Phó Thủ tướng Thường trực Nguyễn Hòa Bình tiếp xúc cử tri tại Bắc Giang

Cử tri đề nghị sau sáp nhập xã, Trung ương nghiên cứu, có chủ trương chỉ đạo các tỉnh, thành phố, cho phép quy hoạch trụ sở các xã mới ở vị trí mới có tính chất trung tâm, thuận tiện cho nhân dân.

Chiều 16/4, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Nguyễn Hòa Bình cùng Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Bắc Giang đã tiếp xúc cử tri huyện Hiệp Hòa, tỉnh Bắc Giang, trước Kỳ họp thứ 9 Quốc hội khóa XV và lắng nghe ý kiến, tâm tư, nguyện vọng của cử tri.

Cùng tham dự Bí thư Tỉnh ủy Bắc Giang Nguyễn Văn Gấu; Phó Chủ tịch Thường trực Ủy ban Nhân dân tỉnh Mai Sơn.

Kỳ họp thứ 9 Quốc hội khóa XV dự kiến khai mạc vào ngày 5/5 và bế mạc ngày 28/6, dự kiến sẽ xem xét, quyết định sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp năm 2013; xem xét, thông qua 30 dự án luật và 7 nghị quyết; cho ý kiến 6 dự án luật; đồng thời xem xét, quyết định các vấn đề kinh tế-xã hội, ngân sách nhà nước, giám sát và các vấn đề quan trọng khác...

Cử tri huyện Hiệp Hòa (Bắc Giang) bày tỏ sự vui mừng, tin tưởng vào những kết quả hoạt động của Quốc hội, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh thời gian qua.

Cử tri nêu nhiều kiến nghị, đề xuất liên quan đến các vấn đề bất cập, khó khăn trong việc thực thi một số quy định trong Luật Nhà ở, Luật Quy hoạch, Luật Đất đai; chính sách, chế độ đối với người có công; việc sắp xếp tinh gọn bộ máy hành chính; an ninh trật tự cơ sở...

Cử tri đề nghị Chính phủ nghiên cứu, sửa Luật Nhà ở theo hướng cho phép các địa phương đấu giá quyền sử dụng đất cho người dân để tăng thu ngân sách mà không bắt buộc phải xây thô nhà ở, căn hộ trong một số trường hợp; Chính phủ ban hành Nghị định quy định chi tiết Luật Quy hoạch đô thị và nông thôn.

Cử tri huyện Hiệp Hòa, Bắc Giang nêu kiến nghị. (Ảnh: Đồng Thúy/TTXVN)

Về tổ chức chính quyền địa phương 2 cấp, một số cử tri đề nghị Quốc hội sớm ban hành, sửa đổi, bổ sung các văn bản quy phạm pháp luật thuộc thẩm quyền để kịp thời triển khai thực hiện ngay sau khi thực hiện xong việc sắp xếp bộ máy, đơn vị hành chính, tổ chức chính quyền địa phương 2 cấp đảm bảo phù hợp, hạn chế những khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện, áp dụng văn bản.

Chính phủ nghiên cứu, sớm ban hành quy định về chức năng, nhiệm vụ, tổ chức bộ máy, biên chế của các xã sau khi sáp nhập; có chế độ chính sách đối với cán bộ không chuyên trách cấp xã sau khi nghỉ việc.

Cử tri đề nghị sau sáp nhập xã, Trung ương nghiên cứu, có chủ trương chỉ đạo chung các tỉnh, thành phố, cho phép quy hoạch trụ sở các xã mới ở vị trí mới có tính chất trung tâm, thuận tiện cho nhân dân, đồng thời hỗ trợ kinh phí các địa phương xây dựng lại trụ sở để đáp ứng yêu cầu công việc và phục vụ nhân dân; tăng thêm một Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân cấp xã sau khi thực hiện sáp nhập...

Phó Thủ tướng Thường trực Nguyễn Hòa Bình đánh giá các ý kiến của cử tri rất tâm huyết, xác đáng. Ông cho biết Kỳ họp tới là một kỳ họp lịch sử, để Luật hóa các chủ trương thành hiện thực, với khối lượng công việc rất lớn, hướng đến 3 mục tiêu lớn là: Thực hiện cuộc cách mạng lớn về sắp xếp bộ máy; sửa luật để tháo gỡ những khó khăn hiện hữu, cấp bách và tạo hành lang pháp lý cho những chủ trương mới.

Thời gian gần đây Đảng, Chính phủ có nhiều chủ trương lớn để tạo điều kiện cho đất nước bứt phá, tăng tốc, chuẩn bị cho kỷ nguyên vươn mình, giàu mạnh của đất nước, sánh vai với các cường quốc trên thế giới. Một loạt chủ trương lớn ở Trung ương đang được hoạch định và triển khai như: Trung ương có Nghị quyết về chuyển đổi số; cuộc cách mạng về sắp xếp, tổ chức bộ máy từ Trung ương và địa phương.

Trung ương sẽ tiếp tục có chủ trương về phát triển kinh tế tư nhân; hoạch định một loạt giải pháp để tăng trưởng kinh tế năm nay đạt 8% trở lên và những năm tiếp theo là trên 10% với nhiều giải pháp mới.

Về cuộc cách mạng lớn trong sắp xếp tổ chức bộ máy, Phó Thủ tướng Thường trực Nguyễn Hòa Bình cho rằng đây là cuộc cách mạng liên quan đến nhiều người...

Đối với chủ trương sáp nhập hai tỉnh Bắc Giang và Bắc Ninh, Phó Thủ tướng cho biết, sau khi sáp nhập, tỉnh Bắc Ninh mới có quy mô kinh tế đứng thứ 5 cả nước, dân số khoảng 3,5 triệu người, diện tích trên 4.700km2, đồng thời quy hoạch đến năm 2030 xây dựng Bắc Ninh mới trở thành đô thị thông minh, thành phố trực thuộc Trung ương. Do đó, tỉnh Bắc Ninh mới sẽ có dư địa phát triển rất lớn, sẽ có những công trình lớn như sân bay Gia Bình, đường cao tốc, các khu công nghiệp...

Về việc chuẩn bị cho Đại hội Đảng các cấp, Phó Thủ tướng Thường trực yêu cầu, trước mắt địa phương cần chuẩn bị hồ sơ để hoàn thành việc sáp nhập xã. Nhưng các xã phải chủ động xây dựng văn kiện, với cách nhìn, tầm nhìn mới, không cộng gộp một cách cơ học.

Tỉnh phải hoàn thành văn kiện đại hội trong tháng 7/2025. Các cấp phải chuẩn bị nhân sự cho Hội đồng nhân dân xã mới, tỉnh mới.

Phó Thủ tướng Thường trực cũng lưu ý liên quan đến việc nhập xã, nhập tỉnh cần phải lấy ý kiến người dân để tạo sự đồng thuận trong dân. Lãnh đạo xã, huyện, tỉnh phải quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội, nâng cao đời sống nhân dân, làm tốt công tác xây dựng đảng.../.