Rào cản lớn đối với những người mua nhà ở xã hội tại tỉnh Bình Dương

Việc chậm trễ trong giải ngân vay vốn mua nhà ở xã hội không chỉ ảnh hưởng đến người mua, mà còn làm chậm quá trình triển khai các dự án nhà ở xã hội trên toàn tỉnh Bình Dương.

Một dự án nhà ở xã hội. (Nguồn: TTXVN)

Bình Dương đang đẩy mạnh phát triển nhà ở xã hội nhằm đáp ứng nhu cầu nhà ở cho người lao động và công nhân nhưng tiến độ giải ngân vay vốn cho người mua nhà ở xã hội đang gặp rào cản lớn.

Dù có chính sách hỗ trợ mạnh mẽ, nhiều người mua nhà ở xã hội vẫn phải chờ đợi vì nguồn vốn, dẫn đến một nghịch lý giữa cung cầu nhà ở và khả năng tiếp cận tài chính.

Trong bối cảnh phát triển kinh tế nhanh chóng của tỉnh Bình Dương, việc phát triển nhà ở xã hội và giải quyết nhu cầu nhà ở cho người lao động, đặc biệt là công nhân, luôn là mục tiêu hàng đầu của chính quyền địa phương.

Ủy ban Nhân dân tỉnh Bình Dương đã ban hành kế hoạch thực hiện Đề án phát triển nhà ở xã hội và nhà ở công nhân giai đoạn 2024-2025 nhằm đẩy mạnh việc xây dựng các dự án nhà ở xã hội tại các khu vực như thành phố: Thủ Dầu Một, Thuận An, Dĩ An, Tân Uyên, Bến Cát và huyện Bắc Tân Uyên. Theo kế hoạch, toàn tỉnh sẽ xây dựng gần 50.000 căn nhà ở xã hội với tổng diện tích đất lên đến 142ha.

Mục tiêu của kế hoạch là tạo điều kiện thuận lợi cho người lao động có thu nhập thấp, đặc biệt là công nhân, dễ dàng tiếp cận nhà ở giá rẻ, phù hợp với khả năng tài chính. Tuy nhiên, dù chính sách phát triển nhà ở xã hội đã được triển khai, tình trạng chậm giải ngân vay vốn đang tạo ra một nghịch lý trong việc thực hiện mục tiêu này.

Anh Nguyễn Văn Tú, một khách hàng đang mua dự án nhà ở xã hội tại Bình Dương, cho biết anh đã đóng 20% giá trị căn hộ nhưng vẫn chưa nhận được giải ngân từ ngân hàng, khiến anh phải đối mặt với phí trễ hạn 2% từ dự án do Ngân hàng Chính sách Xã hội tỉnh Bình Dương chưa có nguồn tiền về để người dân được vay vốn.

Chuyện của anh Tú không phải là trường hợp duy nhất và nhiều khách hàng khác cũng gặp khó khăn tương tự trong quá trình mua nhà ở xã hội.

Ông Lưu Đình Thông, Giám đốc Ban quản lý dự án số 8 (Dự án nhà ở xã hội An Sinh) cho biết đến nay, công ty đã duyệt được 60 hồ sơ trên tổng số 456 căn hộ do hầu hết khách hàng đều muốn vay vốn thông qua Ngân hàng Chính sách Xã hội. Tuy nhiên, tiến độ giải ngân rất chậm và lượng vốn hiện tại chưa đáp ứng được nhu cầu. Tình hình kinh tế khó khăn khiến người mua nhà e ngại làm thủ tục vay, lo ngại không sắp xếp được tài chính để thanh toán đúng hạn.

Về phía Ngân hàng Chính sách Xã hội tỉnh Bình Dương, ông Võ Văn Đức, Giám đốc Ngân hàng Chính sách xã hội chi nhánh tỉnh Bình Dương cho hay Ủy ban Nhân dân tỉnh Bình Dương vừa mới phê duyệt chuyển 250 tỷ đồng cho vay nhà ở xã hội, tuy nhiên ngân hàng đang thực hiện các thủ tục cần thiết để nhận nguồn vốn này giải ngân, số tiền này chưa về ngân hàng.

Theo kế hoạch, ngân hàng sẽ giải ngân tổng cộng hơn 500 tỷ đồng. Nếu hết 250 tỷ đồng đầu tiên, Ủy ban Nhân dân tỉnh sẽ chỉ đạo chuyển tiếp vốn. Hiện nay, nhu cầu vay vốn của khách hàng là rất lớn, dự kiến một số nhà đầu tư dự án nhà ở xã hội cung cấp sẽ mở bán căn hộ trong thời gian tới cho khoảng 500 khách hàng, với số tiền khoảng 440 tỷ đồng.

Tuy nhiên, tốc độ giải ngân hiện tại vẫn chưa đáp ứng được mong đợi của người mua nhà, tạo ra một nghịch lý khi nguồn cung nhà ở xã hội đang phát triển nhưng khả năng tiếp cận vốn lại hạn chế. Điều này không chỉ gây khó khăn cho người lao động có nhu cầu mua nhà, mà còn ảnh hưởng đến kế hoạch phát triển nhà ở xã hội của tỉnh Bình Dương.

Một dự án nhà ở xã hội. (Nguồn: TTXVN)

Việc chậm trễ trong giải ngân vay vốn mua nhà ở xã hội không chỉ ảnh hưởng đến người mua, mà còn làm chậm quá trình triển khai các dự án nhà ở xã hội trên toàn tỉnh.

Trong khi tỉnh Bình Dương đặt mục tiêu xây dựng hàng nghìn căn nhà ở xã hội để phục vụ nhu cầu của người lao động, các rào cản về vốn và giải ngân đang làm chậm tiến độ và gây ra lo ngại về tính khả thi của các kế hoạch này.

Trong thời gian tới, ông Đức hy vọng sự chỉ đạo quyết liệt của Ủy ban Nhân dân tỉnh Bình Dương và sự phối hợp chặt chẽ giữa các sở, ban ngành liên quan cùng với Ngân hàng Chính sách Xã hội tỉnh sẽ là yếu tố quyết định trong việc tháo gỡ những nút thắt trong giải ngân, đảm bảo người lao động có thể tiếp cận nhà ở xã hội một cách dễ dàng và nhanh chóng hơn.

Việc điều chỉnh và đẩy nhanh nguồn vốn sẽ là chìa khóa giải quyết nghịch lý này và thúc đẩy sự phát triển bền vững của tỉnh Bình Dương./.