ đô thị xác định theo địa bàn có chức năng đô thị tăng từ 30,5% (năm 2010) lên 40,5% (năm 2021).
Theo đó, không gian đô thị được mở rộng, hạ tầng kỹ thuật, kinh tế-xã hội được đầu tư theo hướng ngày càng đồng bộ và hiện đại. Từ đó, chất lượng cuộc sống của dân đô thị từng bước được cải thiện. Hiện nay, hệ thống cơ chế chính sách về quy hoạch, phát triển đô thị, nhà ở và thị trường bất động sản đã được ban hành khá đầy đủ và đồng bộ.
Trên thực tế, kinh tế đô thị đang liên tục tăng trưởng cao, bình quân 12-15%, gấp 1,5-2 lần bình quân chung của cả nước đồng thời hàng năm đóng góp khoảng 70% GDP.
Cụ thể, Phó Thủ tướng chỉ ra các đô thị lớn như Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh đã hình thành nhiều khu đô thị văn minh, hiện đại, nhất là các trung tâm khoa học công nghệ, giáo dục và đào tạo. Đây là những tiền đề quan trọng, cơ sở và nền tảng để Việt Nam triển khai các nhiệm vụ phát triển đô thị trong giai đoạn tới.
Thêm vào đó, tiến sỹ Nguyễn Đức Hiển, Phó trưởng Ban Kinh tế cho rằng đô thị hóa tạo ra khu vực đô thị với không gian kinh tế được mở rộng và môi trường đầu tư kinh doanh thuận lợi. Và, sự phát triển hạ tầng cũng tạo ra nguồn lao động dồi dào và thị trường lớn.
Trên cơ sở đó, các ngành công nghiệp và dịch vụ có điều kiện phát triển, như tăng thu hút đầu tư nước ngoài trực tiếp (FDI) và thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng công nghiệp hóa, nâng cao năng suất, chất lượng tăng trưởng kinh tế. Song hành với đô thị hóa, nhiều mô hình phát triển mới đã xuất hiện, như đô thị xanh, đô thị thông minh, đô thị sinh thái, đô thị công nghiệp-thương mại-dịch vụ...
“Các mô hình đô thị mới này đã góp phần thúc đẩy chuyển dịch mô hình kinh tế đô thị theo hướng tăng trưởng xanh đồng thời nâng cao năng lực cạnh tranh, hiệu quả bền vững cũng như tạo ra việc làm, xóa đói giảm nghèo, từ đó nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân. Điểm nổi bật, các mô hình này đã giúp hệ thống các đô thị nâng cao năng lực chống chịu, ứng phó với biến đổi khí hậu,” ông Hiển nói.
Chỉ đạt mục tiêu tăng quy mô đất đai và dân số
Tuy nhiên, tiến sỹ Nguyễn Đức Hiển cũng đánh giá thẳng thắn việc phát triển các đô thị mới theo mô hình đô thị bền vững-xanh-thông minh phát triển còn rất ít, do chưa được nghiên cứu và triển khai phù hợp với từng vùng, miền và loại, cấp đô thị.
Bên cạnh đó, các yếu tố văn hóa, cảnh quan đặc thù chưa được chú trọng trong phát triển đô thị. Cụ thể, kiến trúc và bộ mặt đô thị còn thiếu bản sắc, thiếu điểm nhấn, tự phát.
Hơn nữa, ông Hiển nhấn mạnh việc phân loại, nâng cấp đô thị nhìn chung chỉ đạt mục tiêu tăng quy mô đất đai, dân số đô thị, thực chất chưa coi trọng tới việc đổi mới, nâng cao chất lượng đô thị.
Theo Phó trưởng Ban Kinh tế quá trình xây dựng đô thị thông minh mới trong giai đoạn đầu, chưa có chiến lược phát triển, số lượng các đô thị mới xây dựng theo mô hình đô thị thông minh còn hạn chế.
“Hiện nay, toàn quốc mới có khoảng 26% đô thị đã ban hành Quy chế quản lý quy hoạch kiến trúc. Tại nhiều địa phương, ô nhiễm không khí có chiều hướng gia tăng cả về quy mô, mức độ, nhất là tại các thành phố lớn báo động về ô nhiễm môi trường nước và tiếng ồn còn ở mức cao,” ông Hiển chỉ ra.
