Lâm Đồng: Xử lý dứt điểm ổ dịch tả lợn châu Phi tại huyện Lạc Dương

UBND tỉnh Lâm Đồng đã chỉ đạo Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn và UBND huyện Lạc Dương gấp rút triển khai các pháp phòng chống dịch tả lợn châu Phi mới xuất hiện ở huyện này.

Heo rừng lai được bà con nuôi nhốt chuồng. (Nguồn: báo Lâm Đồng)

Ngày 29/3, Ủy ban Nhân dân tỉnh Lâm Đồng cho biết đã chỉ đạo Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn và Ủy ban Nhân dân huyện Lạc Dương gấp rút triển khai các pháp phòng chống dịch tả lợn châu Phi mới xuất hiện trên địa bàn huyện này.

Cụ thể, từ giữa tháng Ba đến nay, ổ dịch tả lợn châu Phi xuất hiện tại trang trại chăn nuôi lợn rừng lai của Công ty Trách nhiệm hữu hạn Vạn Trường Thành ở xã Đạ Nhim, huyện Lạc Dương. Đến nay, đã có 24 con lợn rừng lai bị chết do dịch bệnh và đã được công ty này đốt tiêu hủy.

Trước tình hình trên, Ủy ban Nhân dân tỉnh Lâm Đồng chỉ đạo ngành nông nghiệp hướng dẫn về chuyên môn để xử lý ổ dịch, thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch bệnh phù hợp, có hiệu quả, hạn chế mức thấp nhất dịch lây lan và thiệt hại do dịch bệnh gây ra trên địa bàn tỉnh.

Đồng thời, tỉnh yêu cầu các cơ quan chuyên môn huyện Lạc Dương và Ủy ban Nhân dân xã Đa Nhim phải tập trung mọi nguồn lực để xử lý dứt điểm ổ dịch, khoanh vùng, cách ly, kiểm soát không để dịch bệnh lây lan rộng. Bên cạnh đó, hướng dẫn, vận động người chăn nuôi khai báo với chính quyền, cơ quan thú y địa phương khi có lợn mắc bệnh, nghi mắc bệnh dịch tả lợn châu Phi; tuyệt đối không bán chạy lợn bệnh và không vứt xác lợn bừa bãi gây ô nhiễm môi trường.

Trang trại của Công ty Trách nhiệm hữu hạn Vạn Trường Thành này đang nuôi 450 con lợn rừng lai trong 4 dãy chuồng. Ổ dịch xuất hiện tại dãy chuồng số 1, nơi có 206 con lợn rừng lai từ ngày 12/3 vừa qua.

Sau khi lợn liên tục bỏ ăn, bị chết, công ty đã lấy mẫu máu của 3 con lợn nái gửi đi xét nghiệm. Kết quả, Chi cục Thú y vùng V phát hiện bệnh virus dịch tả lợn châu Phi trong mẫu máu nói trên.

Hiện tại, Ủy ban Nhân dân huyện Lạc Dương đã giao cho đơn vị chức năng giám sát tình hình dịch bệnh trên đàn lợn trong trang trại trên; đồng thời tiến hành tiêu độc khử trùng, chuẩn bị tiêm phòng vaccine cho đàn vật nuôi trên toàn địa bàn huyện./.