Tupperware nộp đơn phá sản do "thiếu kết nối với các khách hàng trẻ tuổi"
Tupperware đang gặp khó khăn trong việc cạnh tranh với các đối thủ, khi số lượng đại lý bán hàng giảm mạnh và thương hiệu này chưa có sự kết nối mạnh mẽ với người tiêu dùng trẻ tuổi.
Tập đoàn Tupperware Brands Corp. đã nộp đơn xin phá sản sau thời gian dài vật lộn với tình trạng sụt giảm doanh số và sự cạnh tranh ngày càng tăng.
Tupperware, doanh nghiệp đã niêm yết trên sàn chứng khoán, đã nộp đơn xin phá sản theo Chương 11 của Luật phá sản Mỹ, với tổng tài sản niêm yết từ 500 triệu đến 1 tỷ USD và nợ phải trả từ 1-10 tỷ USD.
Tupperware sẽ tìm kiếm sự chấp thuận của tòa án để tạo thuận lợi cho quá trình bán doanh nghiệp và tiếp tục hoạt động trong suốt thời gian phá sản.
Trong nhiều thập kỷ, Tupperware đã thống trị lĩnh vực lưu trữ thực phẩm. Tuy nhiên, kể từ năm 2020, hãng sản xuất đồ gia dụng này đã cảnh báo nguy cơ đối với khả năng duy trì hoạt động kinh doanh.
Tính đến tháng Sáu, Tupperware đã lên kế hoạch đóng cửa nhà máy duy nhất tại Mỹ và sa thải gần 150 nhân viên.
Việc nộp đơn phá sản tại Delaware của Tupperware diễn ra sau nhiều tháng đàm phán giữa Tupperware và các chủ nợ về cách quản lý khoản vay hơn 700 triệu USD. Các chủ nợ đã đồng ý tạo điều kiện cho tập đoàn này có thêm thời gian trả nợ, nhưng tình hình kinh doanh vẫn tiếp tục xấu đi.
Năm 1946, người sáng lập Tupperware, ông Earl Tupper, đã giới thiệu ra công chúng những hộp nhựa kín khí sử dụng trong tủ lạnh giúp bảo quản thực phẩm lâu hơn.
Các sản phẩm của thương hiệu này đã nhanh chóng lan rộng tại các gia đình Mỹ, chủ yếu thông qua các bữa tiệc bán hàng độc lập được tổ chức tại các ngôi nhà ở vùng ngoại ô.
Tuy nhiên, trong những năm gần đây công ty hơn 70 năm tuổi này đang gặp khó khăn trong việc cạnh tranh với các đối thủ, khi số lượng đại lý bán hàng giảm mạnh, khách hàng giảm mua sắm các sản phẩm gia dụng, và thương hiệu này chưa có sự kết nối mạnh mẽ với người tiêu dùng trẻ tuổi./.