Phú Yên: Chậm di dời công trình hạ tầng gây khó cho thi công cao tốc Bắc-Nam
Để đảm bảo yêu cầu tiến độ, Phú Yên đề nghị Bộ Giao thông Vận tải có ý kiến với Bộ Công Thương hỗ trợ các địa phương, chủ đầu tư để được ưu tiên sớm nguồn vật tư di dời đường dây điện cao thế.
Để thi công các dự án cao tốc Bắc-Nam, tỉnh Phú Yên đã nỗ lực lớn trong giải phóng mặt bằng liên quan đến hỗ trợ tái định cư của người dân.
Tuy nhiên, khối lượng và tiến độ di dời hạ tầng kỹ thuật (lưới điện) còn chậm dẫn đến khó khăn trong thi công và đảm bảo an toàn. Vị trí Km20+440 - Km20+680 dự án thành phần cao tốc Chí Thạnh-Vân Phong (qua thành phố Tuy Hòa) cần phải được di dời hạ tầng lưới điện nhưng đơn vị thi công mới thi công được 2 cột tạm (224T, 227T) đường dây 220kV; toàn bộ hệ thống lưới điện chưa được di dời.
Khu vực này có chiều dài 160m và đang được đơn vị thi công cao tốc là Công ty Cổ phần Tập đoàn Phúc Lộc xử lý nền đất yếu bằng cách khoan cọc đổ bêtông ximăng. Chiều cao của máy khoan cọc là 30m nhưng khoảng cách từ mặt đất lên đường dây điện phía trên là 17m nên rất khó khăn khi làm việc, nguy cơ mất an toàn.
Ông Bùi Văn Lanh, Chỉ huy trưởng công trình Công ty Cổ phần Tập đoàn Phúc Lộc, cho biết nếu không di dời được đường dây điện phía trên, việc thi công gặp rất nhiều trở ngại, phát sinh chi phí. Trong điều kiện bình thường với khối lượng như hiện nay, chỉ cần mất 2 tháng để thi công nhưng có thể phải kéo dài lên 3 tháng. Nhà thầu đã kiến nghị chủ đầu tư phối hợp với chính quyền địa phương đẩy nhanh tiến độ di dời đường dây điện để tạo thuận lợi cho thi công.
Theo Ban Quản lý Dự án 7 (chủ đầu tư dự án thành phần cao tốc Chí Thạnh-Vân Phong), toàn tuyến hiện còn 6 vị trí với 712m liên quan đến hạ tầng kỹ thuật chưa được giải phóng. Các vị trí này ảnh hưởng đến việc không thể thi công dầm, hệ thống mặt cầu (trụ T3, T4 huyện Tuy An); xử lý nền đất yếu và đắp đất gia tải (thành phố Tuy Hòa và thị xã Sông Cầu).
Nguyên nhân ảnh hưởng lớn nhất đến tiến độ di dời hệ thống điện 220kV, 110kV tại tỉnh Phú Yên được xác định là chậm cung ứng vật tư thiết bị điện, phụ kiện đường dây cao thế do phải nhập khẩu từ nước ngoài. Đến tháng Bảy này nhà thầu mới có đủ phụ kiện đường dây tại chân công trình để thi công nên ảnh hưởng lớn đến tiến độ di dời.
Ông Phạm Văn Tiến, Phó Giám đốc Sở Giao thông Vận tải tỉnh Phú Yên (cơ quan thường trực giải phóng mặt bằng dự án cao tốc), cho biết việc di dời hạ tầng kỹ thuật để thi công cao tốc đã có 2 địa phương hoàn thành; 4 địa phương còn lại khối lượng thi công đạt 60% giá trị hợp đồng. Đường dây trung, hạ thế cơ bản được di dời ra khỏi phạm vi thi công đường cao tốc.
Còn lại một số vị trí đường dây cao thế, nhà thầu đã thi công đạt 98/103 móng trụ và đang triển khai các bước tiếp theo để dựng trụ, kéo rải dây. Các đơn vị thi công đang quyết tâm hoàn trả lưới điện trong tháng Bảy này.
Để đảm bảo di dời các công trình hạ tầng kỹ thuật theo yêu cầu tiến độ đề ra, tỉnh Phú Yên đề nghị Bộ Giao thông Vận tải có ý kiến với Bộ Công Thương hỗ trợ các địa phương và các chủ đầu tư để được ưu tiên sớm có nguồn vật tư triển khai di dời đường dây điện cao thế.
Bên cạnh đó, các đơn vị quản lý truyền tải điện tạo điều kiện thuận lợi bố trí lịch cắt điện, thủ tục nghiệm thu đóng điện để đơn vị thi công hoàn trả lưới điện đáp ứng tiến độ yêu cầu. Đối với chủ đầu tư và các nhà thầu thi công cao tốc cần có giải pháp tháo gỡ khó khăn đưa toàn bộ mặt bằng vào thi công; nghiên cứu áp dụng giải pháp kỹ thuật phù hợp, cần thiết để rút ngắn tiến độ thi công theo yêu cầu đáp ứng về tiến độ, chất lượng./.