Quảng Trị: Xây dựng cảng, kho bãi vận chuyển than đá từ Lào về Việt Nam
Hiện tại có 8 dự án đang xin chủ trương đầu tư xây dựng cảng, kho bãi tập kết và vận chuyển than đá từ Lào về Việt Nam qua Cửa khẩu Quốc tế La Lay.
Xây dựng cảng, kho bãi tập kết và vận chuyển than đá từ Lào về Việt Nam qua Cửa khẩu Quốc tế La Lay, huyện Đakrông, tỉnh Quảng Trị đang nhận được sự quan tâm đầu tư rất lớn của nhiều doanh nghiệp.
Nguyên nhân là do nhu cầu nhập khẩu than đá từ Lào về Việt Nam qua cửa khẩu này tăng đột biến thời gian qua và tiềm năng còn rất lớn.
Theo Sở Kế hoạch và Đầu tư Quảng Trị, hiện nay lượng than đá nhập khẩu từ Lào vào Việt Nam qua Cửa khẩu Quốc tế La Lay rất lớn, cao điểm lên tới 12.000 tấn/ngày với khoảng 500 lượt xe vận chuyển qua lại.
Khó khăn hiện nay là diện tích khu vực cửa khẩu hai bên Việt Nam-Lào đều không lớn, chưa có bãi tập kết hàng hóa, cơ sở hạ tầng đã xuống cấp nên thường xuyên xảy ra tình trạng ùn tắc kéo dài, tiềm ẩn nhiều rủi ro về an toàn giao thông, vệ sinh môi trường và ảnh hưởng lớn đến việc lưu thông qua lại tại khu vực cửa khẩu.
Tiềm năng xuất nhập khẩu than đá giữa hai nước Việt Nam-Lào qua cửa khẩu quốc tế này còn rất lớn, có thể đạt 500 triệu tấn trong vòng 50 năm tới.
Do đó nhiều nhà đầu tư đã và đang nghiên cứu, khảo sát và đề xuất thực hiện dự án đầu tư về cơ sở hạ tầng vận chuyển, kho bãi, sang hạ tải phương tiện cho mặt hàng than.
Ngoài ra, nhiều doanh nghiệp còn đề xuất các dự án về dịch vụ, cung ứng nhiên liệu cho người và phương tiện tại khu vực Cửa khẩu Quốc tế La Lay.
Hiện tại có 8 dự án đang xin chủ trương đầu tư xây dựng cảng, kho bãi tập kết và vận chuyển than từ Cửa khẩu Quốc tế La Lay.
Đáng chú ý là Dự án băng chuyền phục vụ vận chuyển than từ Lào về Việt Nam và kho bãi tập kết hàng hóa tại xã A Ngo, huyện Đakrông do Công ty Trách nhiệm Hữu hạn Nam Tiến đề xuất.
Dự án xây dựng băng chuyền dài 5,1km, công suất 6.000 tấn hàng/giờ; điểm đầu ở kho ngoại quan của Lào, điểm cuối tại thôn A Đeng, xã A Ngo, huyện Đakrông; hạng mục kho bãi có diện tích 15ha.
Ngày 5/1/2024, Chính phủ có Nghị quyết số 04/NQ-CP về việc đồng ý đoạn băng tải thuộc dự án xây dựng hệ thống băng tải vận chuyển than đá từ Lào về Việt Nam cắt qua đường biên giới Việt Nam-Lào (tại Cửa khẩu Quốc tế La Lay).
Sau Nghị quyết này của Chính phủ, Ủy ban Nhân dân tỉnh Quảng Trị đã yêu cầu nhà đầu tư đề xuất dự án là Công ty Trách nhiệm Hữu hạn Nam Tiến phối hợp với cơ quan liên quan bổ sung dự án vào các quy hoạch có liên quan, làm cơ sở chấp thuận chủ trương đầu tư.
Đối với dự án băng tải cắt qua đường biên giới Việt Nam-Lào, nhà đầu tư nghiên cứu phương án tách thành hai dự án độc lập gồm tại Lào và tại Việt Nam để thực hiện các thủ tục đầu tư theo quy định.
Trong số 8 dự án đang xin chủ trương đầu tư xây dựng cảng, kho bãi tập kết và vận chuyển than từ Lào về Việt Nam qua Cửa khẩu Quốc tế La Lay, Dự án xây dựng cảng chuyên dụng và băng tải vận chuyển than từ Cửa khẩu quốc tế La Lay đến cảng biển Mỹ Thủy, do Công ty Trách nhiệm Hữu hạn Đầu tư Central Capital đề xuất có quy mô lớn nhất.
Dự án này xây dựng cảng hàng rời chuyên dụng và hạ tầng cảng đáp ứng tiếp nhận tàu 50.000 tấn, công suất tiếp nhận 30 triệu tấn hàng/năm; xây dựng băng tải chở than đá từ Cửa khẩu Quốc tế La Lay về cảng biển Mỹ Thủy, công suất vận chuyển 30 triệu tấn hàng/năm.
Dự án dự kiến thực hiện trên địa bàn hai huyện Đakrông và Hải Lăng với tổng vốn đầu tư 7.500 tỷ đồng.
Để nâng cấp hạ tầng Cửa khẩu Quốc tế La Lay, giai đoạn từ năm 2021-2024, tỉnh Quảng Trị thực hiện Dự án san nền và hạ tầng kỹ thuật thiết yếu tại khu vực trung tâm của cửa khẩu quốc tế này với tổng vốn đầu tư 108 tỷ đồng; trong đó, vốn từ nguồn ngân sách Trung ương là 85 tỷ đồng, số vốn còn lại từ nguồn khác./.