Tinh gọn bộ máy: Lập tổ công tác phục vụ công tác sáp nhập

Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Bắc Ninh Nguyễn Anh Tuấn cho biết tỉnh Bắc Ninh và Bắc Giang đã thành lập 5 tổ công tác chung để phục vụ cho việc sáp nhập tỉnh.

Việc sắp xếp đơn vị hành chính đang được các địa phương triển khai quyết liệt, đảm bảo các tiêu chí, góp phần xây dựng bộ máy tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả.

Bắc Ninh, Bắc Giang thành lập 5 tổ công tác phục vụ công tác sáp nhập

Ngày 16/4, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Bắc Ninh Nguyễn Anh Tuấn cho biết tỉnh Bắc Ninh và Bắc Giang đã thành lập 5 tổ công tác chung để phục vụ cho việc sáp nhập tỉnh.

Bí thư Tỉnh ủy Bắc Ninh Nguyễn Anh Tuấn cho biết thực hiện ý kiến chỉ đạo Trung ương về hợp nhất hai tỉnh Bắc Ninh và Bắc Giang, Thường trực 2 tỉnh đã có buổi làm việc, họp bàn, thành lập Ban Chỉ đạo và 5 tổ công tác chung chuẩn bị sáp nhập 2 tỉnh.

Đó là: Tổ công tác Xây dựng văn kiện Đại hội (của tỉnh mới); Tổ rà soát về quy hoạch và các văn bản quy phạm pháp luật; Tổ sắp xếp tài sản công, trụ sở, bố trí phương án làm việc, nhà công vụ cho cán bộ 2 địa phương; Tổ xây dựng quy chế làm việc tạm thời và chương trình làm việc tạm thời của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh mới và Tổ rà soát lại hồ sơ, dữ liệu, các dự án liên quan đến chuyển đổi số, công nghệ thông tin. Theo kế hoạch, ngày 18/4, Ban Chỉ đạo chung của hai tỉnh sẽ họp phiên đầu tiên.

Thông tin về việc tổ chức mô hình chính quyền 2 cấp, sắp xếp lại cấp xã, phường, Bí thư Tỉnh ủy Bắc Ninh Nguyễn Anh Tuấn cho biết tỉnh sẽ thực hiện nghiêm túc theo tinh thần chỉ đạo của Tổng Bí thư và kết luận của Thủ tướng Chính phủ.

Dự kiến, toàn tỉnh sau sắp xếp sẽ còn 41 xã, phường. Căn cứ vào thực tiễn địa phương, việc sắp xếp, sáp nhập cấp xã sẽ không thực hiện theo phương án “may đo” cho tất cả các xã phường mà sẽ nghiên cứu ưu tiên khu vực lõi của 8 huyện thị, thành phố sẽ có quy mô lớn hơn so với các xã, phường còn lại.

Bí thư Tỉnh ủy Bắc Ninh lưu ý mặc dù việc dừng hoạt động cấp huyện vào 30/6, song Thường trực các huyện, thị, thành ủy sẽ cùng tỉnh thực hiện tốt nhiệm vụ sắp xếp, hợp nhất cấp xã, đến khi cấp xã đi vào hoạt động.

Liên quan đến công tác tổ chức Đại hội Đảng các cấp, dự kiến tháng 7/2025, Bắc Ninh sẽ tổ chức Đại hội điểm cấp xã (sau khi sáp nhập cấp xã), hoàn thành Đại hội cấp xã trước ngày 15/8; Đại hội cấp tỉnh (tỉnh mới) tổ chức vào cuối tháng 9.

Về xây dựng văn kiện địa phương mới, các đơn vị đang tích cực triển khai, trong tháng 4 sẽ xong đề cương; khoảng 15/5 hoàn thiện dự thảo lần thứ nhất sau đó thực hiện các bước lấy ý kiến để hoàn thiện. Ông Nguyễn Anh Tuấn cho biết sẽ phân công các Tỉnh ủy viên phụ trách từng cặp xã, phường mới sáp nhập để phụ trách toàn diện việc sáp nhập và tổ chức Đại hội.

