Hạ viện Mỹ thông qua đề xuất tăng giới hạn nợ quốc gia

Với tỷ lệ sít sao 217 phiếu thuận và 215 phiếu chống, Hạ viện Mỹ thông qua đề xuất tăng giới hạn nợ quốc gia, nhưng đi kèm với giảm mạnh chi tiêu - động thái vấp phải sự phản đối từ đảng Dân chủ.

Toàn cảnh một phiên bỏ phiếu bầu Chủ tịch Hạ viện Mỹ ở Washington, DC.. (Ảnh: THX/TTXVN)

Hạ viện Mỹ, do phe Cộng hòa nắm thế đa số, ngày 26/4 đã thông qua đề xuất tăng giới hạn nợ quốc gia, nhưng đi kèm với biện pháp cắt giảm mạnh chi tiêu - động thái vấp phải sự phản đối từ Tổng thống Joe Biden và phe Dân chủ.

Với tỷ lệ sít sao 217 phiếu thuận và 215 phiếu chống, Hạ viện Mỹ đã thông qua dự luật liên quan do phe Cộng hòa đề xuất.

Phản ứng với động thái trên, Nhà Trắng cùng ngày ra tuyên bố nêu rõ dự luật mới “không có cơ hội trở thành luật."

Người phát ngôn Nhà Trắng Karine Jean-Pierre khẳng định Tổng thống Biden sẽ không bao giờ buộc các hộ gia đình thuộc tầng lớp trung lưu và người lao động phải chịu gánh nặng từ việc giảm thuế cho người giàu như dự luật trên đề xuất.

Tổng thống Joe Biden kiên quyết khẳng định sự cần thiết phải tăng giới hạn vay nợ của quốc gia, tuy nhiên tuyên bố sẽ không đàm phán với phe Cộng hòa về biện pháp cắt giảm chi tiêu để ngăn chặn nguy cơ vỡ nợ quốc gia.

Phát biểu với báo giới, ông Biden nêu rõ: “Tôi rất vui được gặp (Chủ tịch Hạ viện Kevin) McCarthy nhưng không bàn về khả năng liệu giới hạn nợ có được mở rộng hay không. Điều đó không thể thương lượng."

Chính phủ Mỹ dự kiến đạt đến giới hạn nợ trong vòng vài tuần tới, làm tăng nguy cơ vỡ nợ của nền kinh tế lớn nhất thế giới và gây ra một cơn bão trên thị trường toàn cầu.

Theo bộ phận nghiên cứu Moody's Analytics thuộc hãng xếp hạng tín nhiệm Moody's, kế hoạch mà Chủ tịch Hạ viện McCarthy đề xuất trong việc nâng trần nợ với điều kiện cắt giảm chi tiêu của chính phủ sẽ làm chậm tăng trưởng và làm mất việc làm.

Ông Biden cho rằng Quốc hội cần phải nâng trần nợ vô điều kiện, như ba lần dưới thời Tổng thống Mỹ Donald Trump. Ông Biden nhấn mạnh để xảy ra vỡ nợ sẽ là một hành động vô trách nhiệm.

Chính phủ Mỹ và giới tài chính Phố Wall đang hướng sự chú ý hạn chót sắp tới (chỉ vài tuần nữa), khi Bộ Tài chính Mỹ không còn khả năng thanh toán tất cả các hóa đơn, gây ra tình trạng vỡ nợ làm rung chuyển nền kinh tế toàn cầu.

[Mỹ: Chi phí bảo hiểm rủi ro tăng mạnh do khủng hoảng trần nợ công]

Theo các nhà phân tích, Quốc hội Mỹ khó có thể nâng trần nợ trước thời điểm hạn chót nếu các thành viên đảng Cộng hòa tại Hạ viện không thể thống nhất về một đề xuất.

Lần bế tắc kéo dài gần đây nhất về giới hạn trần nợ diễn ra vào năm 2011, dẫn đến việc hạ xếp hạng tín dụng của Mỹ, làm rung chuyển thị trường tài chính và làm tăng chi phí đi vay.

Ngày 25/4, Bộ trưởng Tài chính Mỹ Janet Yellen đã cảnh báo việc Quốc hội bế tắc trong nâng trần nợ của chính phủ sẽ gây ra một "thảm họa kinh tế" và khiến lãi suất tăng cao trong nhiều năm tới.

Theo bà Yellen, việc vỡ nợ sẽ đe dọa đến những tiến bộ về kinh tế mà Mỹ đã đạt được từ sau đại dịch COVID-19, dẫn đến mất việc làm, đẩy chi phí các khoản thanh toán hộ gia đình như vay thế chấp, vay mua ôtô và thẻ tín dụng tăng cao.

Các thị trường tài chính đang ngày càng lo ngại về tình trạng bế tắc trong vấn đề nâng trần nợ của chính phủ, khiến chi phí bảo hiểm nợ của Mỹ tăng lên mức cao nhất trong một thập niên, trong khi các nhà phân tích tài chính cảnh báo nguy cơ vỡ nợ ngày càng gia tăng./.

Thanh Phương (TTXVN/Vietnam+)