Giá dầu trên thị trường thế giới tăng tháng thứ ba liên tiếp
Chuyên gia nhận định rằng dự báo dự trữ dầu của Mỹ sẽ tăng ít hơn bình thường do thị trường dầu mỏ toàn cầu đang thiếu hụt nhẹ. Điều này có thể hỗ trợ giá dầu Brent trong tương lai.
Trong tuần qua, giá dầu Brent tăng 2,4% và dầu thô ngọt nhẹ Mỹ (WTI) của Mỹ tăng khoảng 3,2%. Như vậy, giá của hai loại dầu này đều tăng tháng thứ ba liên tiếp.
Thị trường đóng cửa nghỉ lễ phiên 29/3.
Giá dầu tăng hơn 1 USD/thùng trong phiên 28/3 do khả năng Tổ chức Các nước Xuất khẩu Dầu mỏ và các đối tác (OPEC+) tiếp tục cắt giảm sản lượng, cơ sở hạ tầng năng lượng của Nga bị tấn công và số lượng giàn khoan của Mỹ giảm.
Trong phiên này, giá dầu Brent giao tháng 5/2024 ở mức 87,48 USD/thùng, mức cao nhất kể từ ngày 27/10, sau khi tăng 1,39 USD (1,6%). Giá dầu WTI giao tháng 5/2024 là 83,17 USD/thùng, tăng 1,82 USD (2,2%).
Còn trong phiên 27/3, giá dầu giảm phiên thứ hai liên tiếp khi đồng USD mạnh lên và dữ liệu của Chính phủ Mỹ cho thấy dự trữ dầu thô và xăng bất ngờ gia tăng.
Cuối phiên này, giá dầu Brent giảm 16 xu, tương đương 0,2%, xuống mức 86,09 USD/thùng. Trong khi đó, giá dầu Brent giao tháng 6/2024 giảm 22 xu Mỹ, xuống 85,41 USD/thùng. Giá dầu ngọt nhẹ WTI giao tháng 5/2024 giảm 27 xu, tương đương 0,3%, xuống 81,35 USD/thùng.
Trước đó, giá dầu giảm trong phiên 26/3 do các nhà đầu tư có quan điểm trái chiều về việc công suất lọc dầu của Nga bị thiệt hại sau các vụ tấn công gần đây.
Khép phiên này, giá dầu Brent giao tháng 5/2024 giảm 50 xu Mỹ xuống 86,25 USD/thùng, còn giá dầu WTI giảm 33 xu Mỹ (0,4%) xuống 81,62 USD/thùng.
Trong phiên giao dịch đầu tuần ngày 25/3, giá dầu thế giới tăng cao hơn khi Chính phủ Nga yêu cầu hạn chế sản lượng dầu. Chốt phiên này, giá dầu Brent kỳ hạn tăng 1,32 USD (1,55%) lên 86,75 USD/thùng. Còn giá dầu WTI tăng 1,32 USD (1,64%) lên 81,95 USD/thùng.
Nhà phân tích Bjarne Schieldrop của ngân hàng SEB dự báo dự trữ dầu của Mỹ sẽ tăng ít hơn bình thường do thị trường dầu mỏ toàn cầu đang thiếu hụt nhẹ. Điều này có thể hỗ trợ giá dầu Brent trong tương lai.
Các nhà phân tích của ngân hàng JPMorgan cho rằng thị trường đang tập trung vào việc Cục Dự trữ Liên bang Mỹ và Ngân hàng Trung ương châu Âu bắt đầu cắt giảm lãi suất vào tháng 6/2024. Lãi suất thấp thường hỗ trợ nhu cầu dầu mỏ.
OPEC ngày 12/3 đã giữ nguyên các mức dự báo tăng trưởng nhu cầu dầu toàn cầu trong năm 2024 và 2025, đồng thời nâng dự báo tăng trưởng của nền kinh tế thế giới trong năm nay, nhờ đà tăng trưởng khởi sắc hơn của các nền kinh tế Mỹ và Ấn Độ.
OPEC dự báo tăng trưởng nhu cầu dầu của thế giới trong năm 2024 và 2025 sẽ lần lượt ở mức 2,2 triệu thùng/ngày và 1,8 triệu thùng/ngày, không thay đổi so với các mức dự báo được đưa ra trong báo cáo tháng trước.
