Quản lý xăng dầu: Tiến dần tới thị trường, cắt bỏ khâu trung gian

Ông Phan Văn Chinh cho biết các cơ quan chức năng kiến nghị Bộ Công Thương, Chính phủ có quy định đảm bảo quản lý xăng dầu tiến dần tới thị trường, cắt bỏ khâu trung gian.

Một điểm bán xăng của Petrolimex. (Ảnh: Đức Duy/Vietnam+)

Liên quan đến nội dung Dự thảo Nghị định thay thế các Nghị định về kinh doanh xăng dầu, ông Phan Văn Chinh, Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công Thương) cho hay về nội dung các thương nhân phân phối không mua hàng chéo của nhau, khi xây dựng Dự thảo Nghị định cơ quan soạn thảo đã cân nhắc rất kỹ.

Thông tin thêm tại buổi họp báo thường kỳ do Bộ Công Thương tổ chức chiều 23/10, tại Hà Nội, theo ông Phan Văn Chinh, qua thanh tra, kiểm tra và điều tra các cơ quan chức năng kiến nghị với Bộ Công Thương và Chính phủ có quy định đảm bảo cho quản lý xăng dầu tiến dần tới thị trường, cắt bỏ khâu trung gian, trên cơ sở ý kiến các bộ, ngành, Bộ Công Thương đã xây dựng Dự thảo Nghị định với nội dung như vậy.

Ngoài ra, trong quá trình xây dựng, Bộ Công Thương nhận được nhiều ý kiến của các doanh nghiệp nói chung và doanh nghiệp phân phối nói riêng, đó là việc không cho mua chéo vi phạm pháp luật, vì doanh nghiệp được làm những gì pháp luật không cấm. Tuy nhiên, đối với ngành nghề kinh doanh có điều kiện như xăng dầu thì doanh nghiệp phải đáp ứng các nội dung đó.

Lãnh đạo Vụ Thị trường trong nước cũng thông tin, trong chuỗi cung ứng xăng dầu có 3 cấp, bao gồm: Phân khúc về tạo nguồn (đầu mối); doanh nghiệp phân phối; doanh nghiệp bán lẻ.

Ông Phan Văn Chinh, Vụ trưởng Vụ thị trường trong nước (Bộ Công Thương) thông tin về dự thảo nghị định kinh doanh xăng dầu. (Ảnh: Đức Duy/Vietnam+)

Trong Nghị định số 80/2023/NĐ-CP của Chính phủ: Sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 95/2021/NĐ-CP và Nghị định số 83/2014/NĐ-CP của Chính phủ về kinh doanh xăng dầu, Chính phủ đã thông qua việc cắt bỏ bớt khâu trung gian như tổng đại lý và thực hiện quản lý theo chuỗi thẳng, chứ không đi ngang.

Về nội dung liên quan đến điều kiện, ông Chinh khẳng định, hoàn toàn không có sự phân biệt đối xử, vì điều kiện của nhà phân phối khác với điều kiện của đầu mối và nhà bán lẻ…

Đại diện Vụ thị trường trong nước thông tin thêm, trước đây, điểm mới của Nghị định xăng dầu chỉ cho mỗi một thương nhân mua từ một nguồn, sau đó tăng lên 3 nguồn và hiện nay không đặt vấn đề đó nữa, đồng thời đa dạng phân khúc bán lẻ.

“Ngay cả việc treo biển, trước đây quy định một đơn vị chỉ được treo 1 biển nhưng bây giờ không còn và trả lại dần cho thị trường, Bộ Công Thương đề xuất việc treo biển, sử dụng nhãn hiệu (logo) thì hai doanh nghiệp tự thỏa thuận với nhau theo đúng quy định của thị trường và Nhà nước không can thiệp vào việc treo biển như thế nào, treo biển của ai nữa, điều này đã có quy định trong luật quảng cáo và các nghị định liên quan,” ông Chinh nói./.