Giải thưởng Bùi Xuân Phái năm 2023: Vinh danh đạo diễn Đặng Nhật Minh
Từng giai đoạn của Hà Nội đã trở thành cảm hứng, đề tài cho phim của đạo diễn Đặng Nhật Minh, để rồi ông đã cho ra đời những thước phim khắc họa những biến thiên trong lịch sử Thủ đô.
Với những tác phẩm điện ảnh gắn liền với biến thiên lịch sử của Hà Nội như “Hà Nội mùa Đông năm 46,” “Mùa ổi,” “Hoa nhài,” đạo diễn Đặng Nhật Minh đã được Ban tổ chức Giải thưởng Bùi Xuân Phái-Vì tình yêu Hà Nội lần thứ 16-năm 2023 vinh danh ở hạng mục cao quý nhất: Giải thưởng Lớn-Vì tình yêu Hà Nội.
Lễ trao giải diễn ra chiều 5/10 tại Trung tâm Thông tấn Quốc gia, 5 Lý Thường Kiệt, Hà Nội.
'Hà Nội thân thương như ruột thịt'
Đạo diễn, Nghệ sỹ Nhân dân Đặng Nhật Minh sinh ra ở cố đô Huế. Hai năm sau Ngày Giải phóng Thủ đô, gia đình ông mới chuyển đến Hà Nội nhưng mảnh đất này đã chứng kiến sự trưởng thành và khơi gợi trong ông biết bao xúc cảm suốt hơn 60 năm qua.
Chia sẻ với phóng viên Báo Điện tử VietnamPlus, ông bày tỏ: “Hà Nội trong tôi là thứ không gì có thể thay thế được, dù đi đến chân trời góc biển nào.”
Với đạo diễn gạo cội, Hà Nội thân thương với ông như một người ruột thịt. Là người gốc Huế, nhưng chẳng khi nào ông phân chia trong mình có bao nhiêu phần Huế, bao nhiêu phần Hà Nội.
Ông khẳng định: “Hà Nội đã hình thành nên con người nghệ sỹ của tôi - một người làm điện ảnh đến được ngày hôm nay đều bởi Hà Nội.”
Hà Nội đã chứng kiến Đặng Nhật Minh trưởng thành. Nhưng Đặng Nhật Minh cũng cảm nhận được biết bao sự thay đổi của Hà Nội. Cứ thế, với những gắn bó và thấu hiểu, từng giai đoạn của Hà Nội đã trở thành cảm hứng, đề tài cho phim của Đặng Nhật Minh. Điển hình có thể kể tới chùm 3 phim “Hà Nội mùa Đông năm 46,” “Mùa ổi” và “Hoa nhài.”
Đó là Hà Nội của một thời "quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh" trong “Hà Nội mùa Đông năm 46.” Rồi một Hà Nội biến động của thời kỳ sau giải phóng Thủ đô cuối những năm 50, đầu những năm 60 của thế kỷ trước với công cuộc cải tạo nhà đất trong “Mùa ổi.” Đến “Hoa nhài,” đó là một Hà Nội đương đại, nơi tụ hội 4 phương đổ về sinh sống, làm ăn với đủ những phức tạp trong các mối quan hệ xã hội. Nhưng Hà Nội vẫn hiện lên đậm chất nhân văn, chứa đựng những yêu thương, đùm bọc giữa người với người, và trở thành nơi chốn nâng đỡ bao phận đời.
Nhìn lại những bộ phim về Hà Nội, đạo diễn Đặng Nhật Minh cho rằng đó là một duyên số.
"Tôi làm phim theo cảm xúc. Đúng nghĩa là thứ điện ảnh cảm xúc. Những cảm xúc của tôi vô tình gắn liền với những giai đoạn lịch sử quan trọng của Hà Nội. Tất cả đều đến một cách tự nhiên mà không có bất cứ toan tính hay cố tình nào," đạo diễn Đặng Nhật Minh chia sẻ.
Nhận Giải thưởng Lớn-Vì tình yêu Hà Nội, ông bày tỏ niềm vui và vinh dự vì đây là sự ghi nhận cho tình yêu đối với Thủ đô, được thể hiện trong những tác phẩm điện ảnh của ông.
Trong sự xúc động, ông đọc những câu thơ của nhân vật Giáo Khang trong phim “Bao giờ cho đến tháng Mười” do ông làm đạo diễn:
"Bao giờ cho đến tháng Mười
Lúa chín trên cánh đồng giông bão
Ta để lại sau lưng những ngày dài mong đợi
Những mất mát, hy sinh, chịu đựng, khổ đau
Khi trời thu vẫn xanh mãi trên đầu..."
