Quảng Ngãi: Cầu làm xong vẫn không thể thông xe do thiếu đường dẫn

Cầu Nước Bua, xã Sơn Bua, huyện Sơn Tây (gói thầu C4 dự án đường Đông Trường Sơn qua tỉnh Quảng Ngãi) đã hoàn thành thi công cầu chính 7 tháng nhưng vẫn không thể sử dụng do chưa có đường dẫn lên.

Cầu Nước Bua xã Sơn Bua, huyện Sơn Tây thuộc gói thầu C4 dự án đường Đông Trường Sơn qua Quảng Ngãi thay thế cầu cũ đã xuống cấp. (Ảnh: Phạm Cường/TTXVN)

Cầu Nước Bua, xã Sơn Bua, huyện Sơn Tây, thuộc gói thầu C4 dự án đường Đông Trường Sơn qua tỉnh Quảng Ngãi đã hoàn thành thi công hạng mục cầu chính 7 tháng nhưng người dân vẫn không thể lưu thông qua cầu do chậm trễ trong khâu giải phóng mặt bằng, bồi thường ở khu vực hai bên đường dẫn lên.

Theo đại diện Ban Quản lý Dự án 46 Bộ Tổng tham mưu thuộc Bộ Quốc phòng, đơn vị đã gửi công văn đến Ủy ban Nhân dân tỉnh Quảng Ngãi đề xuất giải quyết các vướng mắc tồn tại trong giải phóng mặt bằng dự án đường Đông Trường Sơn qua tỉnh.

Cụ thể, gói thầu C4 thi công cầu Nước Bua, thôn Mang He, đoạn Km144+944,28 có tổng vốn đầu tư hơn 35 tỷ đồng, do Ban Quản lý Dự án 46 làm chủ đầu tư. Diện tích giải phóng mặt bằng của dự án là 2,9ha; có 17 hộ dân và 1 tổ chức bị ảnh hưởng.

Gói thầu được Ủy ban Nhân dân tỉnh Quảng Ngãi phê duyệt tại Quyết định 1382 QĐ/UBND tháng 12/2021. Theo kế hoạch, Ban Quản lý Dự án 46 ký hợp đồng và giao cho Ủy ban nhân dân huyện Sơn Tây thực hiện giải phóng mặt bằng, thời gian bàn giao mặt bằng là 3 tháng sau khi dự án được phê duyệt kế hoạch sử dụng đất.

Thế nhưng, đến nay đã 23 tháng, phương án bồi thường, hỗ trợ thực hiện dự án vẫn chưa được phê duyệt. Từ tháng 3-11/2023, huyện Sơn Tây đã có 4 công văn thống nhất mốc thời gian hoàn thành công tác bồi thường, chỉ đạo bàn giao mặt bằng cho đơn vị thi công, niêm yết công khai phương án bồi thường nhưng đến nay hạng mục này vẫn còn nằm trên giấy. Do chưa được giải phóng mặt bằng hai đường lên cầu nên đơn vị không thể hoàn thiện cầu để đưa vào sử dụng.

Việc chậm trễ giải phóng mặt bằng cũng đã gây lãng phí nguồn vốn của Nhà nước đầu tư, ảnh hưởng đến việc lưu thông của người dân nhất là trong mùa mưa lũ, các hộ dân thuộc diện bị giải tỏa đền bù không thể cải tạo, sửa chữa khi nhà ở đã xuống cấp.

Phần chính cầu Nước Bua đã hoàn thành nhưng không thể lưu thông do đường dẫn lên cầu chưa được giải phóng mặt bằng. (Ảnh: Phạm Cường/TTXVN)

Đối với gói thầu số 24 làm kè và đường có chiều dài 300m với kinh phí hơn 7 tỷ đồng khắc phục vị trí sạt lở đường Đông Trường Sơn, đoạn Km156+890-Km156+970 qua xã Sơn Mùa, tổng diện tích giải phóng mặt bằng là 0,49ha, có 7 hộ dân và 1 tổ chức bị ảnh hưởng.

Gói thầu đã được Hội đồng giải phóng mặt bằng bàn giao tạm mặt bằng ngày 30/3/2023. Tuy nhiên, đến nay mới hoàn thành xong kiểm đếm khối lượng bồi thường, thông báo thu hồi đất, chưa công khai phương án bồi thường, hỗ trợ và tổ chức thẩm định trích lục các thửa đất.

Ngoài ra, huyện Sơn Tây vẫn chưa giải quyết các tồn đọng về thanh toán hoàn ứng chi phí giải phóng mặt bằng liên quan đến giá trị dư tạm ứng hơn 3,5 tỷ đồng. Việc chậm thanh toán hoàn ứng và chậm quyết toán kinh phí giải phóng mặt bằng là những nội dung còn tồn tại của dự án đã được Kiểm toán Nhà nước năm 2017, 2022 và Kho bạc nhà nước tỉnh chỉ ra, đề nghị giải quyết dứt điểm.

Theo lãnh đạo huyện Sơn Tây, nguyên nhân công tác đền bù giải phóng mặt bằng thi công dự án cầu Nước Bua và gói thầu 24 chậm do chưa giải quyết dứt điểm sai sót trong cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất của người dân. Về việc này, mới đây Ủy ban Nhân dân tỉnh đã có công văn yêu cầu huyện Sơn Tây khẩn trương rà soát giải quyết các tồn tại vướng mắc đối với các gói thầu do Ban Quản lý dự án 46 đang thực hiện trên đường Đông Trường Sơn; báo cáo kết quả thực hiện về Ủy ban nhân dân tỉnh Quảng Ngãi trước ngày 25/1 tới.

Trước đó, tháng 8/2023, TTXVN đã có bài viết “Gỡ vướng mặt bằng, đẩy nhanh thi công các điểm xung yếu trên đường Đông Trường Sơn” phản ánh đường Đông Trường Sơn qua tỉnh Quảng Ngãi có chiều dài 37km.

Gói thầu C4 (cầu Nước Bua) và gói thầu 24 là hai hạng mục cuối cùng trên tuyến Đông Trường Sơn qua Quảng Ngãi.

Chính quyền địa phương cần quyết liệt giải quyết những tồn tại, vướng mắc, hoàn thành phê duyệt phương án bồi thường, giải phóng mặt bằng để sớm thi công đường dẫn, đưa cầu Nước Bua vào sử dụng, giúp người dân qua lại được thuận tiện, an toàn, góp phần phát triển kinh tế, củng cố quốc phòng-an ninh địa phương./.