Phòng tuyến góp phần ngăn chặn tàu cá khai thác hải sản trái phép

Lực lượng chức năng tăng cường kiểm tra và xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm nhằm ngăn chặn, chấm dứt tình trạng tàu cá của ngư dân Việt Nam khai thác hải sản bất hợp pháp.

Lực lượng chức năng tuần tra, kiểm soát tàu cá trên biển. (Ảnh: TTXVN phát)

Cùng với 28 tỉnh, thành phố có biển, thời gian qua, các lực lượng chức năng, trong đó có Bộ đội Biên phòng đã và đang đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật cho ngư dân tuân thủ quy định về khai thác hải sản trên biển.

Lực lượng chức năng tăng cường kiểm tra và xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm nhằm ngăn chặn, chấm dứt tình trạng tàu cá của ngư dân Việt Nam khai thác hải sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định (IUU).

Đây là những biện pháp vì lợi ích lâu dài của người dân cũng như ngư dân trong khai thác thủy, hải sản bền vững...

Xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm

Thông qua quản lý, theo dõi phương tiện trên địa bàn quản lý qua hệ thống giám sát hành trình tàu cá, ngày 20/2, Đồn Biên phòng Thanh Hải (Bộ đội Biên phòng Bình Thuận) phát hiện một tàu cá mất kết nối giám sát hành trình (VMS) ở vùng biển thuộc tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu.

Nhanh chóng kiểm tra thông tin, đơn vị xác định tàu cá này mang số hiệu BTh 95573 TS do ông Nguyễn Tấn T (ở thành phố Phan Thiết, tỉnh Bình Thuận) làm chủ. Đơn vị liên lạc với chủ phương tiện để tìm hiểu ban đầu, đồng thời phối hợp với Chi cục Thủy sản tỉnh Bình Thuận thành lập tổ công tác trực tiếp xuống nhà ngư dân Nguyễn Tấn T và làm rõ, nguyên nhân mất kết nối VMS là do trục trặc kỹ thuật của thiết bị trong quá trình khai thác trên biển.

Sau khi được cán bộ Đồn Biên phòng Thanh Hải thông báo về tình trạng tàu cá bị mất kết nối VMS, ông Nguyễn Tấn T nhanh chóng liên hệ với thuyền trưởng đang điều khiển tàu cá của mình để tìm hiểu nguyên nhân, đồng thời thực hiện theo hướng dẫn của tổ công tác, liên hệ với nhà cung cấp thiết bị để khắc phục sự cố và kết nối lại vào hệ thống dữ liệu.

Theo thông tin từ Đồn Biên phòng Thanh Hải, việc trực theo dõi và quản lý hệ thống giám sát hành trình tàu cá được đơn vị thực hiện liên tục 24/7. Nhờ đó trong thời gian qua, không chỉ trường hợp phương tiện của ngư dân Nguyễn Tấn T mà nhiều trường hợp khác của ngư dân trên địa bàn mất kết nối với hệ thống đã được đơn vị phát hiện, nhanh chóng tổ chức xác minh, tìm hiểu nguyên nhân. Từ đó, hỗ trợ, kịp thời khắc phục sự cố đối với các trường hợp do lỗi kỹ thuật, cũng như xử lý nghiêm khắc hành vi vi phạm.

Ngày 28/2, tại âu neo đậu tàu thuyền cửa sông Hồng thuộc khu vực Cồn Vành, tỉnh Thái Bình, tổ tuần tra của Đồn Biên phòng Cửa Lân (Bộ đội Biên phòng Thái Bình) phát hiện 2 tàu cá của Nam Định không mua bảo hiểm thuyền viên; thuyền viên làm việc trên tàu cá không có tên trong sổ danh bạ thuyền viên. Đồn Biên phòng Cửa Lân đã hoàn chỉnh hồ sơ ra quyết định xử phạt 2 chủ tàu cá và 2 thuyền viên trên tàu cá do vi phạm hành chính trong lĩnh vực thủy sản; thu nộp ngân sách Nhà nước 20 triệu đồng.

Theo Bộ đội Biên phòng Thái Bình, trong đợt cao điểm chống khai thác hải sản bất hợp pháp trên biển kéo dài đến hết tháng 4/2024, đơn vị tiếp tục đề cao giải pháp tuyên truyền, vận động là trọng tâm, trọng điểm.

Bên cạnh đó, kiên quyết phát hiện, xử lý nghiêm các chủ tàu vi phạm quy định về khai thác IUU, không có “vùng cấm” nhằm nhanh chóng gỡ "thẻ vàng" của Ủy ban châu Âu (EC).

Bộ đội Biên phòng Bà Rịa - Vũng Tàu tuyên truyền chống khai thác hải sản trái phép cho ngư dân. (Ảnh: TTXVN phát)

Các trường hợp giám sát, phát hiện và xử lý nghiêm những trường hợp vi phạm ở vùng biển hai tỉnh Bình Thuận, Thái Bình nói trên nằm trong nỗ lực phòng, chống khai thác hải sản bất hợp pháp của lực lượng Bộ đội Biên phòng.

Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng triển khai đồng bộ các biện pháp, kế hoạch nghiệp vụ, xây dựng, sử dụng lực lượng, rà soát, phân loại, lập hồ sơ quản lý chặt chẽ các tàu vi phạm, nhóm tàu cá “nguy cơ cao” vi phạm vùng biển nước ngoài; phát hiện từ sớm các dấu hiệu, hành vi vi phạm IUU để kịp thời đấu tranh ngăn chặn, xử lý.

Chung tay tháo gỡ "thẻ vàng" IUU

Xác định thay đổi nhận thức của người dân được cho là có ý nghĩa quan trọng nhất trong công tác phòng, chống IUU, năm 2023, Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng đã phối hợp với địa phương, các lực lượng chức năng tuyên truyền được 11.583 lượt với gần 460.000 lượt ngư dân; qua tin nhắn, mạng zalo được 50 lượt đến 2.357 số thuê bao di động; qua hệ thống loa truyền thanh của địa phương và đơn vị 1.302 giờ. Ngoài ra, đã phát 26.583 tờ rơi, 7.095 cuốn tài liệu, đăng 426 lượt phóng sự, tin bài; treo 125 tấm baner; tham gia sinh hoạt, củng cố 143 tổ, đội tàu thuyền với 569 phương tiện và 3.156 thành viên...

Song hành với đó, Bộ đội Biên phòng phối hợp chặt chẽ với các lực lượng chức năng như Cảnh sát biển, Hải quân, Kiểm ngư, Công an, cùng các ngành chức năng tham mưu cho chính quyền địa phương kiểm tra, đôn đốc thực hiện nhiệm vụ chống khai thác IUU; đồng thời đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật, hình thành phòng tuyến phía trong để phòng ngừa, ngăn chặn ý định đưa tàu cá sang vùng biển nước ngoài khai thác hải sản trái phép.

Theo Đại tá Vũ Văn Hưng, Phó Tham mưu trưởng Bộ đội Biên phòng, hướng tới khai thác hải sản “bền vững, có trách nhiệm, có kiểm soát,” hiện nay Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng đang tăng cường công tác phối hợp chia sẻ, phối kiểm thông tin, tình hình với Hải quân, Cảnh sát biển, Kiểm ngư; kịp thời phát hiện, đấu tranh, xử lý các hành vi vi phạm theo quy định của pháp luật.

Bộ đội Biên phòng phối hợp địa phương và các ngành chức năng tổng kiểm tra, rà soát toàn bộ các tàu cá trên địa bàn là những tàu cá “3 không” (không đăng ký, không đăng kiểm, không cấp phép) cũng như tàu cá hoạt động trên địa bàn ngoài tỉnh, tàu cá chưa lắp thiết bị VMS...

Bộ đội Biên phòng thông báo cho Hải quân, Cảnh sát biển để phối hợp theo dõi, giám sát, phát hiện và xử lý nghiêm, triệt để đối với tàu cá “3 không”; kiên quyết xử lý vi phạm nhằm kịp thời răn đe, phòng ngừa vi phạm. Lực lượng cũng phối hợp với Công an, điều tra, xác minh và xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân, đường dây móc nối đưa tàu cá, ngư dân đi khai thác hải sản trái phép ở vùng biển nước ngoài.

(Ảnh: Huỳnh Anh/TTXVN)

Tại 28 tỉnh, thành phố ven biển, Bộ đội Biên phòng phối hợp với ngành Thủy sản, chính quyền các địa phương và các cơ quan chức năng thành lập và duy trì hoạt động của 3.188 tổ tàu thuyền với 23.154 tàu và 88.760 người; 400 tổ Bến bãi tự quản với 24.161 thành viên.

Đặc biệt, mới đây, Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng phối hợp với Tập đoàn Công nghiệp - Viễn thông Quân đội (Viettel) tổ chức đào tạo, hướng dẫn sử dụng phần mềm quản lý, kiểm soát tàu cá thuộc Dự án “Xây dựng phần mềm, mua sắm trang bị quản lý, kiểm soát tàu cá và nhắn tin truyền thông cho chủ tàu cá” cho các trạm kiểm soát biên phòng thuộc 28 tỉnh, thành ven biển.

Dự án nhằm góp phần đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ phòng, chống IUU với mục tiêu cán bộ giám sát có thể theo dõi tình trạng ra vào cảng của tàu thuyền, thông tin phương tiện, thuyền trưởng, thuyền viên, công cụ dụng cụ trên tàu.

“Kết quả của những nỗ lực này là tình trạng tàu cá ngư dân ta vi phạm vùng biển nước ngoài đã giảm dần hằng năm. Đặc biệt là việc vi phạm vùng biển các nước thuộc quốc đảo Thái Bình Dương như: Australia, Cộng hòa Palau, New Caledonia, Papua New Guinea đã chấm dứt từ năm 2018,” Đại tá Vũ Văn Hưng cho hay./.