Gìn giữ thang yơ, thang lâm... để bảo tồn hồn cốt dân tộc Chăm

Người Chăm trân trọng ngôi nhà của mình, bởi đây là nơi gìn giữ, tiếp nối truyền thống văn hóa gia đình, dòng tộc. Trong thời đại hiện nay, việc bảo tồn ngôi nhà Chăm đang là yêu cầu cấp thiết.

Nhà nghiên cứu văn hóa dân tộc Chăm Sử Văn Ngọc từng ví năm gian chính trong nhà người Chăm như năm ngón tay trên một bàn tay hoặc thể hiện cho ngũ hành, nếu thiếu một trong năm yếu tố này thì mọi vật trên thế gian này sẽ không tồn tại, cũng như thiếu một trong trong năm gian nhà thì một khuôn viên nhà Chăm không thể trọn vẹn, đủ đầy.

Người Chăm trân trọng ngôi nhà của mình, bởi đây là nơi gìn giữ, tiếp nối truyền thống văn hóa gia đình, dòng tộc. Trong thời đại hiện nay, việc bảo tồn ngôi nhà Chăm đang được các chủ thể văn hóa hết sức quan tâm.

Năm ngôi nhà của người Chăm

Mới đây, ông Đàng Chí Quyết (53 tuổi) Trưởng Ban Quản lý Khu Du lịch cộng đồng làng gốm Bàu Trúc, tỉnh Ninh Thuận đã dẫn một nhóm người Chăm đến tu sửa khu nhà Chăm truyền thống tại Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam, Hà Nội.

Chạm tay vào những tấm vách, hàng cột, ông Quyết xúc động như thấy lại ngôi nhà truyền thống của ông bà mình xưa kia. Đoàn người Chăm của ông Quyết đã tư vấn và hỗ trợ Bảo tàng tu sửa khu nhà Chăm với tất cả tâm huyết của những người muốn gìn giữ di sản dân tộc, bởi lẽ hiện nay ở Bàu Trúc không còn ngôi nhà Chăm nào đúng kiểu truyền thống như nhà Chăm tại Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam.

Nhóm người Chăm ở Làng gốm Bàu Trúc, Ninh Thuận biểu diễn nhạc cụ truyền thống. (Ảnh: Nam Dương/Vietnam+)

Theo ông Quyết, người Chăm theo chế độ mẫu hệ, con gái lấy chồng vẫn ở nhà bố mẹ đẻ. Chồng phải theo vợ về ở rể.

Trong đại gia đình mẫu hệ người Chăm, mỗi cặp vợ chồng có một ngôi nhà riêng, vì thế mỗi khuôn viên nhà ở truyền thống của người Chăm không chỉ có một ngôi nhà mà số lượng nhà trong khuôn viên phụ thuộc vào việc gia đình đó có mấy người phụ nữ đã kết hôn. Ngoài ra số lượng nhà trong khuôn viên còn phụ thuộc vào việc gia đình đó thuộc tầng lớp nào trong xã hội.

Về cơ bản, khuôn viên nhà người Chăm có năm ngôi nhà. Đầu tiên là nhà bếp (thang ging), nhà tục (thang yơ) dành cho đôi vợ chồng mới cưới ở. Đây là ngôi nhà quan trọng nhất của người Chăm vì mọi nghi lễ của gia đình (tang ma, cưới hỏi…) đều diễn ra nơi đây.

Tiếp đó là nhà ngang (thang lâm) là nơi bố mẹ và các anh chị em chưa vợ, chưa chồng ở. Sau nhà ngang là nhà song hay còn gọi là nhà kề (thang mư yâu). Đây là ngôi nhà mà vợ chồng người chị gái đầu sẽ ở khi cô em gái thứ hai lấy chồng, nhường lại ngôi nhà tục cho vợ chồng em gái.

Khách quốc tế tham quan nhà Chăm tại Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam. (Ảnh: Minh Thu/Vietnam+)

Cuối cùng là đến nhà cao (thang tông) là ngôi nhà dành cho người già, người có chức sắc. Đối với tầng lớp chức sắc quý tộc thì có thêm hai ngôi nhà nữa là nhà để công cụ cày bừa cuốc xẻng và nhà để cối xay, cối giã.

Một thành viên khác trong đoàn người Chăm là bà Châu Thị Tính, 56 tuổi, cho hay nguyên vật liệu để làm nhà truyền thống của người Chăm hầu hết được làm từ gỗ. Mái lợp bằng tranh. Mọi việc được tiến hành hết sức cầu kỳ và tỉ mỉ từ việc đóng cọc, chọn hàng rào để đánh dấu khuôn viên nhà.

Theo bà Tính, hiện nay, khuôn viên nhà ở của đồng bào Chăm đã có những biến đổi. Hầu hết bà con người Chăm bây giờ làm nhà theo điều kiện kinh tế, đơn giản hơn với các loại nhà xây bằng gạch, lợp mái tôn. Ở Ninh Thuận, cũng chỉ còn một vài gia đình lưu giữ lại được hai, ba ngôi nhà nhỏ truyền thống.

