Chính phủ Pháp sẽ đồng hành với sự phát triển của Việt Nam
Trò chuyện với phóng viên VietnamPlus, tân Đại sứ Olivier Brochet khẳng định Việt Nam có vị trí đặc biệt trong trái tim người Pháp, Chính phủ Pháp sẽ đồng hành với sự phát triển của Việt Nam.
Một tuần sau khi trình Quốc thư lên Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng, tân Đại sứ Pháp đã dành thời gian trò chuyện với phóng viên Báo Điện tử VietnamPlus về tiềm năng phát triển mối quan hệ hai nước.
Với bề dày kinh nghiệm chuyên môn trong lĩnh vực văn hóa-giáo dục, ông khẳng định sẽ chú trọng vấn đề hợp tác văn hóa và giao lưu Nhân dân.
Vị trí đặc biệt trong tim người Pháp
- Thưa Đại sứ, ông đã đến Việt Nam được 3 tuần để bắt đầu nhiệm kỳ của mình. Ông có cảm nhận như thế nào về đất nước và con người Việt Nam?
Đại sứ Olivier Brochet: Dù mới đến Việt Nam nhưng tôi đã có dịp đi công tác ở Thành phố Hồ Chí Minh. Tôi cũng đã dành thời gian khám phá một số điểm đến nổi tiếng tại Việt Nam như Mai Châu, Pù Luông với tư cách là khách du lịch. Đó là những trải nghiệm tuyệt vời.
Tôi rất vinh dự khi nhận nhiệm vụ tại Việt Nam vào năm 2023, thời điểm ý nghĩa đánh dấu 50 năm quan hệ ngoại giao hai nước (13/4/1973-12/4/2023) và 10 năm xác lập quan hệ Đối tác Chiến lược (25/9/2013-25/9/2023). Việt Nam là đất nước có vị trí đặc biệt trong trái tim người Pháp.
Sắp tới, tôi có kế hoạch đến Hải Phòng và quay lại Thành phố Hồ Chí Minh để công tác. Đặc biệt, tôi sẽ tham dự một sự kiện lớn tại Huế vào cuối năm nay. Đó là một lễ hội nghệ thuật ánh sáng, đánh dấu kết thúc rực rỡ cho năm 2023 với hàng loạt các hoạt động kỷ niệm 50 năm quan hệ ngoại giao Việt Nam-Pháp. Các nghệ sỹ Pháp cũng sẽ có mặt tại Huế trong sự kiện này.
Trong nhiệm kỳ của mình, tôi rất mong muốn được khám phá nền văn hóa Việt Nam nhiều hơn.
- Là một chính trị gia có chuyên môn quản lý lĩnh vực văn hóa, giáo dục, ông đánh giá như thế nào về tình hình hợp tác văn hóa và giao lưu Nhân dân giữa Việt Nam và Pháp?
Đại sứ Olivier Brochet: Với cách tiếp cận tương đồng, bề dày văn hóa và sự độc đáo, Việt Nam và Pháp cùng chung niềm mong muốn bảo tồn bản sắc văn hóa của mình trong quá trình phát triển đất nước.
Pháp có quan điểm rõ ràng là quảng bá tính đa dạng thay vì chiều hướng đồng nhất các mô hình văn hóa. Chúng tôi coi văn hóa là môi trường để các đối tác gặp gỡ giao lưu, mở ra giá trị mới, mang tính xây dựng, vì một thế giới tốt đẹp hơn.
Hợp tác văn hóa giữa hai nước cho đến nay đã phát triển theo chiều sâu, nghĩa là bên cạnh việc phối hợp tổ chức các sự kiện thì hai nước đã có sự chuyển giao công nghệ, kỹ thuật, phương thức tổ chức. Đây sẽ là hướng đi tiếp theo cho hợp tác Việt Nam-Pháp trong lĩnh vực văn hóa.
[Photo Hanoi’23: Quảng bá nhiếp ảnh Việt Nam trên thị trường thế giới]
Tôi xin lấy hai ví dụ là Festival Huế và liên hoan nhiếp ảnh Photo Hanoi’23 Biennale vừa diễn ra tại Hà Nội. Đây là hai sự kiện rất thành công, thu hút sự quan tâm của công chúng.
