Phố Wall khép lại quý giao dịch đầu tiên của năm 2024 đầy khởi sắc
"Chìa khóa" cho sự tăng trưởng của thị trường chứng khoán trong năm nay là niềm tin của các nhà đầu tư rằng nền kinh tế Mỹ đã sẵn sàng cho một cuộc "hạ cánh mềm."
Thị trường chứng khoán Mỹ khép lại tuần giao dịch ngắn ngày vào phiên 29/3 với các mức tăng giảm trái chiều.
Trong khi chỉ số Nasdaq Composite đảo chiều hạ điểm, thì chỉ số Dow Jones và S&P 500 vẫn duy trì đà tăng từ trước đó, với S&P 500 ghi nhận quý I tăng mạnh nhất trong 5 năm qua.
Phố Wall đi xuống trong hai phiên giao dịch đầu tuần này (25-26/3), sau khi chứng kiến mức tăng hàng tuần lớn nhất theo điểm phần trăm kể từ đầu năm nay.
Theo dữ liệu khảo sát của tổ chức nghiên cứu Conference Board, niềm tin của người tiêu dùng Mỹ giảm nhẹ trong tháng Ba và thấp hơn dự kiến của các nhà phân tích.
Bên cạnh đó, cuộc khảo sát còn chỉ ra những lo ngại về lạm phát và tình hình bầu cử tại Mỹ.
Tuy nhiên, diễn biến của thị trường đã đảo chiều trong phiên giao dịch ngày 27/3, khi cả ba chỉ số chủ chốt đồng loạt tăng điểm. Đáng chú ý, chỉ số S&P 500 kết thúc phiên này ở mức 5.248,49 điểm, tăng 0,9% và vượt mức kỷ lục được thiết lập vào tuần trước.
Phiên 29/3, thị trường đóng cửa nghỉ lễ Thứ Sáu tuần Thánh, bởi vậy tuần giao dịch này của Phố Wall khép lại ở phiên 28/3. Chỉ số Dow Jones tăng 47,29 điểm, tương đương 0,12%, lên 39.807,37 điểm, song chỉ số Nasdaq Composite mất 20,06 điểm, tương đương 0,12%, xuống 16.379,46 điểm. Chỉ số S&P 500 tăng nhẹ 5,86 điểm (tương đương 0,11%), lên mức 5.254,35 điểm. Đây là lần thứ 22 chỉ số S&P 500 ghi nhận các mức đỉnh lịch sử trong quý 1/2024.
S&P 500 đã tăng 10,2% sau ba tháng đầu năm nay, giúp chỉ số này có được quý 1 tăng trưởng mạnh nhất kể từ năm 2019. Chỉ số Dow Jones và Nasdaq cũng ghi nhận mức tăng lần lượt 5,6% và 9,1% trong cùng kỳ.
Trước đó, đã từng có 17 phiên giao dịch xác lập các kỷ lục của S&P 500 trong 50 phiên giao dịch đầu tiên của năm 2024 - chuỗi bùng nổ kéo dài nhất kể từ năm 1998 tính trong cùng thời kỳ. Chỉ số Dow Jones và Nasdaq cũng liên tục xác lập những đỉnh mới trong quý 1.
Thị trường chứng khoán Mỹ đang cho thấy một khởi đầu đầy tích cực trong năm 2024, khi sự lạc quan về nền kinh tế và việc cắt giảm lãi suất kết hợp với sự phấn khích về cơ hội kinh doanh trong lĩnh vực trí tuệ nhân tạo (AI) dự kiến sẽ còn "khuấy động" một làn sóng tăng cho thị trường cổ phiếu thời gian tới.
Cho tới nay, không có đợt sụt giảm đáng kể nào của Phố Wall kể từ đầu năm 2024. Trong khi đó, chỉ số công nghệ Nasdaq Composite vào cuối tháng 2/2024 cũng đã đạt mức cao kỷ lục đầu tiên kể từ tháng 11/2021.
"Chìa khóa" cho sự tăng trưởng của thị trường chứng khoán trong năm nay là niềm tin của các nhà đầu tư rằng nền kinh tế Mỹ đã sẵn sàng cho một cuộc "hạ cánh mềm," trong đó lạm phát ở mức vừa phải nhưng nền kinh tế tránh được kịch bản suy thoái.
Theo số liệu được Bộ Thương mại Mỹ công bố ngày 29/3, lạm phát cơ bản của nước này đã chậm lại trong tháng 2/2024, trong khi chi tiêu tiêu dùng tiếp tục mạnh mẽ, mang lại những tín hiệu tích cực cho triển vọng của nền kinh tế và khả năng Cục Dự trữ Liên bang (Fed) sẽ hạ lãi suất vào tháng 6/2024.