Bà Châu Thị Tính, 56 tuổi xúc động khi tham quan ngôi nhà Chăm tại Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam. (Ảnh: Minh Thu/Vietnam+)

Chia sẻ với phóng viên Báo Điện tử VietnamPlus, bà Tính cho hay nhiều năm nay người Chăm cũng hòa mình vào văn hóa của người Kinh, đón Tết Nguyên đán bằng cách quét dọn nhà cửa, đến thăm, chúc Tết nhau, duy chỉ không thực hiện các nghi lễ truyền thống như hai dịp Tết Chăm là Păng-Katê (diễn ra vào ngày 1/7 theo lịch Chăm, tức khoảng tháng 9 Dương lịch) và Păng-Chabư (ngày 16/9 theo lịch Chăm, tức vào khoảng tháng 2-3 Dương lịch).

Chia sẻ với phóng viên Báo Điện tử VietnamPlus, bà Tính cho hay nhiều năm nay người Chăm cũng hòa mình vào văn hóa của người Kinh, đón Tết Nguyên đán bằng cách quét dọn nhà cửa, đến thăm, chúc Tết nhau, duy chỉ không thực hiện các nghi lễ truyền thống như hai dịp Tết Chăm là Păng-Katê (diễn ra vào ngày 1/7 theo lịch Chăm, tức khoảng tháng 9 Dương lịch) và Păng-Chabư (ngày 16/9 theo lịch Chăm, tức vào khoảng tháng 2-3 Dương lịch).

Trăn trở việc bảo tồn di sản

Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam hiện lưu giữ một số nhà của đồng bào Chăm được dựng lại để khách tham quan tìm hiểu, cũng là gìn giữ nét văn hóa đặc trưng của người Chăm. Những ngôi nhà này đều là nhà ở của đồng bào Chăm tại Ninh Thuận.

Nhà thang lâm năm 2001 dựng tại đây là nhà của ông Dương Tấn Phát (thôn Trường Thọ, xã Phước Hậu, huyện Ninh Phước, tỉnh Ninh Thuận). Đến nay, ngôi nhà này đã trải qua hơn năm đời và là một trong bốn ngôi thang lâm có hơn 100 tuổi còn lại ở địa phương. Năm 2004, Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam cũng dựng nhà thang mư yâu là nhà của bà Nại Thị Của (thôn Hữu Đức, xã Phước Hữu, huyện Ninh Phước, tỉnh Ninh Thuận)…

Mới đây, Bảo tàng mời nhóm người Chăm từ Bàu Trúc, Ninh Thuận về để giới thiệu cho khách tham quan về đời sống, kiến trúc và nghệ thuật truyền thống của người Chăm. Nhóm người Chăm cũng hỗ trợ Bảo tàng tu sửa những ngôi nhà truyền thống.

Theo Tiến sỹ Bùi Ngọc Quang, Phó Giám đốc phụ trách Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam, để có thể hoàn thành việc sửa chữa khuôn viên nhà Chăm truyền thống trong một tháng, Bảo tàng phải chuẩn bị mọi thứ từ đầu năm.

Một trong những vấn đề phức tạp là việc đặt mua cỏ tranh đạt chất lượng, phơi khô, vận chuyển đến chân công trình. Vậy là Bảo tàng đã thu gom từ các gia đình bà con ở khu vực biên giới Việt Nam-Lào, mỗi nhà một vài chục cân

Điều đáng nói hơn cả là kỹ thuật lợp mái, từ đan các lớp cỏ tranh đến ràng buộc các đầu mối của bộ khung mái nhà sao cho thật đều, đẹp là kỹ thuật truyền thống, đòi hỏi chính những người thợ lành nghề của dân tộc Chăm thực hiện.

Người thợ từ Làng gốm Bàu Trúc, tỉnh Ninh Thuận tham gia sửa nhà Chăm truyền thống tại Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam, tháng 12/2024. (Ảnh: VME)

“Quan điểm của Bảo tàng là việc tu sửa căn nhà truyền thống của tộc người nào phải do chính bà con thuộc tộc người đó thực hiện, như vậy, mới có thể làm tốt nhất về kỹ thuật cũng như phả vào đó tinh thần, hồn cốt cho ngôi nhà,” ông Quang cho biết.

Đóng góp ý kiến về vấn đề này, chuyên gia dân tộc học, Tiến sỹ Võ Quang Trọng cho rằng cần lưu giữ hình ảnh, dữ liệu của các hiện vật gốc cũng như kỹ thuật, tri thức của đồng bào để làm cơ sở tra cứu, vận dụng trong công tác trùng tu, bảo tồn.

Ông Trọng khẳng định việc bảo tồn di sản văn hóa không chỉ là lưu giữ những giá trị truyền thống mà còn là một quá trình sáng tạo, đòi hỏi sự đồng hành của các bên liên quan để dòng chảy văn hóa Việt Nam luôn chảy mãi./.