Cụ thể, ông Hiển dẫn chứng có khoảng 300 đô thị ven biển sẽ chịu sự tác động rất lớn của biến đổi khí hậu (như tình trạng ngập lụt, xâm nhập mặn, triều cường) và khoảng 140-150 đô thị ở miền núi chịu sự ảnh hưởng của sạt lở đất, lũ quét và hạn hán. Trong đó, các khu vực tiềm ẩn chịu tác động mạnh từ biến đổi khí hậu lại là khu vực có tốc độ đô thị hóa và phát triển đô thị cao trong những năm gần đây và được dự báo sẽ tiếp tục đô thị hóa mạnh hơn trong thời gian tới.
“Thêm vào đó, kinh tế khu vực đô thị phát triển phân tán, thiếu tính kết nối và mô hình không gian và công nghiệp kém hiệu quả, tính kinh tế nhờ tích tụ yếu, hiệu quả còn thấp, phụ thuộc vào FDI. Tăng trưởng kinh tế đô thị của cả nước chủ yếu từ 5 thành phố trực thuộc Trung ương và từ hai vùng đô thị lớn Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh,” ông Hiển cho hay.
Hoàn thiện khung pháp lý
Trước tình hình đó, ông Hiển cho biết Ban Kinh tế Trung ương đã chủ trì nghiên cứu, trình Bộ Chính trị Đề án để ban hành Nghị quyết số 06-NQ/TW ngày 24/1 về quy hoạch, xây dựng, quản lý và phát triển bền vững đô thị Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Theo đó, Nghị quyết sẽ là cơ sở, căn cứ chính trị quan trọng trong việc ra đời cơ chế, chính sách mới, tạo động lực để phát triển đô thị, góp phần quan trọng thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội nhanh và bền vững.
Cụ thể, Nghị quyết đề ra các quan điểm, mục tiêu để phát triển đô thị Việt Nam bền vững cùng với hệ thống các nhiệm vụ và giải pháp chủ yếu, như nghiên cứu, hoàn thiện cơ chế, chính sách, tiêu chuẩn, quy chuẩn riêng cho xây dựng và lựa chọn mô hình phát triển đô thị bền vững, phù hợp cho từng vùng, miền, những địa bàn vùng đồi núi, cao nguyên, vùng có tính trọng yếu về quốc phòng, an ninh, các đô thị có nhiều di tích lịch sử, di sản văn hoá, cảnh quan thiên nhiên cần bảo tồn, gìn giữ.
Với mục tiêu “Kinh tế đô thị tăng trưởng nhanh, hiệu quả và bền vững; năng lực cạnh tranh của các đô thị được nâng cao, chuyển dịch theo hướng tăng trưởng xanh, thông minh,” Nghị quyết đặt ra nhiệm vụ và giải pháp về phát triển kinh tế khu vực đô thị.
Về đổi mới cơ chế, chính sách tài chính và đầu tư phát triển đô thị, Phó trưởng Ban Kinh tế cho biết sẽ tập trung nâng cao hiệu quả sử dụng đất cho phát triển kinh tế khu vực đô thị. Bên cạnh đó là khai thác hiệu quả và bền vững các công trình văn hóa, lịch sử, các không gian công cộng (như hệ thống vỉa hè, bệnh viện, trường đại học-cao đẳng, cơ sở nghiên cứu, trung tâm logistic, trung tâm thương mại, chợ đầu mối, mạng lưới chợ dân sinh).
Điểm nhấn tại các khu vực đô thị sẽ tập trung về phát triển kinh tế dịch vụ, các ngành công nghiệp chế tạo tiên tiến và có tính chiến lược, phát triển kinh tế số, kinh tế tuần hoàn, kinh tế chia sẻ, kinh tế ban đêm, kinh tế du lịch, thể thao.
“Để làm được những mục tiêu đề ra, các chính sách thuế, phí liên quan đến bất động sản cần được sửa đổi nhằm khuyến khích sử dụng nhà, đất có hiệu quả và hoàn thiện hành lang pháp lý, mô hình tổ chức phù hợp,” tiến sỹ Hiển nói./.