Quận Hà Đông: Dải lụa mềm trải dài suốt hàng ngàn năm

Hà Đông nằm giữa giao điểm của Quốc lộ 6 từ Hà Nội đi Hòa Bình và quốc lộ 70A, cũng là nơi khởi đầu của quốc lộ 21B, nối trung tâm Hà Nội với các huyện phía Nam của Thủ đô và tỉnh Hà Nam, Ninh Bình.

Hà Đông là một quận thuộc thủ đô Hà Nội, cách trung tâm 11km về phía TâyQuận Hà Đông phía Bắc giáp quận Nam Từ Liêm và huyện Hoài Đức; Phía Nam giáp huyện Thanh Oai và huyện Chương Mỹ; Phía Đông giáp huyện Thanh Trì và quận Thanh Xuân; Phía Tây giáp huyện Hoài Đức và huyện Quốc Oai.

Lịch sử hình thành và phát triển

Hà Đông là vùng đất địa linh nhân kiệt trải từ sông Đáy đến sông Nhuệ. Xưa, làng Cầu Đơ thuộc huyện Thanh Oai, phủ Ứng Hòa nổi tiếng với cây cầu Đơ sơn trắng toát, mái ngói đỏ tươi bắc qua dòng sông Nhuệ xanh trong.

Năm 1831 vua Minh Mạng chọn vùng đất bao bọc bởi sông Đáy, sông Tô Lịch và sông Hồng để lập ra tỉnh Hà Nội, lấy thành Thăng Long làm tỉnh lỵ.

Năm 1888, tỉnh Hà Đông được thành lập, tỉnh lỵ đóng ở làng Cầu Đơ, nên lúc đó được gọi là tỉnh Cầu Đơ. Năm 1904, tỉnh Cầu Đơ đổi tên là tỉnh Hà Đông, tỉnh lỵ là thị xã Hà Đông. Năm 1965, hai tỉnh Hà Đông và Sơn Tây được sáp nhập lại thành tỉnh Hà Tây và thị xã Hà Đông trở thành tỉnh lỵ của tỉnh Hà Tây.

Ngày 27/12/2006, Chính phủ ra Nghị định số 155/2006/NĐ-CP thành lập thành phố Hà Đông thuộc tỉnh Hà Tây. Theo Nghị quyết của Quốc hội khóa XII, kỳ họp thứ 3, ngày 29/5/2008, từ ngày 1/8/2008, cùng với toàn bộ tỉnh Hà Tây, thành phố Hà Đông được nhập về thủ đô Hà Nội.

Ngày 8/5/2009, Chính phủ ra Nghị quyết số 19/NQ-CP về việc thành lập quận Hà Đông thuộc thành phố Hà Nội trên cơ sở toàn bộ 4.791,74 ha diện tích tự nhiên với 17 phường trực thuộc của quận Hà Đông là Hà Cầu, La Khê, Mộ Lao, Nguyễn Trãi, Phú La, Phúc La, Quang Trung, Vạn Phúc, Văn Quán, Yết Kiêu, Biên Giang, Dương Nội, Đồng Mai, Kiến Hưng, Phú Lãm, Phú Lương, Yên Nghĩa.

Hà Đông nằm giữa giao điểm của Quốc lộ 6 từ Hà Nội đi Hòa Bình và quốc lộ 70A. Hà Đông cũng là nơi khởi đầu của quốc lộ 21B, nối trung tâm Hà Nội với các huyện phía Nam của Thủ đô và tỉnh Hà Nam, tỉnh Ninh Bình.

Di tích - Danh thắng

Trên địa bàn quận Hà Đông có các di tích lịch sử như chùa Văn Quán, Bia Bà, chùa Trắng, đình La Khê, đình Cầu Đơ, chùa Ngòi...

Lụa Hà Đông.

