Quảng Ninh: Tốc độ sản xuất nuôi trồng thủy sản đang phục hồi rất khả quan

Tại các vùng nuôi trồng thủy sản ở Quảng Ninh, hoạt động gia cố, đóng mới nhà bè, ô lồng bè, đóng lọc, thả giống... để tái phục hồi sau bão số 3 diễn ra rất sôi động trong thời gian qua.

Ngư dân thành phố Cẩm Phả thiệt hại hơn 6 tỉ đồng, đau xót khi nhìn bè cá song, dìa bị bão đánh vỡ, cá bị chết và trôi ra biển do bão số 3. (Ảnh: Thanh Vân/TTXVN)

Gần 3.000 cơ sở nuôi trồng thủy sản toàn tỉnh đã bị thiệt hại nặng nề sau bão số 3 vừa qua. Có hộ bị thiệt hại từ 30-70%, thậm chí nhiều hộ mất trắng do bão. Để khắc phục khó khăn, cùng với sự đồng hành hỗ trợ của tỉnh, địa phương, các cơ sở nuôi trồng trong tỉnh đang bắt tay vào khôi phục sản xuất.

Theo kịch bản tăng trưởng của ngành nông nghiệp tỉnh năm 2024, sản lượng thuỷ sản phấn đấu đạt và vượt 187.000 tấn. Tuy nhiên, cơn bão số 3 (Yagi) đổ bộ vào Quảng Ninh đầu tháng 9/2024 đã làm thiệt hại trên 43.000 tấn hải sản nuôi, trong đó có trên 21.000 tấn thuỷ sản tính trong kỳ thu hoạch.

Ông Nguyễn Sỹ Bính, Hợp tác xã nuôi trồng thủy sản Phất Cờ, tỉnh Quảng Ninh chia sẻ nhiều năm qua Hợp tác xã nuôi trồng thủy sản Phất Cờ đã tổ chức các mô hình nuôi biển, đạt doanh thu 28-32 tỷ/năm. Tuy nhiên, cơn bão số 3 vừa qua đã cướp đi tất cả, ước tính mỗi thành viên hợp tác xã thiệt hại 5-6 tỷ đồng, tất cả chỉ còn đống đổ nát, hỗn độn.

Cơn bão số 3 (Yagi) đổ bộ vào Quảng Ninh đầu tháng 9/2024 đã làm thiệt hại trên 43.000 tấn hải sản nuôi.

Trước thực trạng này, ngành nông nghiệp nói chung, lĩnh vực sản xuất thuỷ sản nói riêng đã đẩy mạnh những biện pháp sản xuất hiệu quả nhất để bù đắp thiếu hụt do thiên tai gây ra. Tại các vùng nuôi trồng thủy sản, hoạt động gia cố, đóng mới nhà bè, ô lồng bè, đóng lọc, thả giống... diễn ra rất sôi động.

Đánh giá mới đây của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Quảng Ninh cho thấy tốc độ tái sản xuất nuôi trồng thủy sản trên biển toàn tỉnh từ tháng 10/2024 đến nay rất khả quan. Ở những vùng bị ảnh hưởng nặng nề của bão, nhiều hộ dân đã nhanh chóng vượt khó, tiến hành thả giống tập trung, có hộ đầu tư lớn, bài bản, đồng bộ. Ở những vùng ít bị ảnh hưởng của bão đều duy trì sản xuất ổn định, bảo toàn số lượng thuỷ sản đang có, đồng thời mở rộng đầu tư sản xuất.

Các địa phương có biển đã triển khai chính sách hỗ trợ, khuyến khích người dân sản xuất khá hiệu quả. Việc tổ chức giao mặt nước biển giúp các hộ nuôi yên tâm sản xuất lâu dài bền vững, trong khi đó địa phương quản lý đúng quy hoạch và chiến lược phát triển, khắc phục được những tồn tại trong nuôi trồng thủy sản trên biển trước đây.

Các đơn vị chức năng, các mạnh thường quân cũng đã có sự hỗ trợ người dân bị thiệt hại do bão về tiền, phương tiện, thiết bị sản xuất, từ đó tiếp thêm sức mạnh, lòng quyết tâm cho ngư dân bám biển, người nuôi trồng thủy sản trên biển tiếp tục đầu tư cho biển và kỳ vọng vào những vụ sản xuất thắng lợi ở phía trước.

Thủy sản là lĩnh vực thế mạnh, có đóng góp quan trọng lên tới 50% trong cơ cấu ngành nông nghiệp của tỉnh Quảng Ninh. Do vậy cùng với sự nỗ lực vực dậy sản xuất của các cơ sở nuôi trồng thủy sản thì rất cần sự đồng hành của địa phương, các cấp, ngành về những cơ chế chính sách hỗ trợ để lĩnh vực thủy sản của Quảng Ninh sớm khôi phục, qua đó đóng góp vào sự phát triển chung của tỉnh.

Ông Nghiêm Xuân Cường, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Quảng Ninh khẳng định tỉnh Quảng Ninh sẽ luôn đồng hành, tạo dựng cơ chế chính sách, dành sự quan tâm đặc biệt cho phát triển bền vững khu vực nông nghiệp, nông dân, nông thôn của tỉnh.

Ông Nghiêm Xuân Cường, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Quảng Ninh.

Theo ông Nghiêm Xuân Cường, từ nay tới cuối năm, Ủy ban nhân dân tỉnh Quảng Ninh sẽ chỉ đạo các sở, ban, ngành địa phương tập trung khắc phục dứt điểm những thiệt hại do bão số 3 gây ra; hoàn thiện hồ sơ đối với các hộ đủ điều kiện để thực hiện hỗ trợ theo Nghị định số 02/2017/NĐ-CP ngày 09/01/2017 của Chính phủ về cơ chế, chính sách hỗ trợ sản xuất nông nghiệp để khôi phục sản xuất vùng bị thiệt hại do thiên tai, dịch bệnh; tiếp tục đề xuất với Ngân hàng Nhà nước Việt Nam xem xét ban hành các chính sách nâng mức cho vay không có tài sản đảm bảo, cho phép mở rộng đối tượng được hưởng chính sách khoanh nợ đối với các khoản nợ bị thiệt hại do bão gây ra.

Ủy ban nhân dân tỉnh Quảng Ninh giao Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì, hỗ trợ thúc đẩy nông dân khôi phục sản xuất, duy trì tăng trưởng của ngành nông nghiệp năm nay. Về lâu dài, tỉnh Quảng Ninh cũng sẽ tiếp tục nghiên cứu để ban hành những chính sách mới nhằm hỗ trợ, khuyến khích phát triển nông nghiệp bền vững./.