Ra mắt cuốn sách “Tự sự Quảng Tây về tình hữu nghị Trung-Việt”
Cuốn sách thể hiện vị trí đặc biệt của Quảng Tây trong mối quan hệ hữu nghị truyền thống giữa Trung Quốc và Việt Nam, đồng thời cung cấp nguồn tài nguyên văn hóa, thúc đẩy giao lưu văn hóa Việt-Trung.
Theo phóng viên TTXVN tại Trung Quốc, lễ ra mắt cuốn sách “Tự sự Quảng Tây về tình hữu nghị Trung-Việt” vừa được tổ chức tại thành phố Nam Ninh, Khu Tự trị dân tộc Choang Quảng Tây (Trung Quốc).
Cuốn sách do Viện Khoa học Xã hội Quảng Tây biên soạn.
Giới thiệu về bối cảnh, nội dung chính cũng như giá trị học thuật của cuốn sách, nguyên Phó Viện trưởng Viện Khoa học Xã hội Quảng Tây Hoàng Tranh cho biết cuốn sách này mô tả một cách có hệ thống 4 sự kiện trong lịch sử hiện đại của Quảng Tây phản ánh tình hữu nghị giữa Trung Quốc và Việt Nam.
Cuốn sách tập trung vào những chủ đề chính như dấu chân của Chủ tịch Hồ Chí Minh ở Quảng Tây, trường học Việt Nam ở Quế Lâm, Bệnh viện hậu phương Quảng Tây trong Chiến tranh Việt Nam và “Đường mòn Hồ Chí Minh trên biển” bắt đầu từ Quảng Tây...
Cuốn sách cũng miêu tả chi tiết các hoạt động cách mạng của Chủ tịch Hồ Chí Minh ở Quế Lâm, Liễu Châu, cũng như tại các huyện ở biên giới Trung-Việt như Tịnh Tây, Long Châu, Nà Po từ năm 1938-1945.
Trong giai đoạn 1950-1965, Chủ tịch Hồ Chí Minh nhiều lần đến thăm Quảng Tây, gặp gỡ nhiều người dân địa phương và nhiệt tình truyền bá lịch sử hữu nghị Việt Nam-Trung Quốc.
Ngoài ra, cuốn sách còn cung cấp những tư liệu lịch sử ghi lại quá trình thành lập trường học Việt Nam tại Quảng Tây trong thời kỳ kháng chiến chống Pháp, sự hỗ trợ của các bệnh viện hậu phương Quảng Tây và việc vận chuyển khẩn cấp, bí mật các vật liệu cứu trợ cho Việt Nam qua “Đường mòn Hồ Chí Minh trên biển.”
Tất cả điều này đã phản ánh một cách sống động tình cảm sâu sắc giữa Chủ tịch Hồ Chí Minh và nhân dân Quảng Tây, được thiết lập trong cuộc đấu tranh cách mạng.
Là kết quả quan trọng đóng góp nhân dịp kỷ niệm 75 năm ngày thiết lập quan hệ ngoại giao Trung Quốc-Việt Nam và “Năm giao lưu nhân văn Trung Quốc-Việt Nam,” cuốn sách không chỉ chứng minh vị thế đặc biệt của Quảng Tây trong quan hệ hữu nghị truyền thống giữa Trung Quốc và Việt Nam, mà còn cung cấp các nguồn tài nguyên văn hóa và hỗ trợ học thuật, qua đó làm sâu sắc hơn sự giao lưu nhân văn Trung Quốc-Việt Nam, xây dựng một cộng đồng chia sẻ tương lai Trung Quốc-Việt Nam có ý nghĩa chiến lược.
Được biết, là một trong những Viện nghiên cứu khoa học đầu tiên tại Trung Quốc thực hiện nghiên cứu về ASEAN, Viện Khoa học xã hội Quảng Tây đã tham gia sâu rộng vào hoạt động nghiên cứu về ASEAN, đặc biệt là Việt Nam, và đã xây dựng được nền tảng nghiên cứu sâu rộng.
Trong nhiều năm qua, Viện Khoa học xã hội Quảng Tây đã tập trung nghiên cứu chủ đề chính “Lịch sử quan hệ hữu nghị Trung-Việt,” đưa ra một loạt kết quả nghiên cứu và liên tiếp cho ra mắt nhiều cuốn sách về thúc đẩy tình hữu nghị Trung-Việt như “Chủ tịch Hồ Chí Minh và Trung Quốc,” “Chủ tịch Hồ Chí Minh và Quảng Tây”…/.