Vì sao điểm trung bình các môn thi tốt nghiệp ở Thành phố Hồ Chí Minh không cao?
Được đánh giá là đi đầu cả nước về chất lượng giáo dục nhưng TP Hồ Chí Minh lại không nằm trong Top 10 địa phương có điểm trung bình các môn thi tốt nghiệp THPT cao nhất.
Ngày 18/7, Sở Giáo dục và Đào tạo Thành phố Hồ Chí Minh tổ chức buổi họp thông tin về kết quả thi tốt nghiệp Trung học Phổ thông 2024 của thành phố.
Sau khi kết quả kỳ thi được Bộ Giáo dục và Đào tạo công bố ngày 17/7, có nhiều ý kiến trái chiều về việc thành phố không nằm trong Top 10 địa phương có điểm trung bình các môn thi cao nhất.
Thậm chí, xếp hạng thành phố năm nay giảm từ vị trí thứ 11 ở năm 2023 xuống vị trí 20. Trong khi đó, Thành phố Hồ Chí Minh luôn được đánh giá là địa phương đi đầu cả nước về chất lượng giáo dục cũng như đổi mới phương pháp dạy và học.
Trao đổi về vấn đề này, ông Nguyễn Văn Hiếu, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Thành phố Hồ Chí Minh, cho biết theo dữ liệu điểm thi Bộ công bố, phổ điểm các môn thuộc tổ hợp Khoa học Xã hội cao, các môn Lịch sử, Địa lý có nhiều điểm 10. Còn phổ điểm các môn trong tổ hợp Khoa học tự nhiên tương đương hoặc giảm so với năm ngoái.
Trong khi đó, tại Thành phố Hồ Chí Minh, số học sinh chọn thi Khoa học tự nhiên chiếm 60,85%, nhiều hơn Khoa học Xã hội. Do đó, kết quả chung bị giảm so với những địa phương có tỷ lệ học sinh chọn thi bài Khoa học Xã hội nhiều.
Hơn nữa, thực tế cho thấy hầu hết thí sinh đi thi với mục tiêu tuyển sinh đại học, các em chỉ tập trung vào một số môn nhất định theo định hướng xét tuyển. Nếu tính theo tổ hợp môn xét tuyển vào đại học như các khối A, A1, B, C thì điểm lại rất cao, đều trong nhóm đầu cả nước.
Mặt khác, theo ông Nguyễn Văn Hiếu, việc đổi mới phương pháp dạy-học theo hướng đánh giá phẩm chất và năng lực như Thành phố Hồ Chí Minh chắc chắn sẽ không phù hợp với đề thi trong các kỳ thi chung cả nước; nhất là việc thi theo hình thức trắc nghiệm chưa thể đánh giá hết năng lực, tư duy của thí sinh.
Dù vậy, thành phố vẫn luôn kiên trì định hướng đổi mới này, bởi việc học tập của học sinh không chỉ nhằm phục vụ một kỳ thi, năng lực, tư duy được hình thành trong quá trình đổi mới dạy và học sẽ góp phần giúp học sinh áp dụng vào giải quyết vấn đề thực tiễn trong cuộc sống.
Trong kỳ thi tốt nghiệp Trung học Phổ thông năm nay, Thành phố Hồ Chí Minh tiếp tục không có điểm 10 môn Ngữ văn. Điều này khiến dư luận băn khoăn về chất lượng dạy và học môn này chưa tốt hay do việc chấm thi quá chặt.
Ông Nguyễn Văn Hiếu, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo thành phố, cho rằng trong kỳ thi này, công tác chấm thi tại thành phố được thực hiện đúng theo yêu cầu của Bộ Giáo dục và Đào tạo, nghiêm túc, công bằng, không có chuyện chấm quá chặt. Mặt khác, việc thể hiện trọn vẹn ở môn Ngữ văn để đạt đến 10 điểm là cực kỳ khó, cả nước cũng chỉ có 2 học sinh đạt được điểm 10 ở môn này. Việc thành phố có không có điểm 10 môn Ngữ văn cũng không phải là vấn đề bất thường. Ở môn thi này, thành phố có 94,66% thí sinh đạt điểm trên trung bình, đây là tỷ lệ ổn định nhiều năm nay.
Liên quan đến sự cố giám thị ký nhầm chỗ trên giấy thi môn Ngữ văn làm ảnh hưởng đến thời gian làm bài của 22 thí sinh ở phòng thi 2500 điểm thi trường Trung học Phổ thông Nguyễn Du (quận 10), ông Nguyễn Văn Hiếu cho biết bài thi của các em đã được rà soát lại, xem xét các ý tưởng để đảm bảo quyền lợi cho các thí sinh.
Trong báo cáo gửi Ủy ban Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh sau khi sự việc xảy ra, Sở Giáo dục và Đào tạo thành phố cho biết đã chỉ đạo tổ chức kiểm điểm trách nhiệm đối với 2 cán bộ coi thi tại phòng thi và thực hiện kiểm điểm trách nhiệm đối với trưởng, phó điểm thi này.
Trong Kỳ thi tốt nghiệp Trung học Phổ thông năm 2024 diễn ra ngày 27-28/6 vừa qua, Thành phố Hồ Chí Minh có 162 điểm thi với hơn 84.000 thí sinh dự thi. Tỷ lệ đỗ tốt nghiệp Trung học Phổ thông của thành phố đạt 99,68%. Đây là năm thứ 8 liên tiếp Thành phố Hồ Chí Minh dẫn đầu về điểm trung bình môn Tiếng Anh với mức 6,73 điểm; môn Toán đứng thứ 4 với điểm trung bình 6,98./.