“Trái ngọt” từ những công trình hạ tầng giao thông ở Thành phố Hồ Chí Minh
Khoảng 20 công trình, dự án hạ tầng giao thông được đưa vào khai thác trong năm 2024 là những tín hiệu đầy tích cực cho Thành phố Hồ Chí Minh khi bước vào năm mới đầy hứa hẹn.
Trong năm 2024, ngành giao thông Thành phố Hồ Chí Minh đã hoàn thành và đưa vào khai thác hàng chục dự án, gói thầu; trong đó có nhiều công trình khơi thông cửa ngõ, mở hướng phát triển cho thành phố.
Đây được xem là những “trái ngọt”, điểm nổi bật và cũng là động lực quan trọng để Thành phố Hồ Chí Minh hướng đến những công trình lớn, đột phá trong thời gian tới.
Hàng loạt công trình đưa vào khai thác
Năm vừa qua, Sở Giao thông vận tải Thành phố Hồ Chí Minh đã tập trung phối hợp với Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông Thành phố Hồ Chí Minh (Ban Giao thông) đẩy nhanh tiến độ thi công các dự án trọng điểm, kết nối vùng như Vành đai 3, nút giao thông An Phú, mở rộng Quốc lộ 50, đường nối Trần Quốc Hoàn-Cộng Hòa.
Ông Trần Quang Lâm, Giám đốc Sở Giao thông vận tải Thành phố Hồ Chí Minh cho biết lĩnh vực hạ tầng giao thông năm qua đạt được nhiều kết quả mới, đột phá với 19 dự án và gói thầu được đưa vào khai thác.
Trong số đó, có 7 công trình cầu vượt sông và một số nút giao quan trọng để giải quyết vấn đề ùn tắc giao thông, phát triển kinh tế. Thành phố cũng đã khởi công 5 công trình, phê duyệt chủ trương đầu tư 15 dự án.
Những ngày cuối năm, không khí tươi vui diễn ra ở nhiều công trình, dự án hạ tầng giao thông Thành phố Hồ Chí Minh.
Chỉ trong một ngày 30/12, bốn dự án, gói thầu được đưa vào khai thác. Ở phía Nam, công trình cầu Phước Long nối Quận 7 và huyện Nhà Bè, hầm chui HC1 nút giao Nguyễn Văn Linh-Nguyễn Hữu Thọ, một đoạn song hành Quốc lộ 50 được thông xe, góp phần giảm ùn tắc giao thông cho khu vực này.
Tại khu vực phía Tây, dự án nâng cấp đường Tân Kỳ Tân Quý cũng thông xe, chờ đợi sẽ kết hợp với cầu Tân Kỳ Tân Quý đang thi công và hoàn thành cuối tháng 1/2025, giúp mở lối thông suốt cho cửa ngõ phía Tây Bắc vào trung tâm Thành phố Hồ Chí Minh và nhất là lối vào sân bay Tân Sơn Nhất.
Theo ông Lương Minh Phúc, Giám đốc Ban Giao thông, có rất nhiều dự án trước đây đã phải dừng thi công chờ mặt bằng, thì năm qua đã được khởi động lại như các cầu Phước Long, Rạch Đĩa, Tân Kỳ Tân Quý, Bà Hom.
“Đây là năm của những công trình hoàn thành. Sau hai năm chuẩn bị, tập trung thi công thì quý 3 và quý 4/2024, chúng ta chứng kiến những “trái ngọt” đã được thu hoạch với khoảng 20 gói thầu, dự án hoàn thành phục vụ người dân,” ông Phúc chia sẻ.
Trước đó, ngành giao thông cũng tất bật thi công, hoàn thành và đưa vào khai thác nhiều dự án khác như đường Tên Lửa, cầu Nam Lý, cầu Rạch Đỉa, hầm chui HC2 nút giao Nguyễn Văn Linh-Nguyễn Hữu Thọ.
Ông Lương Minh Phúc cho biết thêm từ nay đến trước Tết Nguyên đán, chủ đầu tư cùng nhà thầu sẽ nỗ lực đưa vào khai thác khoảng 10 công trình như đường Dương Quảng Hàm (giai đoạn 1), đường Hoàng Hoa Thám, đường nối Trần Quốc Hoàn-Cộng Hòa (giai đoạn 1); các cầu Tân Kỳ Tân Quý, Bà Hom, cầu Bà Dạt, Giồng Ông Tố 2; đường Lương Định Của (đoạn từ Nguyễn Hoàng đến nút giao Trần Não), kênh Hàng Bàng…
Tại Hội nghị triển khai nhiệm vụ kinh tế-xã hội năm 2025 vừa qua, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh Phan Văn Mãi chia sẻ, năm 2024, điều đáng mừng là thành phố đã tháo gỡ các vướng mắc, khó khăn, giải quyết tồn đọng… để nhiều dự án kéo dài được triển khai, đồng thời hoàn thành hàng chục dự án vướng mắc 7-8 năm.
Thành phố cũng chuẩn bị cơ bản để năm sau có thể khánh thành 30 dự án kéo dài từ 5 năm trở lên… Đây là bài học và nhiệm vụ quan trọng thành phố tiếp tục tập trung trong năm 2025.