Với Festival Huế, ban đầu đây là một chương trình do Pháp hợp tác xây dựng. Giờ đây, tỉnh Thừa Thiên-Huế hoàn toàn chủ động tổ chức sự kiện này. Với Photo Hanoi, Viện Pháp sẽ cố gắng hết sức để hỗ trợ Hà Nội về chuyên môn kỹ thuật để sự kiện này không chỉ dừng lại trong khuôn khổ hợp tác giữa Pháp và Việt Nam mà là một sự kiện của Hà Nội với các đối tác quốc tế trong đó có Viện Pháp.
4 ưu tiên hợp tác
- Ông có đánh giá như thế nào về tiềm năng hợp tác giữa Việt Nam và Pháp trong thời gian tới?
Đại sứ Olivier Brochet: Mối quan hệ giữa Việt Nam và Pháp là tình hữu nghị rất đặc biệt. Người dân hai nước đã có mối quan hệ lâu đời, từng trải qua nhiều thăng trầm trong lịch sử, nhưng trong bất cứ giai đoạn nào, hai bên đều có mong muốn hiểu biết lẫn nhau.
Quan hệ hai nước đã mở rộng và đạt được nhiều thành tựu trên các lĩnh vực. Pháp hiện là nước đứng thứ hai Liên minh châu Âu (EU) về đầu tư vào Việt Nam, tạo ra 50.000 việc làm cho lao động địa phương.
Việt Nam cũng nằm trong số các quốc gia nhận được nhiều học bổng từ Pháp, có số lượng trường đạt chuẩn "FrancÉducation" hàng đầu châu Á.
Nhiều cơ chế hợp tác của Pháp đã hoạt động tích cực, đồng hành với những mục tiêu phát triển của Việt Nam. Cho đến nay, Cơ quan Phát triển Pháp (AFD) đã tài trợ khoảng 2 tỷ euro cho Việt Nam trên nhiều lĩnh vực. Bên cạnh đó, Viện Pháp tại Việt Nam cũng triển khai nhiều hoạt động văn hóa, giáo dục cho sinh viên.
Trong 30 năm qua, đã có hàng vạn sinh viên Việt Nam đã tới Pháp học tập. Các cơ quan nghiên cứu của Pháp cũng có nhiều hoạt động hợp tác với đối tác Việt Nam trong các lĩnh vực khoa học công nghệ, nông nghiệp, y tế. Các hoạt động này cũng góp phần tạo nên sợi dây kết nối ngày càng gắn bó giữa người Pháp và người Việt.
- Xin ông chia sẻ về những ưu tiên trong hợp tác giữa Việt Nam-Pháp trong nhiệm kỳ của mình?
Đại sứ Olivier Brochet: Chúng tôi có nhiều mục tiêu để Pháp đồng hành với sự phát triển của Việt Nam, cũng như đóng góp cho mối quan hệ hữu nghị đặc biệt giữa hai nước, tập trung vào 4 ưu tiên.
Thứ nhất là hỗ trợ Việt Nam ứng phó với những thách thức mang tính toàn cầu với trọng tâm là ứng phó với biến đổi khí hậu, hướng tới mục tiêu đạt phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050 như đã cam kết tại các hội nghị chống biến đổi khí hậu.
Thứ hai là hỗ trợ Việt Nam vừa phát triển kinh tế, vừa đáp ứng các tiêu chuẩn về xã hội, về pháp lý, về môi trường, trên cơ sở đó tận dụng được các khuôn khổ hợp tác mới như Hiệp định Thương mại tự do giữa Việt Nam và Liên minh châu Âu (EU).
Thứ ba là thúc đẩy hợp tác giữa doanh nghiệp hai nước, thúc đẩy các sản phẩm tốt nhất của Pháp tới Việt Nam.
Thứ tư là tăng cường hợp tác giữa hai nước trên trường quốc tế, duy trì và phát huy những giá trị hai bên cùng chia sẻ như tôn trọng luật pháp quốc tế, bảo vệ chủ quyền quốc gia.
- Xin trân trọng cảm ơn ông./.