Quảng Ngãi: Giữ gìn, lan tỏa nghệ thuật dân ca bài chòi

Trước nguy cơ nghệ thuật bài chòi bị mai một, Quảng Ngãi tổ chức nhiều lớp tập huấn nhằm gắn kết những người cùng đam mê, góp phần gìn giữ, phát huy giá trị di sản văn hóa truyền thống của dân tộc.

Tiết mục biểu diễn của các thành viên sau khi tham gia tập huấn bài chòi. (Ảnh: Đinh Hương/TTXVN)

Trước nguy cơ nghệ thuật bài chòi bị mai một, tỉnh Quảng Ngãi đã vận động các nghệ nhân, những người đam mê loại hình nghệ thuật này để thành lập câu lạc bộ dân ca-bài chòi.

Tỉnh tổ chức nhiều lớp tập huấn nhằm gắn kết những người cùng đam mê, góp phần gìn giữ, phát huy giá trị di sản văn hóa truyền thống của dân tộc.

“Gắn kết” đam mê

Câu lạc bộ dân ca-bài chòi thuộc Trung tâm Văn hóa-Nghệ thuật tỉnh được thành lập vào tháng 9/2024 gồm 30 thành viên. Mỗi người một công việc, ngành nghề khác nhau nhưng có cùng đam mê, tâm huyết gìn giữ, phát huy nghệ thuật bài chòi.

Anh Tạ Văn Cương (37 tuổi), giáo viên Trường Tiểu học Lê Hồng Phong, thành phố Quảng Ngãi, là một hạt nhân trẻ nòng cốt của câu lạc bộ. Là giáo viên dạy môn Giáo dục thể chất nhưng có năng khiếu về văn nghệ nên anh thường xuyên tham gia các hoạt động văn hóa, văn nghệ tại địa phương.

Bản thân rất đam mê ca hát, đặc biệt là hát các làn điệu dân ca, bài chòi, do vậy, anh rất mừng khi trở thành thành viên của câu lạc bộ. Nơi đây có nhiều nghệ nhân am hiểu lĩnh vực bài chòi sẽ giúp anh trau dồi kinh nghiệm biểu diễn, thành thục các làn điệu để góp phần lan tỏa tới các bạn trẻ, đặc biệt là các em học sinh, anh Cương chia sẻ.

Quảng Ngãi hiện có 7 câu lạc bộ dân ca-bài chòi được thành lập dưới sự hỗ trợ của chính quyền, cùng nhiều đội, nhóm với khoảng 500 người tham gia. Trong đó có 1 nghệ nhân được Nhà nước phong tặng danh hiệu Nghệ nhân Nhân dân, 9 người được phong tặng danh hiệu Nghệ nhân Ưu tú.

Để nuôi dưỡng niềm đam mê bài chòi trong cộng đồng, ngành văn hóa thường xuyên tổ chức các lớp truyền dạy, câu lạc bộ sinh hoạt định kỳ và chương trình biểu diễn để tạo sân chơi.

Chủ nhiệm Câu lạc bộ Dân ca-Bài chòi thuộc Trung tâm Văn hóa-Nghệ thuật tỉnh, Nghệ nhân Ưu tú Trần Tám, cho biết đơn vị thường xuyên tổ chức nhiều lớp tập huấn, truyền dạy kỹ năng hô hát bài chòi; lồng ghép hội chơi bài chòi vào một số chương trình nghệ thuật của địa phương; đưa bài chòi vào truyền dạy tại một số trường học ở tỉnh. “Việc tập huấn hô, hát bài chòi sẽ tiếp động lực cho những người yêu bộ môn này có thêm niềm tin, nâng cao kỹ năng diễn xướng, nhất là thu hút các bạn trẻ, tạo thêm "hạt nhân" thực hành di sản bài chòi dân gian ở các địa phương,” ông Tám nhấn mạnh.

Khai thác phát triển du lịch

Đến Làng du lịch cộng đồng Gò Cỏ, phường Phổ Thạnh, thị xã Đức Phổ, du khách sẽ được đắm mình vào những làn điệu dân ca bài chòi mượt mà do các nghệ nhân biểu diễn.