Xây dựng nguồn lực văn hóa Hà Nội
Phát biểu tại lễ trao giải, bà Nguyễn Thị Sự, Phó Tổng Giám đốc Thông tấn xã Việt Nam cho rằng Giải thưởng năm nay đã bao quát được khá rộng rãi các lĩnh vực hoạt động của Hà Nội, để hình thành nên các hồ sơ đề cử dày dặn và thuyết phục cả về tính khoa học và thực tiễn nghệ thuật.
Theo nhà báo Nguyễn Thị Sự, trong Danh sách 11 đề cử của Giải thưởng, các đề cử có mặt ở nhiều lĩnh vực, từ điện ảnh, văn học, nhiếp ảnh, đến kiến trúc, lễ hội du lịch và có cả đề cử ở lĩnh vực giáo dục có ý nghĩa rất lớn đối với hàng triệu học sinh Thủ đô, đó là đề xuất đưa môn “Hà Nội học” thành một môn học chính thức trong chương trình giáo dục phổ thông trên địa bàn.
“Mỗi đề cử của Giải thưởng đều gắn với sự kiện, nhân vật, hoạt động cụ thể và đã được nhiều phương tiện thông tin đại chúng của Thông tấn xã Việt Nam và các báo, đài trên cả nước, cũng như các mạng xã hội đưa tin, phản ánh, bình luận, chia sẻ từ nhiều góc độ khác nhau nhưng khi tiếp cận dưới góc độ ‘Vì tình yêu Hà Nội,’ chúng ta có thể khám phá thêm những tầng sâu ý nghĩa bên trong các tác phẩm, ý tưởng, việc làm này,” bà Sự nói.
Bà cho rằng qua từng năm, Giải thưởng đã đóng góp rất thiết thực vào việc xây dựng nguồn lực văn hóa và con người cho Hà Nội. Từ những phát hiện của Giải thưởng này sẽ có thêm những ứng viên tiềm năng cho danh hiệu Công dân Ưu tú Thủ đô.
Ông Hà Minh Hải, Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội cũng cho rằng Giải thưởng Bùi Xuân Phái-Vì tình yêu Hà Nội có ý nghĩa động viên, khích lệ các tác giả trong việc sáng tác các tác phẩm văn hóa, nghệ thuật; cổ động các hoạt động đẹp vì tình yêu Hà Nội.
“Thành phố luôn tin tưởng và mong muốn những sản phẩm văn hóa chất lượng, đặc sắc, độc đáo riêng có vì tình yêu Hà Nội của tác tác giả sẽ tiếp tục được lan tỏa hơn nữa, góp phần cụ thể hóa Nghị quyết số 09 của Thành ủy về phát triển công nghiệp văn hóa trên địa bàn Thủ đô, với mục tiêu phát huy tối đa nguồn lực văn hóa, con người, tạo nên sức mạnh nội sinh là động lực và nguồn lực quan trọng để phát triển Thủ đô xanh, thanh bình, thịnh vượng,” ông Hà Minh Hải chia sẻ.
Đại diện Hội đồng Giám khảo, nhà sử học Dương Trung Quốc cho rằng Giải thưởng năm nay diễn ra ở dấu mốc kỷ niệm 15 năm Thủ đô Hà Nội mở rộng địa giới hành chính (2008-2023). Trải qua 15 năm, các kỳ Giải thưởng ngày càng khẳng định uy tín và ý nghĩa quan trọng.
“Chúng ta có thể chọn ra những tác phẩm cụ thể, tôn vinh những cách làm cụ thể nhưng chứa đựng một điểm chung đó là tình yêu Hà Nội. Năm nào chúng tôi cũng thấy khó, vì những ý tưởng, việc làm làm đẹp cho Thủ đô có rất nhiều. Vấn đề là chọn làm sao để thuyết phục được mọi người,” ông Dương Trung Quốc nói.
Giải thưởng Bùi Xuân Phái-Vì tình yêu Hà Nội do Báo Thể thao và Văn hóa (Thông tấn xã Việt Nam) và gia đình cố họa sỹ Bùi Xuân Phái thành lập từ năm 2008, nhằm trao cho các tác giả, tác phẩm, ý tưởng, việc làm có giá trị khoa học, nghệ thuật cao, thấm đượm tình yêu Hà Nội./.