Kỷ niệm 20 năm lập Hội đồng Lý luận, Phê bình Văn học, Nghệ thuật TW
Gợi mở cụ thể để Hội đồng tổ chức hoạt động trong thời gian tới, ông Nguyễn Trọng Nghĩa đề nghị Hội đồng bám sát và thấu hiểu sâu sắc hơn nữa thực tiễn văn học, nghệ thuật đang vận động rất đa dạng.
Tối 5/9, tại Nhà hát lớn Hà Nội, Hội đồng Lý luận, Phê bình Văn học, Nghệ thuật Trung ương tổ chức trọng thể Lễ kỷ niệm 20 năm thành lập (10/9/2003-10/9/2023).
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, Thường trực Ban Bí thư Trương Thị Mai, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà gửi lẵng hoa chúc mừng.
Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương Nguyễn Trọng Nghĩa thay mặt Ban Bí thư dự, phát biểu chúc mừng và nêu định hướng nhiệm vụ cho Hội đồng những năm tới.
Trong diễn văn trình bày tại buổi Lễ, Phó Giáo sư-Tiến sỹ, nhà văn Nguyễn Thế Kỷ, Chủ tịch Hội đồng Lý luận, Phê bình Văn học, Nghệ thuật Trung ương nêu rõ trước diễn biến phức tạp của tình hình thế giới, những khó khăn của tình hình trong nước trong giai đoạn đầu của thời kỳ Đổi mới, tác động mạnh mẽ, nhiều chiều đến các tầng lớp nhân dân, trong đó có giới trí thức, văn nghệ sỹ, đồng thời để bảo vệ chủ nghĩa Marx-Lenin, tư tưởng Hồ Chí Minh, đường lối, quan điểm của Đảng, xử lý đúng đắn mối quan hệ giữa chính trị và văn nghệ; đấu tranh phản bác các quan điểm, luận điệu sai trái, thù địch, Ban Bí thư Trung ương Đảng (khóa IX) đã ban hành Quyết định số 81-QĐ/TW ngày 10/9/2003 thành lập Hội đồng Lý luận, Phê bình Văn học, Nghệ thuật Trung ương.
[Khẳng định vai trò Hội đồng lý luận, phê bình văn học, nghệ thuật TW]
“Đây là quyết định kịp thời, đúng đắn thể hiện sự nhạy bén, chủ động và sáng suốt của Đảng đối với lĩnh vực văn học, nghệ thuật được Đảng Cộng sản Việt Nam khẳng định là “bộ phận rất quan trọng và đặc biệt tinh tế của văn hóa,” ông Nguyễn Thế Kỷ nhấn mạnh.
Theo Quyết định số 210-QĐ/TW của Ban Bí thư, Hội đồng Lý luận, Phê bình Văn học, Nghệ thuật Trung ương có chức năng, nhiệm vụ là “Cơ quan tư vấn cho Đảng và Nhà nước về công tác lý luận, phê bình văn học, nghệ thuật,” nắm bắt, nghiên cứu, đánh giá tình hình lý luận, phê bình, sáng tác, xuất bản, quảng bá văn học, nghệ thuật; tổng kết thực tiễn, tham gia xây dựng, bổ sung và hoàn thiện quan điểm, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về văn học, nghệ thuật.
Theo Chủ tịch Hội đồng Lý luận, Phê bình Văn học, Nghệ thuật Trung ương, 20 năm qua, Hội đồng tập trung nghiên cứu lý luận, tổng kết thực tiễn, tư vấn giúp Đảng, Nhà nước xây dựng và lãnh đạo thực hiện nhiều nghị quyết, chính sách ở tầm chiến lược, vĩ mô về văn hóa, văn nghệ; tư vấn và hỗ trợ nhiều ban, bộ, ngành, địa phương, cơ quan, đơn vị trong công tác chỉ đạo, quản lý văn hóa, văn nghệ.
Hội đồng tổ chức nhiều cuộc hội thảo, tọa đàm, nghiên cứu khoa học, hoàn thành các đề án, đề tài khoa học cấp nhà nước và các cấp.
Hằng năm, Hội đồng tổ chức thẩm định và trao Tặng thưởng các tác giả có tác phẩm lý luận, phê bình văn học, nghệ thuật xuất sắc và hỗ trợ xuất bản cho các bản thảo sách có chất lượng cao.
