Ra mắt cuốn Từ điển chủ đề Bồ Đào Nha-Việt Nam tại Hà Nội

Cuốn từ điển Bồ Đào Nha-Việt Nam góp phần tăng cường giao lưu, hiểu biết lẫn nhau về chính trị, kinh tế, văn hóa giữa Việt Nam với Brazil nói riêng và các nước nói tiếng Bồ Đào Nha nói chung.

Quang cảnh buổi họp nghiệm thu Dự án Từ điển Bồ-Việt. (Nguồn: Liên hiệp các Tổ chức Hữu nghị Việt Nam)

Ngày 6/9, tại Hà Nội, Hội Hữu nghị và Hợp tác Việt Nam-Brazil, thành viên của Liên hiệp các Tổ chức Hữu nghị Việt Nam đã tổ chức Lễ ra mắt cuốn Từ điển chủ đề Bồ Đào Nha-Việt Nam (từ điển Bồ-Việt).

Tham dự Lễ ra mắt có Đại sứ Nguyễn Phương Nga, Chủ tịch Liên hiệp các Tổ chức Hữu nghị Việt Nam; Đại sứ đặc mệnh toàn quyền Brazil tại Việt Nam, ông Marco Farani; ông Nguyễn Văn Lạng, Chủ tịch Hội Hữu nghị và Hợp tác Việt Nam-Brazil và đại diện Ban Tuyên giáo Trung ương, Bộ Ngoại giao, Bộ Nội vụ, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch… cùng đại diện các viện nghiên cứu, các doanh nghiệp, tổ chức chính trị-xã hội tại Việt Nam.

Phát biểu tại Lễ ra mắt, Phó Giáo sư, Tiến sỹ Vũ Kim Bảng, Trưởng ban soạn thảo, cho biết cuốn từ điển ra đời nhằm đáp ứng nhu cầu của nhiều người yêu mến và mong muốn tiếng Bồ Đào Nha được truyền bá và sử dụng rộng rãi ở Việt Nam.

Cuốn từ điển Bồ-Việt được biên soạn bằng ngữ liệu và phương pháp mới nhất, hướng tới mục đích vừa phục vụ cho việc học tập, giảng dạy tiếng Bồ Đào Nha tại Việt Nam, vừa giúp đỡ thiết thực cho người Việt Nam có nhu cầu làm việc, buôn bán, tham quan, du lịch… ở các quốc gia nói tiếng Bồ Đào Nha.

[Giới thiệu, quảng bá Từ điển Việt-Tây Ban Nha đầu tiên ở Việt Nam]

Ngoài ra, cuốn từ điển này cũng là cầu nối góp phần truyền bá văn hóa của các nước nói tiếng Bồ Đào Nha nói chung, văn hóa Bồ Đào Nha, Brazil nói riêng, tại Việt Nam.

Theo Ban Soạn thảo, cuốn Từ điển Bồ-Việt có cấu trúc gồm 3 phần: Phần 1 giới thiệu khái quát về đặc điểm ngữ âm, hình thái và cú pháp tiếng Bồ Đào Nha và Cộng đồng các quốc gia sử dụng tiếng Bồ Đào Nha trên phạm vi toàn thế giới. Phần này giúp cho người đọc có những kiến thức tổng quát nhất về những đặc điểm mang tính loại hình của tiếng Bồ Đào Nha, một ngôn ngữ thuộc nhánh Roman, ngữ hệ Ấn-Âu.

Mặt khác, người đọc cũng có được nét phác thảo về sự phân bố các quốc gia sử dụng tiếng Bồ Đào Nha ở các châu lục trên toàn thế giới.

Phần 2 của cuốn từ điển được biên soạn với 17 chủ đề giao tiếp liên quan đến các vấn đề cốt yếu nhất về thể chế chính trị, kinh tế-xã hội và đời sống văn hóa. Mỗi chủ đề có cấu trúc chặt chẽ, được sắp xếp theo các trật tự khoa học.

Các chủ đề được lựa chọn theo nguyên tắc dựa vào tính ứng dụng thiết thực đối với người sử dụng. Những người đi làm việc hoặc tham quan du lịch có thể vận dụng ngay chính những câu hội thoại, những từ và cụm tiếng Bồ Đào Nha trong mỗi chủ đề vào tình huống giao tiếp thực tế.

Nội dung chủ yếu trong Phần 3 là trình bày bảng Từ vựng cơ bản Bồ Đào Nha-Việt Nam với khoảng 15.000 đơn vị là từ, cụm từ thông dụng với các ví dụ cần thiết phù hợp với bối cảnh sử dụng, giúp cho người đọc có thể tra cứu và nắm được nghĩa của những từ cần thiết.

Theo đánh giá của Ban tổ chức, đây là cuốn từ điển được biên soạn công phu, có số lượng chủ đề phong phú, đa dạng, có cấu trúc mỗi chủ đề mạch lạc, mang tính ứng dụng cao và có phần từ vựng thuận lợi cho việc nghiên cứu.

Việc ra mắt cuốn từ điển này góp phần tăng cường giao lưu và hiểu biết lẫn nhau về chính trị, kinh tế, văn hóa giữa Việt Nam với Brazil nói riêng và các nước nói tiếng Bồ Đào Nha nói chung./.

(TTXVN/Vietnam+)