Sân bay Long Thành khai thác sẽ kết nối với các tuyến đường giao thông nào?
Theo quy hoạch được Bộ Giao thông Vận tải nghiên cứu, Cảng Hàng không Quốc tế Long Thành-Thành phố Hồ Chí Minh có 7 tuyến giao thông kết nối.
Với việc Cảng Hàng không Quốc tế Long Thành được Thủ tướng Chính phủ ấn định cơ bản hoàn thành vào cuối năm 2025, các tuyến giao thông kết nối với sân bay này cũng cần phải được đẩy nhanh hoàn thành để có thể khai thác đồng bộ.
Các cao tốc “ì ạch” kết nối sân bay
Theo Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam (ACV), khi Sân bay Long Thành đi vào hoạt động, dự kiến 80% lượng hành khách quốc tế từ Tân Sơn Nhất sẽ chuyển về Long Thành. Công suất thiết kế giai đoạn 1 là 25 triệu hành khách/năm của Sân bay Long Thành sẽ tạo áp lực lớn lên các tuyến đường kết nối, đặc biệt là cao tốc Thành phố Hồ Chí Minh-Long Thành-Dầu Giây quy mô 4 làn xe, tuy nhiên tuyến đường này luôn trong tình trạng quá tải với lượng xe vượt thiết kế.
“Lưu lượng phương tiện trên cao tốc Thành phố Hồ Chí Minh-Long Thành-Dầu Giây tăng trung bình 10-11%/năm. Tình trạng ùn tắc diễn ra thường xuyên vào dịp cuối tuần, lễ Tết và khó đáp ứng được khả năng thông hành khi Cảng Hàng không Quốc tế Long Thành đưa vào sử dụng,” đại diện Tổng công ty đầu tư phát triển đường cao tốc Việt Nam (VEC) đánh giá.
Trong khi đó, các tuyến đường quốc lộ gồm Quốc lộ 1 (đoạn qua Bến Lức, Long An; Xuân Lộc-Đồng Nai); Quốc lộ 51 (đoạn Long Phước-Long Thành, nút giao Quốc lộ 51) ùn tắc giao thông cũng xảy ra thường xuyên và rơi vào tình trạng mãn tải.
Do vậy, cao tốc Thành phố Hồ Chí Minh-Long Thành-Dầu Giây cần thiết phải sớm đầu tư mở rộng; cao tốc Bến Lức-Long Thành, Biên Hoà-Vũng Tàu tăng tốc đầu tư, hoàn thiện đưa vào khai thác khi Sân bay Long Thành hoàn thành. Đường Vành đai 3 Thành phố Hồ Chí Minh hoàn thành tuyến chính vào cuối năm 2025.
Đại diện Bộ Giao thông Vận tải cho biết hiện tại, phương án mở rộng cao tốc Thành phố Hồ Chí Minh-Long Thành-Dầu Giây từ 4 làn lên 8-10 làn xe đã được Thủ tướng Chính phủ đồng ý. Thế nhưng, phương án vốn cho VEC thực hiện dự án đến nay vẫn chưa được chốt và thời gian triển khai thi công mất từ 24-30 tháng.
Với tuyến cao tốc Bến Lức-Long Thành, vừa qua, Bộ Giao thông Vận tải đã có cáo báo Thủ tướng Chính phủ xin lùi thời hạn thực hiện dự án một năm, từ tháng 9/2025 sang tháng 9/2026 do vướng mắc công trình cầu Phước Khánh (gói J3-1) chưa thể tái triển khai thi công trở lại.
Tuyến cao tốc Biên Hoà-Vũng Tàu đang được triển khai và mục tiêu dự án khai thác vào cuối năm nay, song công tác giải phóng mặt bằng tại tỉnh Đồng Nai còn rất chậm trễ sẽ ảnh hưởng đến khối lượng công việc nhà thầu thi công và sẽ khó đáp ứng được tiến độ đề ra.