Hà Đông có lịch sử lâu đời với nhiều sản vật phong phú, nhưng nổi tiếng nhất, được biết đến nhiều nhất, và được yêu thích nhất chính là lụa Vạn Phúc. Lụa Vạn Phúc là lụa sản xuất tại làng Vạn Phúc, người ta còn gọi là lụa Hà Đông.

Các sản phẩm lụa Hà Đông. (Ảnh: Minh Quyết/TTXVN)

Làng lụa Vạn Phúc, nay thuộc phường Vạn Phúc, quận Hà Đông, Hà Nội, là một trong những làng nghề lâu đời bậc nhất Việt Nam. Làng Vạn Phúc xưa là làng Việt cổ (Nhất thôn, nhất xã) có nghề dệt lụa nổi tiếng từ lâu đời (hơn 1000 năm).

Lụa Hà Đông đã đi vào ca dao, tục ngữ "The La, lụa Vạn, sồi Phùng" (the La Khê và lụa Vạn Phúc đều thuộc Hà Đông), lụa Hà Đông còn khiến người nghe phải đắm say với câu hát "Nắng Sài Gòn anh đi mà chợt mát, bởi vì em mặc áo lụa Hà Đông."

Lụa Vạn Phúc có đặc điểm mềm, mỏng, nhẹ, thoáng mát nhưng không rạn, nhăn; qua thời gian màu không phai, hoa văn vẫn sắc nét, sợi lụa không bị xê dịch. Bởi vậy, lụa Vạn Phúc xưa kia chỉ dành để may y phục cho vua chúa và các gia đình quan lại quyền quý.

Khoảng 20 năm đổ về trước, lụa Vạn Phúc là điểm đến ưa thích của cả người Hà Nội lẫn khách phương xa đến Hà Nội. Ngôi làng nhỏ yên bình nằm cách trung tâm Hà Nội hơn 10km, được trang trí bằng những tấm lụa dệt đủ màu sắc, những chiếc áo, chiếc khăn, chiếc túi đẹp đẽ, tinh xảo. Người ta có thể dễ dàng lựa chọn một sản phẩm nơi này như một món quà tặng sang trọng khi trở về.

Trải qua thời gian, đến nay làng Vạn Phúc còn rất ít người dệt lụa, cũng gần như không còn ai nuôi tằm lấy tơ. Những công đoạn sản xuất lụa cũng đã được cơ giới hóa rất nhiều.

Tuy nhiên, nếu dành thời gian đi vào từng ngõ ngách của ngôi làng nhỏ, ta vẫn có thể bắt gặp dải lụa nhiều màu sắc rực rỡ được phơi trên sân, những khung cửu, guồng quay tơ thủ công được những gia đình lâu đời lưu giữ lại, như muốn níu kéo lại một phần của lịch sử huy hoàng của cha ông xưa.

Hà Đông là quận có diện tích lớn nhất trong số 10 quận của Hà Nội. (Ảnh: Tuấn Anh/TTXVN)

Làng rèn Đa Sỹ

Cái tên Đa Sỹ được dùng cho tới ngày nay mang ý nghĩa là vùng đất khoa bảng với nhiều tiến sỹ. Làng Đa Sỹ là nơi sản sinh ra 11 tiến sỹ, 1 lưỡng quốc trạng nguyên được lưu danh trên văn bia Quốc Tử Giám.

Với trí tuệ, tài năng, người Đa Sỹ tạo nên những sản phẩm rèn nổi tiếng phục vụ đời sống nhân dân. Các sản phẩm rèn Đa Sỹ từ con dao, cái kéo đến những sản phẩm nông cụ phục vụ sản xuất nông nghiệp có mặt khắp mọi miền.

Năm 2001, làng rèn Đa Sỹ đã được cấp bằng công nhận làng nghề truyền thống, đền đáp cho những nỗ lực bền bỉ giữ lửa cho nghề suốt hàng trăm năm qua.

