Dịch tả lợn châu Phi diện rộng ở Quảng Trị đã được khống chế

Đến nay trên địa bàn tỉnh chỉ còn 3 xã dịch tả lợn châu Phi chưa qua 21 ngày để công bố hết dịch gồm Gio Sơn, Gio Quang, huyện Gio Linh và Hải Lệ, thị xã Quảng Trị.

(Ảnh minh họa: Công Luật/TTXVN)

Ngày 12/1, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Quảng Trị Nguyễn Phú Quốc cho biết, dịch tả lợn châu Phi xảy ra trên địa bàn tỉnh đã được khống chế.

Dịch tả lợn châu Phi tái bùng phát ở Quảng Trị vào cuối tháng 10/2023 tại xã Triệu Tài, huyện Triệu Phong, sau đó lây lan ra nhiều địa phương trong tỉnh.

Triệu Phong là huyện bị ảnh hưởng nặng nhất tỉnh với 18/18 xã, thị trấn ghi nhận có dịch. Địa phương này có trên 1.900 con lợn mắc bệnh buộc tiêu hủy với tổng trọng lượng hơn 88 tấn.

Để dập dịch, huyện Triệu Phong đã quyết liệt triển khai nhiều giải pháp như: Lập các chốt kiểm soát trên những trục đường chính ra vào địa phương, tiêu độc khử trùng ổ dịch bằng hóa chất và vôi bột; nghiêm cấm vận chuyển lợn ở vùng có dịch đi nơi khác...

Ngày 11/1, Ủy ban Nhân dân huyện Triệu Phong đã ban hành quyết định công bố hết bệnh dịch tả lợn châu Phi; mọi hoạt động chăn nuôi, vận chuyển, giết mổ, buôn bán lợn, sản phẩm từ lợn trên địa bàn huyện được trở lại bình thường.

Dịch tả lợn châu Phi ở Quảng Trị lây lan trên diện rộng vào tháng 11 và 12/2023 với 28 xã, phường và thị trấn ở 7 huyện, thị gồm Triệu Phong, Đakrông, Hướng Hóa, Cam Lộ, Gio Linh, thị xã Quảng Trị và thành phố Đông Hà.

Đến nay trên địa bàn tỉnh chỉ còn 3 xã dịch tả lợn châu Phi chưa qua 21 ngày để công bố hết dịch gồm Gio Sơn, Gio Quang, huyện Gio Linh và Hải Lệ, thị xã Quảng Trị.

Theo lãnh đạo Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Quảng Trị, việc khống chế được dịch tả lợn châu Phi ngay trước Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024, giúp người chăn nuôi thuận lợi trong tiêu thụ lợn và các sản phẩm từ thịt lợn.

Để dập dịch tả lợn châu Phi, thời gian qua Ủy ban nhân dân tỉnh Quảng Trị đã yêu cầu các đơn vị chức năng, chính quyền địa phương huy động lực lượng từ các tổ chức, đoàn thể chủ động, kịp thời giám sát dịch trên đàn lợn đến từng hộ chăn nuôi, điểm buôn bán và vận chuyển lợn.

Các địa phương thực hiện đúng quy định về tiêu hủy lợn bị bệnh để hỗ trợ người chăn nuôi bị thiệt hại; hướng dẫn bà con vệ sinh, tiêu độc khử trùng chuồng trại và khu vực xung quanh; phát hiện, khống chế và xử lý triệt để lợn bị bệnh không để phát sinh ổ dịch mới.

Đầu tháng 12/2023, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn đã có quyết định xuất cấp 10.000 lít hóa chất Benkocid thuộc hàng dự trữ quốc gia cho tỉnh Quảng Trị để phòng, chống dịch tả lợn châu Phi./.