Trái cây đông lạnh - Tiềm năng mới cho xuất khẩu nông sản Việt Nam
Đại diện Cục Bảo vệ thực vật cho hay cấp đông sẽ là động lực mới cho xuất khẩu trái cây thời gian tới, các cơ sở đóng gói, vùng trồng, DN cần nắm rõ và tuân thủ các quy định của nước nhập khẩu.
Ngày 23/10, tại thành phố Cần Thơ, Cục Bảo vệ thực vật tổ chức tập huấn hướng dẫn quy định mới của nước nhập khẩu về yêu cầu vùng trồng và cơ sở đóng gói xuất khẩu sầu riêng đông lạnh và bưởi cho đại diện các chi cục trồng trọt và bảo vệ thực vật các tỉnh phía Nam, các vùng trồng, cơ sở đóng gói sầu riêng đông lạnh và bưởi.
Ngày 19/8/2024, Nghị định thư về xuất khẩu sầu riêng đông lạnh được ký kết giữa Việt Nam và Trung Quốc đã mở thêm cánh cửa mới đối với trái sầu riêng Việt Nam.
Tuy nhiên, khi kết thúc đàm phán, nước nhập khẩu sẽ có những yêu cầu, quy định có thể rất khác với cách thức mà nông dân, doanh nghiệp vẫn sản xuất để phục vụ tiêu thụ trong nước.
Vì thế, tại buổi tập huấn, đại diện Cục Bảo vệ thực vật đã phổ biến Nghị định thư xuất về yêu cầu kiểm dịch thực vật và an toàn thực phẩm đối với sầu riêng đông lạnh xuất khẩu từ Việt Nam sang Trung Quốc; hướng dẫn đăng ký doanh nghiệp xuất khẩu sầu riêng đông lạnh xuất khẩu sang Trung Quốc theo Lệnh 248 quy định Quản lý đăng ký doanh nghiệp sản xuất thực phẩm nước ngoài nhập khẩu.
Trung Quốc xếp sầu riêng đông lạnh và sầu riêng tươi vào 2 nhóm sản phẩm khác nhau. Sầu riêng tươi được quản lý theo cách thức hoa quả tươi, thực hiện quản lý mã số vùng trồng, cơ sở đóng gói và thực hiện theo Nghị định thư xuất khẩu sầu riêng tươi.
Do đó, phía Trung Quốc quan tâm cả khâu giám sát sinh vật gây hại từ vùng trồng cho đến các biện pháp kỹ thuật để loại bỏ sinh vật gây hại trong cơ sở đóng gói.
Còn sầu riêng đông lạnh được xem là thực phẩm, phía nước nhập khẩu có cách quản lý khác là theo quy định của Lệnh 248 về quy định Quản lý đăng ký doanh nghiệp sản xuất thực phẩm nước ngoài nhập khẩu và Lệnh 249 về biện pháp quản lý an toàn thực phẩm xuất nhập khẩu của Cục Hải quan Trung Quốc và thực hiện đăng ký cơ sở đóng gói, cơ sở sản xuất thực phẩm tại nước ngoài.
Đây là một hình thức quản lý khác hoàn toàn so với quản lý sầu riêng tươi.
Để sầu riêng đông lạnh xuất khẩu được sang Trung Quốc, ông Nguyễn Quang Hiếu, Phó Cục trưởng Cục Bảo vệ thực vật lưu ý, quy định chung, sầu riêng đông lạnh phải được cấp đông ở nhiệt độ -35 độ C, trong thời gian tối thiểu 1 giờ và sau đó phải được bảo quản lạnh trong suốt quá trình lưu kho, vận chuyển, xuất khẩu ở nhiệt độ -18 độ C.
Đây là những điều kiện kỹ thuật mà doanh nghiệp Việt Nam hoàn toàn có thể làm được và khả thi; đồng thời, khuyến khích các đơn vị đầu tư vào công nghệ mới để chất lượng sản phẩm tốt hơn.
Nhận định sầu riêng cấp đông xuất khẩu là động lực mới cho xuất khẩu trái cây thời gian tới, theo ông Nguyễn Quang Hiếu, để duy trì phát triển thị trường nhập khẩu trái cây đông lạnh thì các cơ sở đóng gói, vùng trồng, doanh nghiệp cần nắm rõ và tuân thủ các quy định của nước nhập khẩu.