Cùng với đó, tỉnh cũng khẩn trương sắp xếp Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị-xã hội cấp tỉnh và lên kế hoạch dừng hoạt động ở cấp huyện và phương án hoạt động ở cấp xã, phường mới.

Công việc trước mắt rất nhiều, quá trình thực hiện khó tránh khỏi những vướng mắc, Bí thư Tỉnh ủy Bắc Ninh Nguyễn Anh Tuấn mong muốn nhận được sự chia sẻ, đóng góp ý kiến của các đồng chí nguyên lãnh đạo tỉnh, của các cấp ủy, chính quyền, cơ quan, ban, ngành để sau khi sắp xếp xong công việc sẽ tốt hơn, vận hành hiệu quả hơn, đặc biệt tinh thần đoàn kết được phát huy cao hơn.

Trước đó, tại Hội nghị lần thứ 11, Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII quyết nghị hợp nhất tỉnh Bắc Ninh và tỉnh Bắc Giang, lấy tên là tỉnh Bắc Ninh, trung tâm chính trị-hành chính đặt tại tỉnh Bắc Giang hiện nay...

Cấm chiếm giữ, hủy trái phép tài liệu trong sắp xếp

Nhằm tăng cường quản lý công tác văn thư, lưu trữ trong quá trình sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị, Ủy ban Nhân dân tỉnh Nghệ An đã nghiêm cấm các cơ quan, đơn vị, chính quyền địa phương chiếm giữ, chuyển giao, hủy trái phép tài liệu và cơ sở dữ liệu tài liệu; không được làm hỏng, thất lạc tài liệu và cơ sở dữ liệu và đặc biệt là làm lộ lọt thông tin bí mật nhà nước trong quá trình sắp xếp tổ chức bộ máy.

Người dân thực hiện thủ tục hành chính. (Ảnh minh họa. Nguồn: TTXVN)

Để công tác văn thư, lưu trữ hoạt động được thông suốt, liên tục, bảo quản tốt tài liệu trước, trong và sau khi sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị, toàn bộ tài liệu, cơ sở dữ liệu tài liệu hình thành trong hoạt động của cơ quan, tổ chức phải được quản lý tập trung, thống nhất, an toàn theo từng phông lưu trữ.

Các sở, ngành, chính quyền địa phương cũng thống kê toàn bộ tài liệu, cơ sở dữ liệu về các công việc đã hoàn thành, chưa hoàn thành để bố trí phòng kho, trang thiết bị, nhân lực cần thiết để bảo vệ, bảo quản an toàn tài liệu cho đến khi bàn giao cho cơ quan quản lý theo quy định.

Đối với tài liệu lưu trữ có thời hạn, các đơn vị phối hợp với Trung tâm Lưu trữ lịch sử tỉnh tạm thời quản lý tại chỗ đến khi bàn giao cho cơ quan, tổ chức, đơn vị hành chính mới. Việc quản lý, bàn giao thực hiện theo nguyên tắc tập trung, thống nhất, an toàn và theo thẩm quyền quản lý công tác lưu trữ.

Các đơn vị cũng phải thực hiện nghiêm quy định của pháp luật về quản lý, sử dụng con dấu, chứng thư chữ ký số; bảo vệ bí mật nhà nước và bảo đảm an toàn thông tin, tài liệu, dữ liệu trong quá trình sắp xếp tổ chức bộ máy.Đặc biệt, các sở, ngành, chính quyền địa phương nghiêm cấm việc chiếm giữ, chuyển giao, hủy trái phép tài liệu và cơ sở dữ liệu tài liệu; không được làm hỏng, thất lạc tài liệu và cơ sở dữ liệu và lộ lọt thông tin bí mật nhà nước trong quá trình sắp xếp tổ chức bộ máy.

Trong quá trình sắp xếp tinh gọn tổ chức bộ máy khối chính quyền tỉnh, Nghệ An giảm được 6 sở, ngành; giảm 31 phòng và giảm 10 đơn vị sự nghiệp trực thuộc Sở. Tỉnh Nghệ An cũng đã chốt phương án giảm 68,5% đơn vị hành chính cấp xã. Sau sắp xếp, toàn tỉnh giảm từ 412 đơn vị hành chính cấp xã xuống còn 130 xã./.