Romania không nhập khẩu ngũ cốc của Ukraine đến đầu tháng Sáu
Bộ trưởng Nông nghiệp Romania, ông Petre Daea, thông báo Ủy ban châu Âu (EC) sẽ cấm xuất khẩu ngũ cốc và các loại hạt chứa dầu của Ukraine sang nước này cho đến ngày 5/6.
Ngày 26/4, Bộ trưởng Nông nghiệp Romania, ông Petre Daea, thông báo Ủy ban châu Âu (EC) sẽ cấm xuất khẩu ngũ cốc và các loại hạt chứa dầu của Ukraine sang nước này cho đến ngày 5/6.
Phát biểu trước báo giới sau các cuộc họp tại Brussels (Bỉ) và Luxembourg, Bộ trưởng Daea cho biết các nước vẫn đang tiếp tục thương lượng về đề xuất của EC liên quan vấn đề nhập khẩu một số mặt hàng của Ukraine.
Về phần Romania, ông cho biết Bucharest sẽ được bảo vệ thông qua quyết định của EC và sẽ nhận được khoản tiền bồi thường cho nông dân.
[Nhiều nước gửi thư yêu cầu EU cấm nhập một số nông sản Ukraine]
Trước đó, Ba Lan cũng thông báo sẽ duy trì lệnh cấm nhập khẩu ngũ cốc Ukraine ít nhất đến cuối năm 2023.
Bộ trưởng Phát triển của Ba Lan, ông Waldemar Buda đưa ra phát biểu trên trong bối cảnh Liên minh châu Âu (EU) đang soạn thảo thỏa thuận chấm dứt các lệnh cấm đơn phương do một số nước áp đặt.
Khi được hỏi liệu lệnh cấm có thể được dỡ bỏ vào cuối tháng Sáu tới hay không, ông Buda khẳng định "tuyệt đối không thể" và "chắc chắn" Ba Lan sẽ duy trì lệnh cấm cho đến cuối năm 2023.
Từ tháng 5/2022, EU cho phép Ukraine xuất khẩu ngũ cốc dự trữ qua khối này sau khi các tuyến đường vận chuyển ở Biển Đen bị phong tỏa do cuộc xung đột với Nga.
Bulgaria, Hungary, Ba Lan, Romania và Slovakia đã trở thành các quốc gia trung chuyển ngũ cốc Ukraine. Các nước này đồng ý nhập khẩu một số sản phẩm từ Ukraine mà không hạn chế về số lượng, không làm thủ tục hải quan, không bị đánh thuế và kiểm tra chính thức.
Tuy nhiên, nhiều nước cáo buộc tỷ lệ lớn hàng nông sản của Ukraine sau khi được đưa vào EU đã không được xuất khẩu tiếp mà bị bán phá giá trên thị trường, nhất là tại các nước Trung và Đông Âu.
Thực tế này đã dẫn tới việc nhiều nước gần đây đơn phương cấm nhập khẩu các sản phẩm thực phẩm từ Ukraine để bảo vệ nhà sản xuất trong nước.
Hiện EU đang thúc đẩy một thỏa thuận cho phép quá cảnh 5 mặt hàng chiếm khoảng 80-90% tỷ trọng xuất khẩu. Đổi lại, nông dân bị ảnh hưởng ở các nước trên sẽ được EU đền bù 100 triệu euro.
Ủy viên châu Âu phụ trách nông nghiệp, ông Janusz Wojciechowski, bày tỏ lạc quan các quốc gia láng giềng Ukraine sẽ sớm đạt được thỏa thuận./.