Quảng Ngãi đặt mục tiêu phát triển Trung tâm Lọc hóa dầu và Năng lượng quốc gia
Theo báo cáo của Ủy ban Nhân dân tỉnh Quảng Ngãi, hiện tỉnh đang phối hợp với Bộ Công Thương để xây dựng đề án Trung tâm Lọc hóa dầu và Năng lượng Quốc gia tại Khu kinh tế Dung Quất.
Ngày 8/8, đoàn công tác của Bộ Công Thương do Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên làm trưởng đoàn đã làm việc với Ủy ban Nhân dân tỉnh Quảng Ngãi về tình hình sản xuất công nghiệp, thương mại; việc triển khai các quy hoạch ngành quốc gia trong lĩnh vực năng lượng, khoáng sản trên địa bàn tỉnh Quảng Ngãi.
Tại buổi làm việc, đại diện các tập đoàn, tổng công ty, các đơn vị thuộc Bộ Công Thương đã đánh giá kết quả thực hiện nhiệm vụ phát triển công nghiệp, định hướng thực hiện các nhiệm vụ quy hoạch ngành quốc gia trên trên lĩnh vực công thương trên địa bàn tỉnh.
Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên đề nghị Quảng Ngãi triển khai sớm đồng bộ các chủ trương chính sách của trung ương, nhất là các chính sách mới đất đai, cơ chế đột phá về mua bán điện; khẩn trương thực hiện các quy hoạch ngành, quốc gia, cơ cấu lại ngành kinh tế; trong đó chú trọng ngành công nghiệp lọc hóa dầu, luyện thép chất lượng cao, công nghiệp đóng tàu, đẩy mạnh phát triển các ngành công nghiệp địa phương (công nghiệp khai khoáng, vật liệu, phụ trợ) góp phần giải quyết lao động việc làm, khai thác tiềm năng lợi thế của địa phương.
Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên lưu ý Quảng Ngãi thực hiện đồng bộ cơ chế chính sách, áp dụng linh hoạt các mô hình đầu tư hiệu quả trong phát triển công nghiệp; xây dựng, phát triển Dung Quất trở thành Trung tâm Lọc hóa dầu và Năng lượng Quốc gia; chủ động thúc đẩy, hình thành mối liên kết giữa Khu kinh tế Dung Quất và Khu kinh tế Chu Lai trở thành trung tâm kinh tế biển, mạnh, đồng bộ, hiện đại về logistic kết nối thông suốt với các miền Trung và Tây Nguyên và các nước trong khu vực Đông Nam Á.
Báo cáo tại buổi làm việc, Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Quảng Ngãi Trần Phước Hiền cho biết trong 7 tháng năm 2024, GRDP của tỉnh Quảng Ngãi ước đạt 28.300,6 tỷ đồng, tăng 3,71% so với cùng kỳ năm 2023; trong đó, giá trị tăng thêm ngành công nghiệp ước đạt 8.090 tỷ đồng, tăng 0,6% so với cùng kỳ năm trước.
Tình hình sản xuất công nghiệp trên địa bàn tỉnh 7 tháng qua có nhiều dấu hiệu tích cực, đa số các ngành công nghiệp thuộc ngành công nghiệp chế biến, chế tạo đã hồi phục sản xuất; trong đó, có nhiều ngành tăng khá, ngành luyện thép tiếp tục là ngành góp phần lớn vào tăng trưởng chung của ngành công nghiệp tỉnh.
Tuy nhiên, chỉ số sản xuất công nghiệp của tỉnh giảm 4,32% so với cùng kỳ năm trước. Nguyên nhân là do Nhà máy lọc dầu Dung Quất dừng hoạt động thực hiện bảo dưỡng định kỳ tổng thể lần thứ 5.
Hiện nay, tỉnh Quảng Ngãi đang tập trung hỗ trợ nhà đầu tư đẩy nhanh tiến độ thực hiện các đề án, dự án có quy mô lớn, có tác động lan tỏa thu hút đầu tư và thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội; trong đó, tỉnh đẩy nhanh phối hợp với Bộ Công Thương xây dựng Đề án Trung tâm Lọc hóa dầu và Năng lượng Quốc gia tại Khu Kinh tế Dung Quất; phối hợp lập hồ sơ Báo cáo nghiên cứu khả thi Đối với các dự án Nhà máy điện Tuabin khí hỗn hợp Dung Quất I và Dự án Nhà máy điện Tuabin khí hỗn hợp Dung Quất III công suất 750MW/mỗi nhà máy (do Tập đoàn Điện lực Việt Nam làm chủ đầu tư đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định chủ trương đầu tư số 1460/QĐ-TTg và số 1461/QĐ-TTg ngày 25/10/2019).
Riêng đối với dự án Nhà máy điện Tuabin khí hỗn hợp Dung Quất II, do Sembcorp Utilities Pte Ltd (Singapore) làm chủ đầu tư theo hình thức BOT với công suất 750 MW, vốn đầu tư khoảng 793 triệu USD, sử dụng nhiên liệu khí từ mỏ khí Cá Voi Xanh.
Nhà đầu tư đã lập, trình báo cáo nghiên cứu khả thi và đã được Bộ Công Thương phê duyệt tại Quyết định số 4345/QĐ-BCT ngày 20/11/2018.
Hiện nay, nhà đầu tư đang phối hợp với Bộ Công Thương thực hiện các bước tiếp theo đối với dự án; trong đó, có việc ký hợp đồng dự án BOT theo quy định.
Cùng ngày, đoàn công tác của Bộ Công Thương cũng có buổi làm việc với Công ty cổ phần Lọc hóa dầu Bình Sơn./.