Sớm có hướng dẫn thi hành các Luật liên quan đến bất động sản
Theo Phó Chủ tịch UBND Hà Nội Dương Đức Tuấn, nguồn cung bất động sản ở Thủ đô còn tương đối khan hiếm, sản phẩm bất động sản nhà ở mới được chào bán chủ yếu là dự án đã được phê duyệt từ trước.
Để đáp ứng chỉ tiêu được giao tại Đề án "Đầu tư xây dựng ít nhất 1 triệu căn hộ nhà ở xã hội cho đối tượng thu nhập thấp, công nhân khu công nghiệp giai đoạn 2021-2030" của Chính phủ và triển khai đầu tư nhà ở xã hội sau năm 2030, Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội đã tập trung chỉ đạo lập, phê duyệt chủ trương đầu tư 4 dự án khu nhà ở xã hội độc lập (tập trung) với khoảng 1 triệu m2 sàn, làm cơ sở để tổ chức đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư.
Bên cạnh đó, Hà Nội đã rà soát, bổ sung khoảng 15 khu đất mới có quy mô lớn để đầu tư xây dựng các dự án khu nhà ở xã hội tập trung, đồng bộ hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội (khoảng 2.000 căn hộ); trong đó, tập trung bố trí 2-3 khu đất xây dựng nhà ở công nhân tại khu vực gần các khu công nghiệp.
Tuy nhiên, mới đây, qua cuộc giám sát của Đoàn giám sát Quốc hội về việc "Thực hiện chính sách, pháp luật về quản lý thị trường bất động sản và phát triển nhà ở xã hội từ năm 2015 đến hết năm 2023" tại thành phố Hà Nội cho thấy vẫn còn nhiều khó khăn, vướng mắc.
Cơ chế ưu đãi chưa thực sự hấp dẫn
Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội Dương Đức Tuấn cho biết nguồn cung bất động sản trên địa bàn Thủ đô còn tương đối khan hiếm, sản phẩm bất động sản nhà ở mới được chào bán chủ yếu là các dự án đã được phê duyệt từ giai đoạn trước.
Quy hoạch bố trí quỹ đất xây dựng nhà ở xã hội chưa đáp ứng được nhu cầu nhà ở xã hội rất lớn của người dân. Trong khi đó, các chỉ tiêu quy hoạch kiến trúc nhà ở xã hội tại các khu nhà ở xã hội tập trung rất thấp so với quy mô các dự án do bị khống chế về dân số.
Mặt khác, việc triển khai các dự án nhà ở công nhân còn chậm do cơ chế, chính sách ưu đãi chưa thực sự hấp dẫn, chưa thu hút doanh nghiệp và người dân tham gia đầu tư; trình tự, thủ tục lựa chọn chủ đầu tư theo hình thức đấu thầu mất nhiều thời gian…
Theo Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội Dương Đức Tuấn, giai đoạn 2015-2023, tốc độ tăng trưởng của hoạt động kinh doanh bất động sản trên địa bàn Hà Nội bình quân đạt khoảng 3,16%/năm. Lượng giao dịch trên thị trường chủ yếu vẫn từ các dự án nhà ở căn hộ trung và cao cấp, tập trung tại khu vực gần trung tâm, giao thông thuận tiện, đa dạng về tiện ích, thiết kế căn hộ linh hoạt, có tiến độ thanh toán hợp lý, chủ đầu tư có uy tín và có tiềm năng tăng giá trong tương lai.
Cụ thể, ở giai đoạn trên có khoảng 466 dự án đã hoàn thành với khoảng 29,3 triệu m2 sàn; 598 dự án đang triển khai, tương đương khoảng 106,6 triệu m2 sàn. Trong số đó có 30 dự án nhà ở xã hội đã hoàn thành với khoảng 1,66 triệu m2 sàn; 58 dự án đang triển khai với khoảng 4 triệu m2 sàn, 60.480 căn hộ và có 83 ô đất có tổng quy mô sử dụng đất khoảng 43,58ha tại 48 dự án nhà ở thương mại, khu đô thị phải dành quỹ đất 20%, 25% để xây dựng nhà ở xã hội theo quy định.
Qua thực tế giám sát tại một số dự án trên địa bàn quận Hoàng Mai, Chủ tịch Câu lạc bộ Bất động sản Hà Nội Nguyễn Hữu Cường cho hay Hà Nội cũng như cả nước đều gặp rào cản về các thủ tục, quy hoạch, lựa chọn nhà đầu tư, đầu tư cơ sở hạ tầng xung quanh các dự án, tiền sử dụng đất…
Đại diện Tập đoàn Bitexco, ông Nguyễn Viết Tạo kiến nghị thành phố xem xét giao Tập đoàn thực hiện dự án nhà ở xã hội tại Khu nhà đô thị Nam đường Vành đai 3 nhằm bảo đảm đồng bộ hạ tầng khu đô thị.
Giám đốc Công ty Đầu tư xây dựng số 2 - Hacinco thuộc Tổng Công ty Đầu tư và phát triển nhà Hà Nội Nguyễn Văn Thanh cũng đề nghị rút gọn các quy trình thủ tục đầu tư để đẩy nhanh tiến độ dự án nhà ở xã hội, giúp giảm bớt khó khăn cho doanh nghiệp, không để lãng phí quỹ đất sạch, đồng thời bình ổn thị trường nhà ở trên địa bàn…
Hiện nay, trên địa bàn quận có 17 dự án nhà ở, khu đô thị cùng với hàng loạt chung cư đã và đang được đầu tư xây dựng. Tính từ năm 2015 đến năm 2023, có 109 tòa chung cư được đưa vào sử dụng, đáp ứng phần nào nhu cầu về nhà ở cho người dân (gồm 87 tòa thương mại, 14 tòa tái định cư, 8 tòa nhà ở xã hội).