Trong báo cáo tháng 3/2024, OPEC đã nâng mức dự báo tăng trưởng kinh tế toàn cầu trong năm nay lên 2,8%, từ mức dự báo tăng 2,7% được đưa ra trước đó, nhờ hoạt động kinh tế tăng mạnh mẽ trong nửa cuối năm nay.
OPEC đánh giá: "Trong khi Mỹ, Ấn Độ và, ở một chừng mực nào đó, cả Brazil chứng kiến đà tăng trưởng kinh tế mạnh mẽ trong nửa cuối năm 2023, với các nền kinh tế Trung Quốc và Nga đều tăng trưởng ổn định vào khoảng thời gian cuối năm ngoái, thì kinh tế của Khu vực đồng euro (Eurozone) lại ghi nhận sự suy giảm."
Tuy nhiên, OPEC đã chỉ ra một số dấu hiệu báo trước sự phục hồi tăng trưởng kinh tế tiềm năng ở Eurozone, cho thấy một xu hướng tăng trưởng khởi sắc sẽ tiếp tục diễn ra trong quý 1/2024."
OPEC dự báo sản lượng dầu thô năm 2024 của các nước ngoài OPEC sẽ tăng 1,1 triệu thùng/ngày, giảm 120.000 thùng/ngày so với dự báo được đưa ra trước đó, chủ yếu do các biện pháp hạn chế sản lượng tự nguyện trong quý 2/2024 được gia hạn.
Trong tháng này, một số thành viên của liên minh giữa OPEC và các nhà sản ngoài khối, còn gọi là OPEC+, bao gồm Saudi Arabia, Các Tiểu vương quốc Arập Thống nhất (UAE) và Kuwait, đã thông báo gia hạn các mức cắt giảm sản lượng dầu tự nguyện tổng cộng 2,2 triệu thùng/ngày như một phần trong nỗ lực hỗ trợ sự cân bằng và ổn định của thị trường dầu mỏ toàn cầu.
Trong tháng 2/2024, sản lượng dầu thô của các thành viên chủ chốt trong OPEC, không bao gồm Angola, đã tăng 203.000 thùng/ngày so với tháng trước đó, lên trung bình 26,57 triệu thùng/ngày.
Hồi tháng 1/2024, Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA) dự báo nhu cầu dầu mỏ trên toàn cầu sẽ giảm một nửa trong năm 2024, chủ yếu do những quy định ngày càng nghiêm ngặt về sử dụng nhiên liệu hóa thạch, cũng như sự gia tăng sử dụng các phương tiện chạy bằng điện.
Theo dự báo của IEA, mức tiêu thụ dầu mỏ sẽ giảm từ 2,3 triệu thùng/ngày vào năm 2023 xuống còn 1,2 triệu thùng/ngày vào năm 2024. Nhu cầu dầu mỏ đã giảm mạnh ngay từ quý 4/2023.
Những khó khăn chung về kinh tế cùng với các chính sách chuyển đổi từ năng lượng hóa thạch sang năng lượng tái tạo mà nhiều nước đang thúc đẩy là hai trong số những lý do chính dẫn đến sự sụt giảm về nhu cầu.
Trong bối cảnh trên, Giám đốc Bộ phận Nghiên cứu của OPEC, Ayed Al-Qahtani, cho rằng khoản đầu tư 14.000 tỷ USD vào ngành năng lượng toàn cầu là cần thiết để đáp ứng nhu cầu dầu mỏ ngày càng tăng của thế giới, dự kiến tăng lên 116 triệu thùng/ngày vào năm 2045.OPEC+ được cho là khó có thể thay đổi chính sách sản lượng dầu cho đến cuộc họp cấp bộ trưởng vào tháng Sáu.
OPEC+ trong tháng này đã đồng ý gia hạn thỏa thuận cắt giảm sản lượng khoảng 2,2 triệu thùng/ngày đến cuối tháng 6/2024, mặc dù Nga và Iraq đã phải nỗ lực nhiều hơn nữa để giải quyết tình trạng dư thừa sản lượng
Cả dầu Brent và dầu WTI đều tăng đều đặn trong năm nay. Tính đến ngày 23/3, giá dầu Brent tăng gần 11% và giá dầu WTI tăng khoảng 12,5%, nhờ kỳ vọng về việc hạ lãi suất tại các nền kinh tế lớn trong mùa Hè và tình hình căng thẳng địa chính trị tại Đông Âu và Trung Đông./.