Chỉ số giá tiêu dùng cá nhân (PCE), thước đo lạm phát ưa thích của Fed, tăng 0,3% trong tháng 2/2024, thấp hơn mức dự báo được các nhà kinh tế tham gia khảo sát của hãng tin Reuters (Vương quốc Anh) đưa ra là 0,4%.
Dữ liệu của tháng 1/2024 cũng được điều chỉnh cao hơn với PCE tăng 0,4%, thay vì 0,3% như báo cáo trước đó. So với cùng kỳ năm ngoái, PCE tháng 2/2024 tăng 2,5%, sau khi tăng 2,4% trong tháng 1/2024.Giá hàng hóa tăng 0,5% trong tháng 2/2024, do giá xăng và các sản phẩm năng lượng khác tăng 3,4%. Giá xe và phương tiện giải trí cũng như quần áo, giày dép cũng tăng mạnh. Tuy nhiên, giá đồ nội thất, thiết bị gia dụng và các hàng hóa lâu bền khác lại giảm.
Giá dịch vụ tăng 0,3% trong tháng 2/2024, chậm lại đáng kể so với mức tăng 0,6% của tháng 1/2024. Chi phí nhà ở và tiện ích tăng 0,5%, trong khi giá các dịch vụ giải trí, tài chính và bảo hiểm cũng tăng mạnh. Chi phí ăn uống và phòng khách sạn, nhà nghỉ không thay đổi, trong khi dịch vụ vận tải hầu như không tăng và dịch vụ chăm sóc sức khỏe tăng nhẹ.
Loại trừ các thành phần năng lượng và thực phẩm dễ biến động, chỉ số PCE lõi tăng 0,3% trong tháng 2/2024, so với mức tăng 0,5% được điều chỉnh tăng trong tháng 1/2024. So với cùng kỳ năm ngoái, PCE lõi tăng 2,8% trong tháng 2/2024, chậm lại so với mức tăng 2,9% của tháng trước đó.
Với việc lạm phát chậm lại, người tiêu dùng Mỹ đã chi tiêu nhiều hơn. Chi tiêu tiêu dùng, chiếm hơn 66% hoạt động kinh tế Mỹ, tăng 0,8% trong tháng 2/2024, mức tăng cao nhất kể từ tháng 1/2023, sau khi chỉ tăng 0,2% trong tháng 1/2024.
Sau khi điều chỉnh theo lạm phát, chi tiêu tiêu dùng thực tế đã phục hồi 0,4% trong tháng 2/2024, sau khi giảm 0,2% trong tháng trước đó. Sự gia tăng chi tiêu tiêu dùng thực tế cho thấy lĩnh vực tiêu dùng có thể vẫn giữ được phần lớn động lực trong quý 1/2024 và mang lại tín hiệu tích cực cho triển vọng của nền kinh tế Mỹ.
Các nhà hoạch định chính sách của Fed mới đây đã công bố một loạt dự báo mới về nền kinh tế, với nhận định tăng trưởng trong các năm 2024, 2025 và 2026 thậm chí còn mạnh hơn các dự báo trước đó.
Các nhà phân tích cũng có chung sự lạc quan về triển vọng kinh tế Mỹ, khi các dấu hiệu của một cuộc suy thoái như tình trạng sa thải lao động hàng loạt và chi tiêu tiêu dùng thấp được cho là sẽ không sớm xuất hiện.
Chủ tịch Fed Jerome Powell cho rằng nền kinh tế và thị trường việc làm mạnh, trong khi lạm phát đang giảm.
Lợi nhuận doanh nghiệp cao và thị trường chứng khoán liên tục phá kỷ lục, và nước Mỹ có thể đang trong giai đoạn bùng nổ năng suất, điều sẽ thúc đẩy tăng trưởng mà không gây sức ép lạm phát. Ngay cả khi lãi suất được duy trì ở các mức cao nhất trong hai thập kỷ, nền kinh tế tiếp tục cho thấy sức bật đáng kể.
Các nhà kinh tế nhận định kinh tế Mỹ có thể duy trì động lực trong những năm tới.
Ngoài ra, thị trường chứng khoán tiếp tục được thúc đẩy bởi một số công ty có vốn hóa lớn dẫn đầu vào năm 2023.
Cổ phiếu của Nvidia tiếp tục tỏa sáng, tăng hơn 80% trong năm nay nhờ các chip tiêu chuẩn vàng dành cho AI. Meta Platforms cũng tăng 37% khi công ty mẹ Facebook phát hành cổ tức lần đầu tiên vào tháng Hai./.