Tính đến tháng 9/2023, có 248 tác phẩm đã được trao Tặng thưởng; có 147 bản thảo được hỗ trợ xuất bản thành sách chuyên khảo.
Phát biểu tại buổi Lễ, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương Nguyễn Trọng Nghĩa ghi nhận, biểu dương nỗ lực, sáng tạo và thành tích mà Hội đồng đạt được trong 20 năm qua.
Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương Nguyễn Trọng Nghĩa nhấn mạnh với 5 nhiệm kỳ hoạt động, Hội đồng Lý luận, Phê bình Văn học, Nghệ thuật Trung ương đã từng bước khẳng định được vai trò, uy tín trong đời sống văn học, nghệ thuật nước nhà; tập hợp, kết nối trí tuệ, tâm huyết của nhiều chuyên gia, nhà lý luận, phê bình, văn nghệ sỹ cả nước; hoàn thành tốt chức năng, nhiệm vụ được giao; góp phần định hướng và thúc đẩy sự phát triển nền văn học, nghệ thuật Việt Nam.
Về phương hướng hoạt động của Hội đồng trong thời gian tới, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương Nguyễn Trọng Nghĩa đề nghị Hội đồng tiếp tục nghiên cứu, quán triệt sâu sắc các chủ trương, đường lối của Đảng và các phát biểu của Tổng Bí thư về văn hóa, văn học, nghệ thuật; từ đó cụ thể hóa thành phương hướng, mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp công tác của Hội đồng trong thời gian tới.
Gợi mở cụ thể một số nội dung để Hội đồng tổ chức hoạt động trong thời gian tới, Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương Nguyễn Trọng Nghĩa đề nghị Hội đồng bám sát và thấu hiểu sâu sắc hơn nữa thực tiễn văn học, nghệ thuật đang vận động, phát triển đa dạng, phong phú; từ đó nâng cao khả năng phát hiện, dự báo, tổ chức nghiên cứu lý luận, tổng kết thực tiễn một cách khoa học và có hệ thống đối với những vấn đề lớn đang đặt ra. Tăng cường số lượng, gắn với nâng cao chất lượng báo cáo tư vấn cho Đảng, Nhà nước, nhất là tư vấn chuyên đề, chuyên sâu.
Hội đồng hợp tác, liên kết chặt chẽ hơn nữa với đội ngũ những người làm công tác lý luận, phê bình văn học, nghệ thuật, qua đó góp phần định hướng và nâng cao hiệu quả các hoạt động sáng tạo, quảng bá và tiếp nhận văn học, nghệ thuật. Mở rộng các diễn đàn học thuật, nâng cao tinh thần đối thoại, tranh luận thật sự dân chủ, nghiêm túc, trách nhiệm, nhằm nâng cao tính khoa học, tính chiến đấu, tính thuyết phục của công tác lý luận, phê bình.
Hội đồng cần tiếp tục xây dựng cơ chế và kế hoạch hợp tác quốc tế có hiệu quả trên lĩnh vực lý luận, phê bình văn học, nghệ thuật; phối hợp chặt chẽ với các cơ quan, đơn vị liên quan, chủ động tham gia tổng kết thực tiễn; sơ kết, tổng kết nghị quyết, chỉ thị, kết luận của Đảng trong lĩnh vực văn học, nghệ thuật.
Phát huy bài học kinh nghiệm qua 20 năm xây dựng và trưởng thành, Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương Nguyễn Trọng Nghĩa mong muốn Hội đồng tiếp tục xây dựng cơ quan Hội đồng ngày càng chuyên nghiệp, vững mạnh toàn diện, không ngừng đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác.
Tại buổi Lễ, Hội đồng Lý luận, Phê bình Văn học, Nghệ thuật Trung ương và Ban Biên tập Tạp chí Lý luận, Phê bình Văn học, Nghệ thuật chính thức khai trương Tạp chí điện tử với tên miền https://lyluanphebinh.vn, đánh dấu bước phát triển mới về nội dung, hình thức, công nghệ của Tạp chí, nối dài kênh thông tin, mở rộng diễn đàn nghiên cứu, trao đổi học thuật về văn học, nghệ thuật trên nền tảng số và kết nối Internet./.