Câu lạc bộ Bài chòi Gò Cỏ, phường Phổ Thạnh, thị xã Đức Phổ, hát bài chòi phục vụ khách du lịch. (Ảnh: Đinh Hương/TTXVN)

Chị Vũ Hà, du khách đến từ Hà Nội, chia sẻ chị biết đến bài chòi qua các phương tiện thông tin nhưng đây là lần đầu được trải nghiệm thực tế. Quả thật môn này rất thú vị, chị không chỉ được nghe, thấy, mà còn trực tiếp tham gia các trò chơi cùng nghệ nhân, nhận những món quà nhỏ nhưng ý nghĩa, gắn với bài chòi, đó là các thẻ bài.

Theo đuổi bài chòi từ thuở bé, bà Huỳnh Thị Thương, Chủ nhiệm Câu lạc bộ Bài chòi-hát hố làng Gò Cỏ thuộc lòng nhiều lời bài chòi do cha ông để lại, đặc biệt hơn, ông còn sáng tác gần 20 bài hát mới để phục vụ người dân và du khách. “Dù trải qua bao thăng trầm của cuộc sống, tình yêu với bài chòi vẫn luôn cháy trong trái tim của người dân Gò Cỏ. Nhờ đó, tại Gò Cỏ hiện nay không chỉ có người lớn mà còn nhiều cháu nhỏ 7-8 tuổi hát bài chòi rất chuyên nghiệp,” bà Thương cho hay.

Còn tại huyện Mộ Ðức, sau 5 năm thành lập, Câu lạc bộ Dân ca-Bài chòi huyện đã trở thành nơi gắn kết trên 50 thành viên. Huyện đã có định hướng đưa nghệ thuật hát dân ca, bài chòi, chơi bài chòi thành sản phẩm du lịch. Huyện chọn xây dựng địa điểm biểu diễn bài chòi tại Khu lưu niệm Thủ tướng Phạm Văn Đồng, ở xã Đức Tân.

Bà Phạm Thị Lượng, Chủ nhiệm Câu lạc bộ Bài chòi huyện Mộ Đức, cho hay dù được ngành Văn hóa và chính quyền địa phương hỗ trợ, tuy nhiên do mỗi thành viên Câu lạc bộ có một công việc khác nhau, nên việc phục vụ du khách chỉ mới ở quy mô nhỏ, rời rạc. Thời gian tới, câu lạc bộ sẽ được chia thành từng đội, nhóm nhỏ để luân phiên phục vụ du khách.

Để giữ gìn và phát huy loại hình đặc sắc của dân tộc, chính quyền và các thế hệ nghệ nhân, nghệ sĩ, nhà nghiên cứu đã cùng nhau nỗ lực khắc phục khó khăn, mang lại sức sống, sức lan tỏa mới cho bài chòi. “Một giải pháp để giữ gìn và phát huy giá trị di sản bài chòi là tổ chức các cuộc thi sáng tác, viết kịch bản bài chòi gắn với nhịp sống, hơi thở đương đại. Đồng thời, địa phương tổ chức các cuộc nói chuyện, lớp học bài chòi miễn phí cho đội ngũ hướng dẫn viên du lịch để khơi dậy niềm đam mê, ý thức học hỏi, nâng cao ý thức trách nhiệm của họ trong bảo tồn, phát huy giá trị to lớn của môn nghệ thuật này,” Nghệ nhân Ưu tú Trần Tám nói.

Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Quảng Ngãi Nguyễn Tiến Dũng cho biết, tỉnh đang thực hiện Đề án Bảo tồn và phát huy nghệ thuật bài chòi. Trong đó, tỉnh tập trung phát triển câu lạc bộ bài chòi ở các địa phương, gắn kết này với hoạt động du lịch. Việc này là cần thiết, nhằm đa dạng các sản phẩm du lịch, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội ở địa phương.

“Quảng Ngãi phấn đấu đến năm 2030, tại mỗi huyện, thị xã, thành phố đều có điểm trình diễn Nghệ thuật Bài chòi phục vụ nhân dân và khách du lịch; đồng thời, phấn đấu có 50% xã, phường, thị trấn, đồng bằng và hải đảo thành lập các Câu lạc bộ Bài chòi cấp xã,” ông Dũng nhấn mạnh./.