Các nước nhập khẩu cũng có quy định riêng biệt đối với các sản phẩm khác nhau.
"Việc không tuân thủ quy định do chưa nắm bắt được hết những quy định có thể khiến các nước nhập khẩu gửi thông báo không tuân thủ. Sau đó, dẫn đến việc áp dụng các biện pháp cao hơn sẽ trực tiếp ảnh hưởng đến chi phí sản xuất của doanh nghiệp. Trong trường hợp bị vi phạm do không đáp ứng được quy định, các doanh nghiệp, vùng trồng, cơ sở đóng gói sẽ bị áp dụng các biện pháp bổ sung. Điều này sẽ ảnh hưởng đến sức cạnh tranh của sản phẩm Việt Nam," ông Hiếu nhấn mạnh.
Năm 2023, xuất khẩu sầu riêng của Việt Nam tăng trưởng rất ấn tượng khi vừa gia nhập thị trường xuất khẩu (năm 2022); trong đó, sầu riêng tươi đã đóng góp 40% giá trị xuất khẩu của toàn ngành rau quả tươi. Trong năm 2024, ngành nông nghiệp nhận định sầu riêng tươi xuất khẩu sẽ vượt con số 3 tỷ USD.
Tuy nhiên, các mặt hàng quả tươi bao giờ cũng có sản phẩm không đủ tiêu chuẩn để xuất khẩu tươi. Do đó, phải chuyển sang bóc múi hoặc cấp đông để xuất khẩu đông lạnh hoặc các dạng chế biến khác.
Sầu riêng đông lạnh sẽ là sản phẩm phụ trợ rất quan trọng trong ngành sầu riêng của Việt Nam. Vì thế, Việt Nam đã đàm phán xuất khẩu sầu riêng đông lạnh sang Trung Quốc.
Dịp này, Cục Bảo vệ thực vật cũng tập huấn phổ biến quy định của các thị trường đã mở cửa với quả bưởi Việt Nam (Hoa Kỳ, châu Âu, Hàn Quốc); cung cấp tiến độ đàm phán để các đơn vị, doanh nghiệp, cơ sở đóng gói, nông dân hình dung bức tranh tổng thể về sản phẩm quả bưởi ở hiện tại và trong tương lai (hướng đến xuất khẩu vào thị trường Trung Quốc, Nhật Bản, Australia).
Theo Phó Cục trưởng Cục Bảo vệ thực vật Nguyễn Quang Hiếu, mỗi nước nhập khẩu sẽ có 2 bộ quy định bắt buộc phải tuân thủ là: an toàn thực phẩm và kiểm dịch thực vật. Tuy nhiên, các nhà nhập khẩu cũng sẽ có những quy định riêng về tiêu chuẩn chất lượng để phù hợp với chiến lược kinh doanh của họ.
Đôi khi các quy định này sẽ khác so với cách làm truyền thống của nông dân đang sản xuất để tiêu thụ trong nước. Như quy định về kiểm soát sinh vật gây hại, ghi chép hồ sơ, sử dụng hóa chất…
Trong các chương trình tập huấn gần đây Cục Bảo vệ thực vật luôn đưa vào nội dung về lợi ích của việc tuân thủ quy định và hậu quả của việc không tuân thủ quy định của nước nhập khẩu, để các đơn vị xuất khẩu hiểu và phải có trách nhiệm với toàn ngành, tránh trường hợp 1-2 đơn vị không tuân thủ quy định dẫn đến nước nhập khẩu gửi thông báo vi phạm, gây ảnh hưởng đến toàn ngành.
Quả bưởi là sản phẩm ưu thế của các tỉnh phía Nam. Quả bưởi ở các nước thường sử dụng để ép nước hoặc sử dụng chế biến, trong khi đó Việt Nam bán quả bưởi để ăn tươi.
So với các đối thủ, bưởi Việt Nam có tính cạnh tranh cao (từ mùa vụ, sản lượng cho đến chất lượng sản phẩm) và được sự ưa thích của người tiêu dùng. Vì vậy, hồ sơ quả bưởi đã được khởi động xây dựng từ năm 2016 và đàm phán đi rất nhiều thị trường khác nhau, đưa sản phẩm này ra thị trường thế giới./.