Đường Vành đai 3 Thành phố Hồ Chí Minh đẩy nhanh tiến độ, bảo đảm hoàn thành tuyến chính cao tốc vào năm 2025 và các đoạn tuyến khác và đường song hành sẽ hoàn thành trong năm 2026.
“Nếu các dự án giao thông kết nối chậm tiến độ, sức hút của dự án siêu sân bay này sẽ bị kéo giảm, tăng nguy cơ ùn tắc lên các tuyến kết nối hiện hữu, kìm hãm sự phát triển của nền kinh tế,” một chuyên gia giao thông nhận định.
Cấp thiết đầu tư đường sắt nối Sân bay Long Thành
Theo quy hoạch được Bộ Giao thông Vận tải nghiên cứu, Cảng Hàng không Quốc tế Long Thành-Thành phố Hồ Chí Minh có 7 tuyến kết nối.
Cụ thể, tuyến thứ nhất: Từ Sân bay Long Thành theo cao tốc Biên Hòa-Vũng Tàu, cao tốc Thành phố Hồ Chí Minh-Long Thành, Đường Vành đai 2, các trục hướng tâm hoặc các tuyến trục chính đô thị của Thành phố Hồ Chí Minh.
Tuyến thứ 2: Đường tỉnh 25C (Quốc lộ 20B)-cầu Cát Lái-đường Vành đai 2-các trục hướng tâm hoặc hệ thống đường khác mức.
Tuyến thứ 3: Đường tỉnh 25C (Quốc lộ 20B)-cao tốc Bến Lức-Long Thành-đường trục động lực (Quốc lộ 50B).
Tuyến thứ 4: Đường tỉnh 25C (Quốc lộ 20B)-đường Vành đai 3-các trục hướng tâm và hệ thống đường khác mức.
Tuyến thứ 5: Đường tỉnh 25C (Quốc lộ 20B)-kết nối qua hướng cầu Phú Mỹ 2-các trục hướng tâm và hệ thống đường khác mức.
Tuyến thứ 6: Đường sắt tốc độ cao đến ga Thủ Thiêm, chuyển tiếp bằng đường sắt đô thị vào trung tâm thành phố.
Tuyến thứ 7: Đường sắt nhẹ Long Thành-Thủ Thiêm, chuyển tiếp bằng đường sắt đô thị vào trung tâm thành phố.
Lãnh đạo Viện Chiến lược và Phát triển Giao thông Vận tải cho biết các tuyến cao tốc Bến Lức-Long Thành, Biên Hoà-Vũng Tàu, Vành đai 3 Thành phố Hồ Chí Minh phải hoàn thành đưa vào khai chậm nhất năm 2026 thì cũng phải lên lộ trình đầu tư các tuyến đường sắt kết nối với Sân bay Long Thành.
“Đường sắt có khả năng vận chuyển lượng lớn hành khách với tốc độ cao và thời gian di chuyển ổn định, nhất là giờ cao điểm, giảm phát thải ô nhiễm môi trường; giảm áp lực cho các tuyến cao tốc, quốc lộ, và đường địa phương kết nối với sân bay. Chậm nhất vào năm 2035, tuyến đường sắt kết nối cần phải hoàn thành và đưa vào khai thác để đảm bảo nhu cầu vận tải hành khách, hàng hóa và khả năng đáp ứng của các phương thức vận tải khác,” đại diện Viện Chiến lược và Phát triển Giao thông Vận tải cho hay.
Để triển khai sẽ cần phải huy động nguồn vốn rất lớn, do đó cần phải huy động nguồn vốn từ ngân sách Nhà nước (giải phóng mặt bằng, hạ tầng cơ bản), xã hội hóa (từ các doanh nghiệp lớn trong nước và quốc tế), hoặc phát hành trái phiếu để huy động vốn từ các nhà đầu tư cá nhân và tổ chức, vốn vay từ các tổ chức quốc tế./.