Sẽ cấp giấy phép FLEGT cho sản phẩm gỗ xuất khẩu sang EU vào năm 2025
Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã ban hành thông tư triển khai các quy định bảo đảm gỗ hợp pháp Việt Nam, và tiến tới cấp giấy phép FLEGT cho các doanh nghiệp xuất khẩu gỗ sang EU.
Ngày 17/6, Tổng cục Lâm nghiệp, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phối hợp cùng Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam (VIFOREST) và Hội Mỹ nghệ và Chế biến gỗ Thành phố Hồ Chí Minh (HAWA) tổ chức hội thảo "Thúc đẩy thực hành thương mại lâm sản bền vững và ra mắt Nền tảng chứng minh và truy xuất nguồn gốc gỗ HAWA DDS."
Hội thảo nhằm giúp các doanh nghiệp cập nhật tiến trình thực thi Hệ thống đảm bảo gỗ hợp pháp Việt Nam (VNTLAS), hướng dẫn quy trình phân nhóm doanh nghiệp cũng như kịp thời hỗ trợ các doanh nghiệp trong quá trình theo đuổi các chứng chỉ bền vững, một trong những đòi hỏi thiết yếu của quá trình sản xuất, kinh doanh nội thất toàn cầu hiện nay.
Theo ông Bùi Chính Nghĩa, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Lâm nghiệp, dù tốc độ tăng trưởng hằng năm ổn định hai con số và tạo được dấu ấn lớn trong năm 2021 nhưng bước sang năm 2022, ngành chế biến gỗ Việt Nam vẫn đối diện với khá nhiều thử thách.
Cùng với dịch bệnh, căng thẳng chính trị leo thang gây thách thức thêm cho chuỗi cung ứng, giá logistics lẫn giá nguyên vật liệu đều tăng cao khiến chi phí đầu vào của doanh nghiệp biến động mạnh.
Lạm phát tại các thị trường xuất khẩu chủ lực cũng đang khiến đơn hàng bắt đầu giảm. Đặc biệt, những cáo buộc gian lận xuất xứ, nguồn gốc nguyên liệu... cũng đang trở thành mối đe dọa cho sự phát triển toàn ngành.
Để ứng phó với các thách thức này, theo ông Bùi Chính Nghĩa, doanh nghiệp trong nước cần tuân thủ triệt để các quy định của thị trường quốc tế, củng cố nội lực, tăng khả năng cạnh tranh... để giữ vững vị thế xuất khẩu đồ nội thất.
Bởi vậy, Tổng cục Lâm nghiệp Việt Nam liên tục triển khai các hoạt động tập huấn, tuyên truyền về Hiệp định Đối tác tự nguyện về thực thi lâm luật, quản trị rừng và thương mại lâm sản (VPA/FLEGT) và VNTLAS ở Việt Nam thời gian qua.
Thời gian qua, ngành lâm nghiệp thường xuyên công bố các loại gỗ nhập khẩu vào Việt Nam; công bố vùng địa lý tích cực giúp doanh nghiệp xác định được khu vực có nền quản trị rừng tiên tiến và khuyến khích nhập khẩu gỗ từ những thị trường đó.
[Xuất khẩu tạo đà cho doanh nghiệp ngành gỗ tăng trưởng]
Vừa qua, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã ban thành Thông tư 21/2021/TT-BNNPTNT Quy định phân loại doanh nghiệp chế biến và xuất khẩu gỗ để triển khai Nghị định 102/2020/NĐ-CP Quy định Hệ thống bảo đảm gỗ hợp pháp Việt Nam và tiến tới cấp giấy phép FLEGT cho các doanh nghiệp xuất khẩu gỗ sang EU.
“Dự kiến năm 2025, sau khi Việt Nam chuẩn bị đầy đủ các điều kiện cần thiết thì việc cấp giấy phép FLEGT sẽ được thực thi,” ông Bùi Chính Nghĩa thông tin.
Ông Nguyễn Chánh Phương, Phó Chủ tịch Hội Mỹ nghệ và Chế biến gỗ Thành phố Hồ Chí Minh, cũng cho rằng việc thực thi các quy định phát triển lâm sản bền vững là yêu cầu sống còn, không chỉ riêng ngành chế biến gỗ Việt Nam mà của cả thế giới. Trong tinh thần và mục tiêu chuyển đổi số ngành chế biến gỗ, Hội Mỹ nghệ và Chế biến gỗ Thành phố Hồ Chí Minh đang đồng hành cùng Chính phủ lẫn doanh nghiệp đẩy mạnh số hoá tiến trình thực thi Hiệp định VPA/FLEGT, VNTLAS. Đó là nền tảng HAWA DDS.
Theo ông Nguyễn Chánh Phương, HAWA DDS là dự án xoá bỏ vướng mắc trong quá trình chứng minh nguồn gốc hợp pháp gỗ rừng trồng, bước chuẩn bị hết sức cần thiết để có thể đưa gỗ, sản phẩm gỗ trong nước sang thị trường quốc tế, đặc biệt là thị trường EU.
Từ tháng 5/2018, FAO EU FLEGT đã tài trợ, đồng hành để Hội Mỹ nghệ và Chế biến gỗ Thành phố Hồ Chí Minh triển khai dự án HAWA DDS, với mục tiêu xây dựng một nền tảng cung cấp các công cụ giúp doanh nghiệp truy xuất và giải trình nguồn gốc gỗ nguyên liệu hợp pháp phù hợp với các cam kết trong Hiệp định VPA/FLEGT.
Chỉ cần truy cập nền tảng HAWA DDS, người dùng, từ chủ rừng đến nhà khai thác, doanh nghiệp thương mại, nhà sản xuất, nhà mua hàng đều có thể tìm kiếm thông tin, quản lý lẫn chứng minh, nguồn gốc nguyên liệu một cách rõ ràng mà không phụ thuộc quá nhiều vào hệ thống giấy tờ, thủ tục lưu trữ, tra xét thủ công như trước đây.
Với dữ liệu của nền tảng HAWA DDS, hệ thống sẽ xuất ra Giấy chứng minh nguồn gốc gỗ khai thác trong nước với đầy đủ các thông tin chi tiết nhất về lịch sử, số lượng, địa điểm khai thác… dưới hình thức một mã QR.
Người mua chỉ cần quét mã để kiểm tra, đối chứng nguồn gốc gỗ trong nguyên liệu và sản phẩm trước khi quyết định mua hàng, ông Nguyễn Hoài Bảo, thành viên Ban chấp hành HAWA thông tin./.