Làng dệt La Khê

Làng La Khê là một trong bảy làng La thuộc tổng La trước đây, nổi tiếng là làng Việt cổ trong "tứ quý danh hương Mỗ La Canh Cót."

Làng từ xa xưa đã nổi tiếng là vùng đất tằm tơ, dệt lụa. Ðất làng do phù sa sông Hồng, sông Ðáy, sông Nhuệ bồi đắp nên, vì vậy rất màu mỡ, thích hợp cho nghề trồng dâu, nuôi tằm, ươm tơ.

Các sản phẩm the, sa, vân, địa, quế, gấm vóc của La Khê nổi tiếng với những họa tiết, hoa văn tinh xảo. So với sồi, đũi, loại hàng the, sa mỏng, nhẹ hơn, nhưng lại rất bền và đẹp, được lựa chọn để may trang phục cho các tầng lớp quý tộc trong xã hội phong kiến xưa.

Sau năm 1954, nghề dệt the tạm lắng, cả làng La Khê quay sang dệt vải bông, khăn mặt, thảm đay theo kinh tế tập trung, phục vụ sinh hoạt trong thời chiến tranh. Năm 2002, Làng nghề được khôi phục, nhiều nghệ nhân đã mày mò tìm hiểu để giữ một nghề truyền thống của các bậc tiền nhân

Chùa Mậu Lương

Chùa Mậu Lương hay còn gọi là chùa Đại Bi tại phường Kiến Hưng, chùa tọa lạc trong khuôn viên có diện tích hơn 2.000m2, tổng thể mặt bằng kiến trúc bao gồm tam quan, chùa chính, đền thờ, nhà tế, nhà khách và nhà hậu, được phân bố theo hình chữ Chi.

Chùa có hệ thống tượng Phật bằng đất sơn son thếp vàng, niên đại sớm nhất là thế kỷ XVII. Chùa còn lưu giữ một số hoa văn điển hình và đặc trưng như phù điêu bia đời Cảnh Hưng với tên Đại Bi tự bi lục.

Trán bia phía trước chạm rồng, kiểu nghệ thuật thời nhà Mạc, điểm xuyết quanh rồng là hạt tròn nổi cùng những cụm mây. Trán bia phía sau chạm phượng chầu mặt trăng, hình thức chạm phóng khoáng mang nét dân gian, cánh phượng như cánh chim, cánh gà bình thường, tượng trưng cho sự phồn thực, dân dã.

Bia Bà

Nếu chùa Hà là nơi cầu duyên, phủ Tây Hồ là nơi cầu tài cầu danh thì Bia Bà được cho là nơi cầu lộc nổi tiếng đất Hà thành.

Bia Bà thờ Bà Đệ Nhị Cung Phi triều Mạc Thái Tông. Bà tên thật là Trần Thị Hiền - Hoàng phi của Vua Mạc Đăng Doanh. Lúc còn sống bà hay giúp đỡ người nghèo khó, hướng dẫn người dân cách làm ăn, mở mang nghề dệt... Trước khi mất bà trao lại toàn bộ ruộng vườn, tài sản cho nhân dân.

Năm Canh Tuất (1538) bà đã yên nghỉ tại cánh đồng Vang - nơi mảnh đất quê hương. Tương truyền bà rất linh thiêng, hay hiển linh tiếp tục giúp đỡ mọi người, nên tư đời này sang đời khác trải qua hơn 550 năm, nhân dân trong vùng vẫn luôn luôn thờ phụng bà với lòng thành kính nhất.

Nhớ ơn công đức của Đức Bà nhân dân đã lập đền thờ Bà tại cổng làng. Năm 1982 dân làng La Khê đã rước tấm Bia về khu di tích La Khê để thờ phụng.

Quận Hoàn Kiếm

Quận Ba Đình

Quận Đống Đa

Quận Hai Bà Trưng

Quận Tây Hồ

Quận Thanh Xuân

Quận Cầu Giấy

Quận Long Biên

Quận Hoàng Mai

(Vietnam+)