Khơi thông cửa ngõ
Năm 2025, ngành giao thông Thành phố xác định sẽ là một năm của những dự án kết nối liên vùng. Đó là khởi công cao tốc Thành phố Hồ Chí Minh-Mộc Bài, đẩy nhanh tiến độ Vành đai 3, thông qua chủ trương đầu tư Vành đai 4 và mở rộng các tuyến cao tốc cửa ngõ, thông xe cao tốc Bến Lức-Long Thành. Thành phố cũng khởi công 1 số dự án để hoàn thiện trục Bắc-Nam như cầu đường Bình Tiên, cầu đường Nguyễn Khoái, mở rộng đường Nguyễn Hữu Thọ.
Ông Trần Quang Lâm cho biết năm 2025 hứa hẹn có rất nhiều công trình mà Thành phố Hồ Chí Minh sẽ tập trung nguồn lực để thực hiện được và đảm bảo tiến độ kết hợp với giải ngân đầu tư công.
Dự án Vành đai, phần giải phóng mặt bằng của thành phố đạt 99%, khối lượng thi công đạt 30% và đang phấn đấu giữ tiến độ cơ bản thông xe một số đoạn trong năm. Vành đai 2 cũng đã có chủ trương đầu tư tất cả các đoạn ở phía Đông.
Thành phố cũng sẽ rà soát, bổ sung, điều chỉnh quy hoạch chuyên ngành đối với các dự án hạ tầng giao thông, đặc biệt đối với các dự án có tính chất kết nối giữa các khu vực của Thành phố Hồ Chí Minh và kết nối liên vùng giữa Thành phố với các tỉnh Đông Nam Bộ trong Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam.
Trong khi tại cửa ngõ phía Nam, ông Lương Minh Phúc cho biết sẽ khởi công cầu Rạch Tôm, Rạch Dơi, mời gọi đầu tư mở rộng đường Nguyễn Hữu Thọ, xây dựng các nút giao nối kết Quốc lộ 50, cao tốc Bến Lức-Long Thành, khởi công cầu Nguyễn Khoái, nghiên cứu trục động lực Quốc lộ 50B và hoàn tất toàn bộ Quốc lộ 50.
Điều này giúp hệ thống giao thông phía Nam thành phố cơ bản hoàn thiện, tạo điều kiện, động lực phát triển kinh tế- xã hội cho các địa phương.
Với khu vực phía Tây, cầu Tân Kỳ Tân Quý hoàn thành tháng 1/2025 cùng với mở rộng đường Tân Kỳ Tân Quý trên địa bàn quận Tân Bình và thông xe đường nối Trần Quốc Hoàn-Cộng Hòa, sẽ tạo thành trục nối kết giữa Quốc lộ 1 với sân bay Tân Sơn Nhất.
Sắp tới, thành phố cũng sẽ triển khai mở rộng các đường Trường Chinh, Cộng Hòa để hoàn thiện hạ tầng giao thông cho khu vực này.
Đối với nút giao An Phú ở phía Đông, chủ đầu tư đang đẩy nhanh hoàn thiện đường hầm HC1 để hoàn thành trước 30/4. Toàn bộ các hạng mục 4 gói thầu cầu vượt và hầm HC2 sẽ hoàn thành trước 31/12, qua đó hoàn thành toàn bộ nút giao.
Khu vực này cũng sẽ thi công hoành thành các gói thầu còn lại của nút giao Mỹ Thủy, đường Lương Định Của, khởi công đường Nguyễn Thị Định, mở rộng đoạn 4 km đầu cao tốc.
“Như vậy cửa ngõ phía Đông sẽ được mở rộng đồng bộ để sẵn sàng nối kết với sân bay Long Thành giai đoạn 1. Trong tương lai, chúng ta tiếp tục kết nối Vành đai 3 với cao tốc Long Thành-Dầu Giây, cầu Nhơn Trạch, khởi công đường Liên cảng mới thì “điểm thắt” khu vực cảng Cát Lái sẽ được giải quyết, tạo động lực phát triển khu vực phía Đông,” ông Lương Minh Phúc chia sẻ.
Ở phía Tây Bắc, Thành phố cũng phấn đấu sớm duyệt dự án đường cao tốc Thành phố Hồ Chí Minh-Mộc Bài.
Hiện việc bồi thường đang được triển khai để quý 3/2025 khởi công trước một số nút giao, một số gói thầu dùng vốn ngân sách. Sau đó, Thành phố sẽ tổ chức đầu thầu lựa chọn nhà đầu tư PPP, phấn đấu đến năm 2027 hoàn thành tuyến.
Thành phố cũng phấn đấu trong năm hoàn thành chuẩn bị đầu tư và khởi công ít nhất 2 trong 5 dự án áp dụng hợp đồng BOT theo Nghị quyết số 98/2023/QH15 của Quốc hội.
Theo ông Lương Minh Phúc, hiện Ban Giao thông đang phối hợp Sở Giao thông vận tải nghiên cứu khoảng 40 dự án nữa, trong đó có những trục lớn như trục động lực Quốc lộ 50B kết nối Thành phố Hồ Chí Minh với Long An, khởi động lại 1 số dự án cần nguồn vốn nhưng chưa bố trí trước đây; chuẩn bị khởi công cầu Cần Giờ, Thủ Thiêm 4.
Với khoảng 20 công trình, dự án được đưa vào khai thác trong năm 2024 là những tín hiệu đầy tích cực cho Tp. Hồ Chí Minh khi bước vào năm mới đầy hứa hẹn.
Những công trình trọng điểm như Vành đai 3, nút giao An Phú, Quốc lộ 50… dự kiến hoàn thành trong năm 2025 sẽ giúp khơi thông các cửa ngõ, tạo động lực phát triển cho thành phố bước vào kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc./.