Đáng chú ý, riêng về nhà ở xã hội, trên địa bàn quận Hoàng Mai có 26 dự án; trong đó, có 3 dự án nhà ở xã hội đã hoàn thành với 91.183m2 sàn; 7 dự án nhà ở xã hội đang triển khai với 330.548m2 sàn; 1 ô đất đã giải phóng mặt bằng tại quỹ đất 20%, 25% thuộc các dự án nhà ở, khu đô thị với 138.054m2 sàn; 4 ô đất chưa giải phóng mặt bằng thuộc quỹ đất dành để xây dựng nhà ở tái định cư theo phương thức đặt hàng - nay không có nhu cầu, chuyển sang xây dựng nhà ở xã hội với 1.219.182m2 sàn.
Cũng theo báo cáo của quận Hoàng Mai, nguồn tiền thu được từ quỹ đất 20%, 25% gồm 1 dự án nhà ở thương mại đã nộp tiền hơn 37,4 tỷ đồng; 4 dự án nhà ở thương mại chưa nộp tiền gần 144 tỷ đồng; 6 dự án nhà ở thương mại phải thực hiện nộp tiền tương đương giá trị quỹ đất 20%, 25% để phát triển nhà ở xã hội nhưng chưa xác định số tiền phải nộp…
Sớm hoàn thiện các văn bản hướng dẫn thi hành Luật
Trước những vấn đề còn tồn tại trong quản lý thị trường bất động sản và phát triển nhà ở xã hội, thành phố Hà Nội đề nghị các bộ, ngành trong quá trình xây dựng các văn bản hướng dẫn thi hành Luật Đất đai, Luật Đấu thầu, Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh bất động sản…, có hướng dẫn cụ thể việc thực hiện chuyển tiếp đối với trường hợp các dự án đã được thành phố phê duyệt chủ trương đầu tư phục vụ đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư trên cơ sở Quy hoạch phân khu đô thị tỷ lệ 1/5.000.
Thành phố Hà Nội cũng đã kiến nghị ban hành quy định riêng rút ngắn trình tự, thủ tục, thời gian lựa chọn chủ đầu tư theo hình thức đấu thầu dự án xây dựng nhà ở xã hội. Đồng thời, ban hành cơ chế, chính sách ưu đãi nhà ở xã hội đối với chủ đầu tư, người dân và đẩy mạnh phát triển nhà ở xã hội cho thuê đầu tư bằng nguồn vốn ngân sách Nhà nước.
Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội Nguyễn Anh Quân kiến nghị tiến hành thí điểm một số nội dung trong Luật liên quan đến sử dụng quỹ đất, chuyển mục đích sử dụng đất và xử lý các vi phạm trong xây dựng nhà ở xã hội…
Đánh giá cao công tác lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành đồng bộ, kịp thời, có hiệu quả của Hà Nội nhằm phát triển thị trường bất động sản, nhà ở xã hội, Đoàn giám sát của Quốc hội đề nghị Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội bổ sung dự án bất động sản theo phương thức BT khi có khó khăn, vướng mắc; đề xuất trình tự, thủ tục lựa chọn chủ đầu tư dự án đầu tư xây dựng nhà ở xã hội theo hình thức đấu thầu nào có thể cắt giảm; việc sử dụng nguồn tiền thu được từ tiền đóng tiền sử dụng đất thay thế cho 20% quỹ đất trong các dự án nhà ở thương mại để phát triển nhà ở xã hội…
Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh, Trưởng Đoàn công tác số 1 của Đoàn giám sát cho biết Đoàn giám sát sẽ tổng hợp, ghi nhận và phản ánh đầy đủ trong báo cáo chung để báo cáo với Ủy ban Thường vụ Quốc hội tại phiên họp thường kỳ và báo cáo với Quốc hội tại Kỳ họp thứ 8 tới đây. Đồng thời, cũng đề nghị thành phố Hà Nội khẩn trương xây dựng, hoàn thiện các văn bản hướng dẫn thi hành được giao trong các Luật.
Cùng với đó, tập trung thực hiện hiệu quả kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội, Luật Thủ đô (sửa đổi); hoàn thiện 2 nhiệm vụ quy hoạch của Thủ đô nhằm tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho thị trường bất động sản và phát triển nhà ở xã hội hoặc báo cáo cấp có thẩm quyền xử lý.
Đối với kiến nghị của lãnh đạo Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội liên quan đến chính sách xã hội về nhà ở, thống nhất chỉ có một loại nhà (không phân biệt nhà ở xã hội và nhà ở thương mại) theo chất lượng của Bộ Xây dựng quy định để người dân được tiếp cận như nhau về chất lượng và dịch vụ, Bộ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Thanh Nghị cho rằng chất lượng nhà ở xã hội phải bảo đảm quy chuẩn chung về nhà chung cư do Bộ Xây dựng ban hành, được quy định tại Luật Nhà ở năm 2023 nhưng giá nhà ở xã hội thấp hơn từ ưu đãi thông qua các chính sách của Nhà nước./.